IFC Việt Nam tại TPHCM: Quan trọng nhất là kiến tạo “phần mềm”

(ĐTTCO) - Vào một buổi sáng cuối tuần đầu xuân, trên tầng thượng của khách sạn Grand Sài Gòn, với tầm nhìn bao quát toàn bộ khúc sông Sài Gòn bao quanh bán đảo Thủ Thiêm với bến Bạch Đằng lịch sử, ngẫu nhiên bên tách cà phê pha phin, khi trao đổi về chủ đề trung tâm tài chính quốc tế (IFC) Việt Nam tại TPHCM với một số nhà kinh tế.
Thủ Thiêm nhìn từ trên cao, nơi được quy hoạch là Trung tâm tài chính quốc tế.
Thủ Thiêm nhìn từ trên cao, nơi được quy hoạch là Trung tâm tài chính quốc tế.
GS. Trần Ngọc Thơ cho rằng chỉ có thể xây dựng thành công IFC nếu chúng ta có thể tạo ra được sự khác biệt, độc đáo, riêng có, độc nhất vô nhị của thành phố, đủ sức cạnh tranh với hàng trăm IFC trong khu vực cũng như trên thế giới, và mọi đề án phải đi tới định lượng được trên cơ sở khoa học những lợi ích mà IFC tại TPHCM mang lại cho quốc gia, cho thành phố như quy mô dòng vốn thu hút được, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, cải thiện cán cân thanh toán…
Chúng ta đều biết, thị trường tài chính ngày càng ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế trong giai đoạn phát triển hiện nay của kinh tế thế giới. Quá trình toàn cầu hóa kinh tế và dần dỡ bỏ hàng rào kinh tế giữa các quốc gia, đã thúc đẩy hình thành mới hay mở rộng nhiều liên minh tài chính - tiền tệ với quy mô giao dịch ngày càng lớn.
Do đó, nhiều quốc gia đã ưu tiên hình thành các hệ thống tài chính có năng lực cạnh tranh cao, đó cũng là cơ hội để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như công nghệ tiên tiến từ thị trường thế giới, và coi đây là yếu tố quyết định để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế. Từ đó xây dựng các IFC trở thành hướng đi chính trong chiến lược phát triển thị trường tài chính ở nhiều quốc gia.
Với Việt Nam, để đạt được các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD, năm 2030 thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thì việc hình thành IFC Việt Nam tại TPHCM là hết sức cần thiết.
Bởi TPHCM có vị trí cực kỳ quan trọng, đóng góp to lớn và đặc biệt là năng lực tiếp nhận cái mới, khả năng tự đổi mới, đi đầu trong thử nghiệm các cơ chế, chính sách kinh tế đã được chứng minh trong suốt quá trình phát triển. Ngay cả trong quá khứ, thành phố đã từng là trung tâm của khu vực Đông Nam Á, được vinh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” với trình độ phát triển cao hơn các nước trong khu vực và có vị trí địa kinh tế vô cùng thuận lợi. 
Ngay như hiện tại, TPHCM đã là trung tâm tài chính quốc gia, nơi tập trung nhiều ngân hàng và các định chế tài chính - tín dụng, sở giao dịch chứng khoán thực hiện các giao dịch tiền tệ, tài chính - tín dụng trong nước và quốc tế; các giấy tờ có giá và sản phẩm tài chính phái sinh; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn; giá trị tuyệt đối khoảng 10% GRDP của thành phố và hơn 1/3 so với cả nước. 
Trong khi đó IFC là những tổ hợp phân tích thông tin và tổ chức quản lý có tiềm năng tài chính. Các bộ phận cấu thành IFC là thị trường chứng khoán, các ngân hàng quốc tế, quốc gia và các chi nhánh, các tập đoàn đa quốc gia, các quỹ đầu tư và quỹ hưu trí, các định chế tài chính khác. Các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ pháp chế, kiểm toán, tư vấn, quảng cáo, kế toán (như McKinsey, Boston Consulting Group, CB Richard Ellis, Ernst&Young, Deloitte Touche Tohmatsu…), các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông.
IFC cũng sẽ thu hút rộng rãi các chuyên gia phân tích tình hình và triển vọng thị trường tài chính thế giới, theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô các quốc gia, nghiên cứu xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách vận hành các thị trường tài chính. Bên cạnh đó, IFC phân tích thực hiện các nghiên cứu đa lĩnh vực, tính toán và công bố các chỉ số và đánh giá xếp hạng quốc tế (World Federation of Exchanges, Moody’s, Standard and Poor’s…). Nhiều trong số các công ty danh tiếng này đã hiện diện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, con đường trở thành IFC Việt Nam tại TPHCM không đơn giản, có thể phải mất nhiều năm gây dựng. Ngoài vấn đề về hạ tầng, kể cả hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia và nguồn nhân lực chất lượng cao, thì thể chế pháp luật, cơ chế chính sách đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng TPHCM thành IFC của Việt Nam.
Thật tốt khi đây cũng chính là ba khâu đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 1-2-2021, trong đó hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là tài chính…
Trong đó quan trọng nhất chính là “phần mềm”, tức cơ chế, chính sách chứ không phải “phần cứng” - hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, những cái có thể có ngay nếu có tiền. Chỉ có cơ chế, chính sách mới tạo ra sự khác biệt để người ta đến với mình. Mà cơ chế, chính sách xuất phát từ nhận thức trước yêu cầu của thực tiễn. 
Trong khi đó với khung khổ pháp luật như hiện nay chắc chắn đây là điều bất khả thi, vì trong một xã hội mà quan hệ giữa doanh nghiệp với các cơ quan công quyền chủ yếu thực hiện theo cơ chế xin - cho, chưa phải là nhà nước kiến tạo theo đúng nghĩa của nó. Nếu ngay như doanh nghiệp nội địa còn cảm thấy khó khăn, thì các doanh nghiệp quốc tế, các nhà đầu tư đến từ khắp nơi trên thế giới sẽ nghĩ như thế nào. Trong khi tài chính - tiền tệ luôn là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô, luôn được quy định hết sức chặt chẽ trong các luật chuyên ngành.      
Xét tới vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đại đô thị như TPHCM cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đối với đất nước mà không một đô thị nào ở nước ta có thể so sánh được, tôi hoàn toàn đồng tình với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, khi ông cho rằng TPHCM cần có một luật riêng để quy định vị trí, vai trò của thành phố cũng như các cơ chế, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý thành phố, nhất là khi thành phố đang thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số 54/2017/QH14 “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”.
Theo nguyên tắc, những quy định thực hiện thí điểm cho kết quả tốt thì có thể đưa thành luật để áp dụng ổn định, lâu dài, nhất là trong năm nay TPHCM sẽ phải tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. 
Từ gợi ý của GS. Thơ và những lợi thế từ IFC, tôi cho rằng IFC tại TPHCM là một hướng đi hết sức đúng đắn của lãnh đạo thành phố, mong các bộ, ngành trung ương và Chính phủ, Quốc hội đặc biệt quan tâm, hỗ trợ để đề án sớm trở thành hiện thực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như cả nước, cải thiện năng lực cạnh tranh, uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. 

Các tin khác