Hoang sơ “Hồ trên núi”

(ĐTTCO) - Ca khúc nổi tiếng Hồ trên núi của nhạc sĩ Phó Đức Phương ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ của phong cảnh hồ - núi đã đi vào tâm thức của hàng triệu người dân Việt Nam. 
Nhưng có lẽ, không nhiều người biết, nhạc sĩ Phó Đức Phương lấy cảm hứng sáng tác Hồ trên núi từ đâu. Đó chính là hồ Cấm Sơn ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, trong lần nhạc sĩ đi thực tế năm 1971, một hồ rất đẹp nhưng chưa nhiều người biết đến và tiềm năng du lịch còn rất lớn.
“Bầu sữa” tưới tiêu của đất vải và đất na
Cấm Sơn là một hồ lớn nước có hình như một con rết có đầu, đuôi, 2 chân dưới và 1 chân trên lưng. Bình thường, mặt hồ rộng 2.600ha nhưng đến mùa mưa lũ nước dâng cao, mặt hồ có thể rộng đến 3.000ha. Hồ Cấm Sơn nằm trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Lục Ngạn, gồm: Hộ Đáp, Tân Sơn, Sơn Hải và Cấm Sơn, giáp ranh với 2 huyện Đình Lập và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Hồ Cấm Sơn có chiều dài gần 30km, bề ngang nơi có đường kính rộng nhất khoảng 7km, chỗ hẹp nhất chỉ 200m, lòng hồ nơi sâu nhất khoảng 47m, có tới hàng trăm hòn đảo và chứa một lượng nước khổng lồ phục vụ nông nghiệp.
Dòng Cấm Sơn xuất phát từ huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Chảy sang địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thì bị chặn lại và thành hồ. Hồ Cấm Sơn đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động nông nghiệp của 2 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, là nơi cung cấp nước tưới tiêu chủ yếu cho 2 tỉnh này. Trong đó, Bắc Giang là tỉnh có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước, còn Lạng Sơn nổi tiếng với trái na Đồng Bành, bên cạnh lúa và hoa màu đều được tưới tiêu bởi nước hồ Cấm Sơn.
Hoang sơ “Hồ trên núi” ảnh 1
Vẻ đẹp khác biệt ở hồ Cấm Sơn chính là bờ của hồ chính là những ngọn núi trùng trùng điệp điệp bao bọc. Trong lòng hồ, từ xa xưa đã có nhiều bản làng người dân tộc Nùng, Tày, Kinh cùng nhau sinh sống, tạo nên một vùng văn hóa rất đa dạng và mang đậm bản sắc. Do lòng hồ rộng nên người dân sống xung quanh hồ đi lại chủ yếu bằng thuyền. Đồng thời, hồ Cấm Sơn cũng chưa có nhiều sự can thiệp của con người nên vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí. Chính vì vậy, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau câu: “Áo chàm xuống núi bơi thuyền / Khăn nam phân phất như tiên dưới trần”.
Xung quanh hồ Cấm Sơn còn ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí, ly kỳ, như các sự tích về núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, núi Kỉn, làng Mấn, đảo Lăn Lóc... Những câu chuyện được người dân tộc thiểu số kể một cách chân thực càng tôn lên vẻ đẹp mộc mạc, nhẹ nhàng của hồ Cấm Sơn.
“Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc, nhịp chèo ta bơi…”
Khác với một số hồ khác như hồ Hòa Bình, hồ Cấm Sơn có nhiều đồi hơn núi đá vôi ở trong lòng hồ. Những ngọn đồi được phủ cây keo đều tăm tắp, xen lẫn là những loại cây rừng mọc tự nhiên. Bình minh là thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng cảnh sắc của hồ Cấm Sơn. Mặt hồ gợn sóng lấp lánh sớm, điểm vào khung cảnh trữ tình là những chiếc thuyền nan của người dân lướt qua hoặc thuyền chài đánh cá. Những hình ảnh hoang sơ này đã được nhạc sĩ Phó Đức Phương miêu tả bằng câu hát mượt mà “thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc, nhịp chèo ta bơi..”.
Hoang sơ “Hồ trên núi” ảnh 2
Du lịch hồ Cấm Sơn, du khách còn được thưởng thức những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số như hát then, đàn tính, hát đối, hát lượn… Ẩm thực hồ Cấm Sơn rất hấp dẫn, có thể kể đến một số món như thịt gà đồi nướng, tôm, cá nuôi trồng trong hồ rất ngon và đảm bảo độ tươi sạch, măng rừng luộc chấm muối ớt, đặc biệt là món tôm bay rừng. Tôm bay rừng chính là châu chấu rừng được người dân bắt bằng lưới bát quái. Sau đó được sơ chế bỏ phần đầu và chiên giòn. Món này được vắt thêm chanh, rất thơm ngon, đặc biệt là vừa thưởng thức vừa ngắm cảnh lòng hồ.
Hiện nay, tiềm năng khai thác du lịch của hồ Cấm Sơn còn rất lớn, mới chỉ có một số dịch vụ như chèo thuyền, bãi cắm trại… được đưa vào khai thác du lịch. Năm 2022, huyện Lục Ngạn tập trung triển khai phát triển du lịch hồ Cấm Sơn với các điểm nhấn như du lịch Famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị), du lịch miệt vườn hái trái cây tại các xã Quý Sơn, Tân Quang, Tân Mộc. Đặc biệt, huyện lựa chọn xây dựng những tour du lịch lòng hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần để tạo đà phát triển hướng đi mới về du lịch của huyện Lục Ngạn.
Hoang sơ “Hồ trên núi” ảnh 3
Anh Nguyễn Văn Trường, một người dân sinh sống trong lòng cho biết, trước đây gia đình anh làm nghề đánh cá trên hồ, ít ra bên ngoài, thu nhập chủ yếu dựa vào tự nhiên. Những năm gần đây, khách du lịch đến tham quan hồ Cấm Sơn tăng mạnh nên anh mở dịch vụ cho thuê thuyền dạo hồ, thu nhập gia đình tăng lên đáng kể. Mỗi lần dạo hồ kéo dài từ 3-4 giờ, du khách có thể ăn trưa trên các đảo, một số gia đình chuyên phục vụ các món từ thủy sản đánh bắt ở hồ, giá cả rất hợp lý.
Để di chuyển tới hồ Cấm Sơn, du khách có rất nhiều con đường thuận tiện. Du khách đi từ Hà Nội lên có thể đi tới thị trấn Chũ (huyện lỵ của huyện Lục Ngạn), ngược theo đường 297 qua đèo Váng, đến xã Tân Sơn rồi men theo con đường đất đỏ qua các bản làng của người Sán Chí, người Dao, người Nùng. Cách thứ hai, du khách di chuyển từ TP Bắc Giang ngược theo Quốc lộ 1A, di chuyển qua huyện Hữu Lũng, rồi rẽ tay phải khoảng 5km sẽ đến đập Cấm Sơn.

Các tin khác