Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 vừa được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), diện tích đất khu, cụm công nghiệp (KCN) sẽ vào khoảng 200.000ha, tăng 128.000ha so với năm 2010.
Xem xét tình hình thực tế hiện nay, khi hiệu quả sử dụng đất tại các KCN đạt rất thấp, việc tiếp tục gia tăng diện tích đất vào lĩnh vực này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn.
Tình trạng lãng phí nguồn lực do thiếu tầm nhìn, đua nhau phát triển KCN kiểu phong trào ở một số địa phương đã được ĐTTC cảnh báo trong nhiều bài viết gần đây. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đến cuối năm 2010, cả nước có 260 KCN với tổng diện tích gần 71.400ha.
Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy diện tích tại các KCN còn thấp, mới chỉ đạt trên 60%; tại các cụm công nghiệp chỉ có 26,4%. Tuy vậy một số tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ và ĐBSCL vẫn đang đua nhau mở KCN rồi… bỏ trống, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai và nhiều hệ lụy xã hội khác do người dân mất đất.
Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là một số địa phương nôn nóng trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, quy hoạch thiếu thực tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng để xảy ra tình trạng ồ ạt làm KCN rồi bỏ hoang như hiện nay có lỗi của hệ thống quản lý điều hành: Quy hoạch tổng thể phát triển KCN Chính phủ đã phê duyệt, nhưng địa phương vẫn muốn mở thêm KCN để “đi tắt đón đầu” cho bằng nơi khác mà quên xem xét thế mạnh đặc thù của địa phương, hậu quả từ việc thu hồi đất người dân...
Bên cạnh đó, tư duy nhiệm kỳ của lãnh đạo trong việc đề ra các chủ trương, quyết sách lớn về phát triển KCN cũng đã đẩy đến thực trạng hiện nay.
Nước ta xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ cơ bản trở thành nước công nghiệp. Vì vậy, để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, việc chuyển đất lúa sang các mục đích phi nông nghiệp là không tránh khỏi.
Giải thích về việc quy hoạch tăng 128.000ha đất cho các KCN từ nay đến năm 2020, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng phải đảm bảo quỹ đất để phục vụ phát triển công nghiệp trong 10 năm tới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu những bất cập thời gian qua không được khắc phục, liệu thực trạng kém hiệu quả trong sử dụng đất cho KCN sẽ lặp lại trong thời gian tới?
Trên thực tế, lâu nay các KCN tập trung đã không lập quy hoạch tổng thể một cách toàn diện như một điểm dân cư công nghiệp hay đô thị công nghiệp, đã dẫn tới việc thiếu nghiêm trọng cả nhà ở lẫn cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội. Sự phát triển không cân xứng này, một phần do tư duy đô thị hóa, công nghiệp hóa chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt bằng việc thúc đẩy tăng trưởng GDP mà không đặt nặng các vấn đề xã hội phát sinh.
Mặt khác nhiều KCN, khu kinh tế chỉ lo lấp đầy diện tích cho thuê, thậm chí với cả các doanh nghiệp công nghệ thấp gây ô nhiễm môi trường, làm phát sinh khiếu kiện với người dân địa phương. Ra sức đô thị hóa thật nhanh nhưng lại quên mất đầu tư nguồn nhân lực đã dẫn đến nghịch lý: Càng cố gắng đẩy nhanh đô thị hóa càng lãng phí nguồn lực vốn có, càng gây mất an sinh xã hội do người dân mất đất, một sự phát triển mất cân đối.
Công nghiệp hóa là mục tiêu đất nước nỗ lực hướng tới nhưng không vì thế mà phải làm một cách nôn nóng, thiếu tính toán. Chính vì thế, báo cáo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của Chính phủ chưa đạt được sự đồng thuận cao.
Trong tình thế hiện nay khi bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo an ninh lương thực là nhiệm vụ xuyên suốt, cấp bách, việc quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn tới cần phải trả lời được những câu hỏi: Căn cứ nào để xây dựng quy hoạch? Hiệu quả sử dụng đất đai trong 10 năm tới sẽ ra sao? Liệu nước ta có đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai khi dân số tăng lên, nước biển dâng do biến đổi khí hậu khiến đất trồng lúa hẹp lại và trong điều kiện các KCN, đô thị cứ mất phần đất lúa?
Đây là những câu hỏi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có câu trả lời thỏa đáng khi trình quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 ra kỳ họp Quốc hội sắp tới.