Trong khi nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 thì vẫn có những doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 2 vừa qua.
Lợi nhuận tăng hàng chục lần
Dù kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng quý 2 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của các công ty có câu chuyện riêng, thậm chí có những doanh nghiệp đang hưởng lợi chính từ dịch bệnh COVID-19.
Có lẽ câu chuyện giá thịt lợn tăng cao là chủ đề nóng được nhiều người quan tâm trong suốt thời gian qua vì ảnh hưởng đến bữa cơm hàng ngày của người dân.
Thịt lợn là món ăn phổ biến, thường ngày của người dân Việt Nam nên việc giá thịt lợn tăng cao sẽ có ảnh hưởng tích cực đến những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này một cách bài bản.
Đây cũng là câu chuyện thành công của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã chứng khoán: DBC) khi doanh nghiệp đang có mảng kinh doanh là chăn nuôi và giết mổ chế biến sản phẩm thịt lợn.
DBC đã vươn lên dẫn đầu các doanh nghiệp có tăng trưởng hiệu quả đột biến trong quý II so với cùng kỳ với lãi ròng đạt tới 401 tỷ đồng. Theo đó, lãi lũy kế 6 tháng của DBC đạt hơn 750 tỷ đồng, gấp 27 lần so với cùng kỳ và hoàn thành 64% kế hoạch năm. Đây là mức lãi cao kỷ lục của DBC.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt-VCSC, tình trạng thiếu hụt thịt lợn hiện tại sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm 2020, hỗ trợ cho lợi nhuận của DBC trong các quý tới.
Lý giải điều này, VCSC cho rằng, nguồn cung thịt lợn sẽ vẫn được duy trì ở mức hiện tại khi nông dân chưa muốn tái đàn do lo ngại sự quay trở lại của dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, thịt nhập khẩu vẫn ở mức thấp, do sản xuất và vận chuyển chững lại trong bối cảnh diễn biến phức tạp dịch COVID-19 và mức tăng mạnh của giá thịt thời gian qua.
Ngoài ra, người tiêu dùng cũng chưa sẵn sàng chuyển từ thịt lợn sang thịt gà và một lý do quan trọng nữa là tồn kho thịt lợn tại Trung Quốc giảm mạnh đã kích thích hoạt động xuất khẩu thịt lợn từ Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu DBC đã tăng hơn 107,9 % kể từ đầu năm nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng của Dabaco.
Tiếp đến, đó là câu chuyện doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch COVID-19. Chuyên sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế - Tổng công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) đã và đang được hưởng lợi từ dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo đó, quý 2, doanh thu thuần DNM đạt 239 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 17,4 tỷ đồng, tăng lần lượt 380% và 569% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu DNM cũng tăng mạnh từ đầu năm, đạt mức tăng hơn 615%.
Thời gian qua, giới đầu tư cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.
Ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC nhận định, nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quỹ đất lớn do được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch sản xuất trên thế giới sang Việt Nam.
Trong dài hạn, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc tăng đầu tư công của Chính phủ.
Là doanh nghiệp thuộc nhóm khu công nghiệp, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) công bố kết quả kinh doanh quý II rất tích cực với lợi nhuận thuần đạt tới 330 tỷ đồng (tăng tới 443,5% so với cùng kỳ năm ngoái); trong đó, riêng thu nhập từ chuyển nhượng đất (nhận tiền đền bù) từ Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán: NTC).
Trong nửa đầu năm 2020, công ty ghi nhận lợi nhuận 450 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng đất cho NTC. Theo Ban lãnh đạo công ty, 415 tỷ đồng còn lại sẽ được ghi nhận trong nửa sau năm 2020, nhiều khả năng là quý 3/2020.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu nhập từ chuyển nhượng đất của PHR cho NTC là 865 tỷ đồng, chiếm 70% tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này trong năm 2020. Trên thị trường chứng khoán, PHR tăng hơn 30% kể từ đầu năm.
