Hoảng loạn đã qua nhưng ngân hàng Mỹ vẫn chưa hết 'sóng gió'

(ĐTTCO) - Mặc dù một số người dự báo Deutsche Bank sẽ là ngân hàng (NH) tiếp theo bị “sụp đổ” trong tuần cuối tháng 3, sau khi điểm bảo hiểm rủi ro phá sản CDS của NH này tăng lên trên mức 200 trong tuần trước đó, nhưng rồi NH này vẫn yên ổn.
Hoảng loạn đã qua nhưng ngân hàng Mỹ vẫn chưa hết 'sóng gió'

Các NH khu vực của Mỹ cũng không phát ra tin tức xấu, nhất là sau khi 11 NH lớn của Mỹ đã gửi 30 tỷ USD vào NH đang gặp khó khăn là First Republic. Tuy nhiên, đó chỉ là “con sóng” tạm yên…

Sóng tạm yên, nhưng biển chưa lặng

Theo dữ liệu mới đây từ Goldman Sachs và Google Trends, mối quan tâm của người dân Mỹ và châu Âu với rủi ro vỡ nợ của các NH đã giảm đi đáng kể. Chỉ số VIX, chỉ số đo lường độ bất ổn được tính toán từ thị trường phái sinh của Mỹ, cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 tuần gần đây. Chỉ số Sợ hãi/Tham lam của thị trường cũng giảm từ mức sợ hãi về mức trung tính.

Điều đó cho thấy thị trường đang “tạm quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq đều kết thúc cuối tháng 3 ở mức tăng nhẹ khoảng 1% và 4% so với đầu tháng 3. Đây là một mức tăng không hề tệ so với những gì đã diễn ra trong tháng.

Tuy nhiên, cổ phiếu NH vẫn bị “vùi dập” với nhiều cổ phiếu vẫn rớt hơn 30% so với đầu tháng, ngay cả những NH lớn cũng giảm hơn 15%. Còn những lĩnh vực khác đều giữ được mức tăng hoặc giảm nhẹ, trong khi nhiều cổ phiếu công nghệ tăng khoảng 20% như Nvidia, Meta, Intel, AMD.

Nói cách khác, vào cuối tháng 3, thị trường đang phản ánh quan điểm của nhà đầu tư, rằng mối lo về lĩnh vực NH của Mỹ chỉ là vấn đề của ngành NH, và có vẻ như nhà đầu tư đã ít chú ý về nó hơn.

Mức độ tìm kiếm các từ khóa liên quan đến rút tiền khỏi NH Mỹ đã giảm đi đáng kể.

Mức độ tìm kiếm các từ khóa liên quan đến rút tiền khỏi NH Mỹ đã giảm đi đáng kể.

Thực tế thì “sóng tạm yên, nhưng biển chưa lặng”. Trong tuần rồi, khi được phóng viên hỏi: “Khủng hoảng NH đã hết chưa?” Tổng thống Mỹ Biden trả lời “chưa đâu” (not yet). Và có vài thực tế đáng lo ngại. Thứ nhất, NH nhỏ của Mỹ chiếm 70% lượng tín dụng cho vay khu vực bất động sản thương mại ở Mỹ đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, dòng tiền tiếp tục rút ra khỏi các quỹ trái phiếu rủi ro cao (high yield) của Mỹ. Đây là phân khúc được cho là có rủi ro khá lớn và đang nuôi những “công ty xác sống” của Mỹ. Những công ty này đang có rủi ro phải vay lại các khoản vay mới với chi phí vay hơn lợi nhuận được làm ra.

Thứ ba, theo Financial Times, từ đầu tháng 3, các thị trường tiền tệ (money market funds) – một dạng như quỹ đầu tư chuyên nắm tiền mặt và trái phiếu rất ngắn hạn ở Mỹ, đã hút về hơn 340 tỷ USD, trong đó một lượng lớn là chảy ra từ các NH tầm trung và nhỏ ở Mỹ.

Doug Spratley, người đứng đầu bộ phận giao dịch thị trường tiền tệ Mỹ tại T. Rowe Price, cho biết: “Những người gửi tiền chỉ được hưởng lãi suất 0,5% trong tài khoản NH đang bỏ phí cơ hội 4% mà họ có thể kiếm được trong các quỹ thị trường tiền tệ”. Và bây giờ người ta đang nhận ra điều đó.

