PHÓNG VIÊN: - Bà đánh giá thế nào về giải pháp kích thích đầu tư công hiện nay?
Bà PHẠM CHI LAN: - Hiện nay vốn đầu tư công đang giải ngân quá chậm và chưa phát huy hiệu quả. Điều này do còn những vướng mắc khiến nhiều ngành, nhiều địa phương không thể giải ngân vốn đầu tư.
Dù vậy, không nên theo đuổi mục tiêu làm sao giải ngân được số vốn đó bằng mọi giá, mà nên có chọn lọc. Tôi cho rằng trong số dự án Chính phủ đang đốc thúc nhanh chóng giải ngân có những dự án chưa thật sự cần thiết.
Vì vậy, thay vì dồn vốn cho các dự án đầu tư công đó, nên dồn vốn vào đầu tư cho một số doanh nghiệp (DN), xây dựng một số ngành trong chuỗi cung ứng mới để chuẩn bị cho tương lai. Khi những ngành này được xây dựng và phát triển hiệu quả, DN sẽ đóng thuế trả lại cho Nhà nước số vốn đã hỗ trợ cho họ.
Thực tế, mỗi khi tăng đầu tư công, các DN làm các dự án sẽ quay sang vay ngân hàng. Thời gian qua hệ thống ngân hàng cũng chờ việc giải ngân đầu tư công, bởi điều này sẽ khiến tín dụng tăng lên từ việc vay vốn của DN được nhận dự án đầu tư công.
Đặc biệt, khi ngân hàng cho vay đối với phân khúc tín dụng này sẽ thấy yên tâm hơn, vì được Nhà nước bảo lãnh, tránh được rủi ro như nợ xấu sau này. Nhưng tôi cho rằng ngân hàng không nên quá phụ thuộc điều này, mà cần mở rộng thêm những gói tín dụng mới, như gói vay cho DN khác có tiềm năng.
Các ngân hàng nên cho DN vay đầu tư vào một số lĩnh vực được dự báo nằm trong chuỗi cung ứng mới đang dịch chuyển.
Ngoài ra, Chính phủ cũng nên nghĩ đến phương án đi kèm, như dành một phần vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp cho DN. Bởi điều đáng lo ngại hiện nay là làn sóng M&A đang diễn ra khá phổ biến, vì DN trong nước không có vốn hoặc không đủ năng lực để cạnh tranh và tồn tại.
Nếu như để DN nội mất dần vào tay nước ngoài rủi ro rất lớn cho nền kinh tế. Thực tế, lâu nay kinh tế chúng ta dựa vào FDI, giờ tài sản lại mất vào tay DN ngoại, sẽ thiếu những trụ cột chống đỡ cho cả nền kinh tế.
- Theo bà cần có thêm giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ nào trong lúc này?
Cố thúc đẩy các dự án đầu tư công, trong khi dự án chưa thực sự được chuẩn bị, có thể dẫn đến dang dở và không hiệu quả, thậm chí gây tốn kém khi dự án kéo dài. |
Số lượng 30,8 triệu người cần hỗ trợ như Chính phủ thống kê vừa qua có thể chưa dừng lại mà vẫn còn mở rộng. Gói hỗ trợ kinh tế trước đó Chính phủ đã đưa ra mới đến tay được một số người.
Cho nên một mặt thúc đẩy giải ngân những gói hỗ trợ trước đó, một mặt mở rộng thêm những gói hỗ trợ mới để hỗ trợ những người tiếp tục bị ảnh hưởng do dịch tái bùng phát.
Về giải pháp dài hạn, mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao nội lực, thực hiện mọi biện pháp để chuẩn bị cho việc đón nhận những luồng đầu tư mới, hoặc những thay đổi của kinh tế thế giới sau dịch bệnh.
Tôi lấy thí dụ về Nhật Bản. Khi DN nhận được hỗ trợ của chính phủ để chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác, có đến 50% DN này chọn thị trường Việt Nam để đầu tư. Đây là tín hiệu rất tốt, nhưng cũng là điều nhắc nhở chúng ta phải chuẩn bị tốt cho chuỗi cung ứng của mình, sẵn sàng tâm thế để đón nhận luồng đầu tư mới.
Chúng ta không chỉ chờ người nước ngoài vào đầu tư, mà phải chủ động tăng cường nội lực của mình. Đó là nâng cao năng lực DN nội đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng sản xuất cho DN nước ngoài.
- Vậy những ngành kinh tế nào sẽ phát triển sau dịch Covid-19 và việc giải cứu DN cần có sự chọn lọc để tránh dàn trải?
- Trong số ngành kinh tế đang khó khăn do dịch Covid-19 và Chính phủ đang nỗ lực giải cứu, có những ngành không có tương lai phát triển nữa. Khi nhu cầu tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu không còn bao nhiêu, cầu giảm mạnh trên thị trường quốc tế, cầu ở Việt Nam dù có tăng lên cũng không thể đủ để bù đắp nổi.
Do đó, Chính phủ cần xem lại có cần phát triển hay không, nếu không nên tập trung vào những ngành mới có tương lai tốt hơn, hoặc có thể là ngành cũ nhưng là những khâu tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn, để lấp đi khoảng trống về cung ứng chúng ta vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Việc cần phải làm lúc này là nên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
Từ nhiều năm nay, các báo cáo về kinh tế Việt Nam đều lo lắng là chưa tạo được động lực mới cho tăng trưởng, trong khi cái cũ cùn mòn, hết dần. Thực tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lâu nay vẫn dựa vào những ngành lao động giá rẻ, phần lớn do DN FDI làm và một phần xuất khẩu tài nguyên như dầu thô, hay xuất khẩu tăng cao cũng dựa vào khu vực FDI.
Tăng trưởng cao đó không vững chắc, trong khi cái chốt là năng suất lao động lại không tăng được. Giờ phải đẩy năng suất lao động lên thông qua đổi mới sáng tạo, bằng nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn, có kỹ năng hơn, làm những ngành đòi hỏi tay nghề cao hơn, từ đó mới có năng suất cao.
- Xin cảm ơn bà.