Một doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản khác cũng có kết quả kinh doanh rất ấn tượng là Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức (mã chứng khoán: SZC). Quý 2, doanh nghiệp này đạt 153 tỷ đồng doanh thu, tăng đột biến gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Các chi phí không đáng kể nên hết quý 2 Sonadezi Châu Đức lãi 72 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với quý 2/2019.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 274 tỷ đồng doanh thu, 125 tỷ đồng lãi sau thuế; tăng lần lượt 151% và 155% so với cùng kỳ năm 2019. Cổ phiếu của doanh nghiệp này, mã SZC cũng tăng 34,72% kể từ đầu năm.
Tiếp dến là Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (mã chứng khoán: D2D) cũng báo lãi sau thuế quý II tăng 130% lên 101,5 tỷ đồng. Tuy có kết quả kinh doanh tích cực nhưng cổ phiếu D2D lại giảm gần 30% kể từ đầu năm
Phần lớn doanh nghiệp "lao đao" vì COVID-19
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp “lao đao,” vì doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn đầu vào của nước ngoài, chủ yếu ở các nước châu Âu, Trung Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, các quốc gia này đang gặp khó khăn khi đại dịch bùng phát, kinh tế trì trệ nên việc nhập khẩu nguyên vật liệu gặp nhiều trở ngại.
Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2020 mới công bố của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngoại trừ ngành dịch vụ tài chính (bao gồm các công ty chứng khoán) có lợi nhuận tăng trưởng, tất cả các ngành đều có lợi nhuận quý II tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước.
Công ty chứng khoán này thống kê 413 doanh nghiệp có tổng lợi nhuận quý 22020 đạt 19.584 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các doanh nghiệp trên HOSE và HNX vẫn duy trì lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm 2019, số lỗ và lợi nhuận giảm mạnh tập trung tại UpCom; trong đó, riêng Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) báo lỗ 1.898 tỷ đồng trong quý 2; 6 tháng doanh nghiệp này lỗ tới 4.255 tỷ đồng.
Thống kê theo ngành, duy nhất ngành dịch vụ tài chính tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 2/2020 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng 53,8% còn lại tất cả các ngành đều giảm mạnh lợi nhuận như dầu khí, bất động sản, viễn thông, bán lẻ, công nghệ thông tin, du lịch và giải trí… đều có mức giảm lợi nhuận trên 90%, do ảnh hưởng bởi COVID-19.
Trên thế giới, Chính phủ Mỹ ngày 30/7 cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm 33% trong quý 2/2020, số liệu kém nhất kể từ năm 1947.
Theo ông Randy Frederick, một quan chức của Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Schwab, mặc dù GDP quý 2/2020 của Mỹ không giảm mạnh như dự đoán trước đó song đây vẫn là một số liệu rất tiêu cực.
Trong khi đó, theo ông Chris Larkin, một lãnh đạo của E-Trade Financial, giới đầu tư đã dự đoán được về các số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ, nên sự quan tâm của họ thực tế là báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn.
Dù vậy, Hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu ngày 30/7 thông báo lỗ ròng 1,9 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm 2020, do dịch COVID-19 khiến lượng máy bay chuyển giao cho khách hàng giảm khoảng 50% xuống còn 196 chiếc.
Trong khi đó, hãng chế tạo ôtô Volkswagen của Đức thông báo khoản lỗ trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2020 lên tới 1,6 tỷ USD do các biện pháp phong tỏa nhằm ứng phó với dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ và các cửa hàng bán ôtô phải đóng cửa.
Còn công ty dầu khí Total (Pháp) cho biết khoản lỗ ròng quý 2/2020 của doanh nghiệp này đã lên tới 8,4 tỷ USD do sự sụt giảm giá dầu trước tác động của đại dịch COVID-19. Đây là khoản lỗ đầu tiên của Total trong 5 năm qua.
Nhận định về kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS cho rằng, doanh nghiệp năm nay có nhiều khó khăn và những khó khăn này đã thể hiện rõ ở kết quả kinh doanh.
Tuy nhiên, những doanh nghiệp lớn họ chống chịu được trong dịch bệnh vừa qua sẽ lấy lợi nhuận của những năm trước dùng dần vào thời điểm này.
Ngoại trừ những doanh nghiệp như là hàng không, hoặc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục rất khó khăn, thậm chí gặp nguy cơ rủi ro phá sản.
“Tuy nhiên, tôi tin Chính phủ sẽ có các biện pháp để hỗ trợ giúp doanh nghiệp tồn tại,” ông Sơn nói.