Xem ra nhiều khả năng các NH nhỏ phải nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên, và thắt chặt lại điều kiện cho vay. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp Mỹ, nhất là doanh nghiệp vay nợ lớn và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thương mại sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhóm cổ phiếu bất động sản thương mại và quỹ bất động sản ở Mỹ, vẫn cách mức giá năm ngoái 30-40%, phản ánh khó khăn đã được nhận thức. Vấn đề là liệu tình hình có thể còn xấu hơn nữa hay không?

Những NH “xác sống”

Goldman Sachs nhận định, tình hình này đã diễn ra từ giữa tháng 6-2022, nghĩa là tình trạng hiện tại của nền kinh tế Mỹ không giống như 2007, khi mà thị trường chủ quan với những tổn thất về tín dụng cũng như sụt giảm giá trái phiếu. Nói cách khác, các kinh tế gia của Goldman Sachs cho rằng, những tháng qua là giai đoạn khó khăn nhất của nhóm bất động sản thương mại và NH nhỏ.

Hiện tại, những tin xấu đó đã phần nhiều được phản ánh ra thị trường, do đó nhiều khả năng tình hình vẫn xấu nhưng không đến mức xấu quá nhiều hơn được nữa, nhưng không tạo ra suy thoái hay khủng hoảng, chỉ khiến tăng trưởng chậm lại và một vài vụ khó khăn cục bộ ở vài NH.

Trong khi đó, ngược lại những kinh tế gia như Mohamed El-Erian hay cây bút Gillian Tett của Financial Times, thận trọng hơn. Gillian Tett chỉ ra rằng, mặc dù có thể giai đoạn khó khăn nhất đã qua với một số NH, nhưng họ vẫn “ôm” số lỗ hơn 600 tỷ USD trên bảng cân đối kế toán do trái phiếu mất giá (vì lợi suất trái phiếu tăng).

Bà Tett nhận định: “Các nhà hoạch định chính sách có thể đã ngăn được hoạt động rút tiền của NH, nhưng trừ khi Fed cắt giảm lãi suất, chứ không thể ngăn việc định giá lại chi phí vốn của các NH”. Điều đó nghĩa là lãi suất còn cao thì khoản lỗ còn đó, và mỗi ngày đều là một gánh nặng trên bảng cân đối, hay nói cách khác là một “quả bom nổ chậm”.

Tương tự như vậy, mặc dù Goldman Sachs cho rằng khó khăn với khu vực bất động sản thương mại đã được biết đến từ giữa năm ngoái, nhưng biết đến không có nghĩa là khó khăn đã qua. Tình thế hiện tại là các công ty đầu tư vào bất động sản thương mại vẫn “gồng” và NH cho họ vay cũng thế. Tình huống cũng tương tự với trường hợp của những công ty “xác sống”.

Những NH quan hệ chủ yếu cả 2 nhóm khách hàng vay nợ này sẽ trở thành những NH “xác sống” như họ. Hệ lụy đối với nền kinh tế Mỹ khi một lượng NH xác sống đủ lớn chính là tín dụng trong nền kinh tế sẽ bị suy kiệt (credit crunch).

Hệ quả của suy kiệt tín dụng lần này có thể không dẫn đến khủng hoảng như 2007 - đó là nhận định chung của Gillian Tett và các chuyên gia của Goldman Sachs. Nhưng không khủng hoảng không có nghĩa là không suy thoái, và thị trường lao động vững mạnh của Mỹ sẽ bị đe dọa.

Nếu như thêm 2 triệu người Mỹ thất nghiệp như Nghị sĩ Elizabeth Warren chất vấn Chủ tịch Fed ở quốc hội Mỹ, tình hình có lẽ sẽ không còn lạc quan như các chuyên gia của Goldman Sachs nghĩ.

Thời điểm hiện tại sóng đã tạm yên, nhưng biển chưa lặng. Nhưng cho dù hiện nay có diễn ra như 2007-2009, thì sau đó kinh tế cũng có những năm tăng trưởng mạnh bù lại. Vấn đề là phải thận trọng chứ không nên chủ quan.

Các tin khác