Không thể trì hoãn mở cửa kinh tế: Cần chuẩn bị gì cho ngày trở lại ?

(ĐTTCO) - Mở cửa kinh tế là một quá trình mất nhiều thời gian, đòi hỏi cần phải có sự chuẩn bị trước và có rất nhiều việc phải làm.
Chiến lược tái đào tạo lao động cần được thiết kế đồng bộ với chiến lược tái cấu trúc về kinh tế hậu Covid-19. Ảnh: Hoàng Triều
Chiến lược tái đào tạo lao động cần được thiết kế đồng bộ với chiến lược tái cấu trúc về kinh tế hậu Covid-19. Ảnh: Hoàng Triều
Học cách sống chung với Covid-19
Để chuẩn bị cho việc tái mở cửa kinh tế, trước hết người dân cần được học cách sống chung với Covid-19. Cần có các hướng dẫn, phổ biến thông tin, tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng để sống chung với Covid-19. Các em học sinh, sinh viên cần được rèn luyện các kỹ năng sống chung với Covid-19 một cách an toàn.
Các quy định về 5K vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt. Các chiến lược về truy vết, xét nghiệm, bóc tách F0 vẫn phải tiến hành thường xuyên theo cách tiếp cận mới.
Để mở cửa kinh tế, các vấn đề mang tính thể chế, chính sách, luật pháp cần được ưu tiên xử lý sớm mà không cần phải đợi hết dịch.
Chẳng hạn các nút thắt về chính sách đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng; công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, các bất cập mang tính thủ tục bàn giấy đối với doanh nghiệp, và người dân phải được tháo gỡ ngay để khi cơ hội mở ra có thể thực thi được.
Các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng triển khai chuyển sang áp dụng công nghệ số trong xử lý các thủ tục hành chính.
Đặc biệt, cần có kế hoạch tái đào tạo lao động càng sớm càng tốt. Các doanh nghiệp sau đại dịch này sẽ tái cấu trúc lại mô thức kinh doanh, phương thức sử dụng lao động, áp dụng công nghệ tự động một cách rất mạnh mẽ. Do đó, lao động đứng trước thách thức tìm kiếm việc làm mới, nhất là lao động đứng tuổi hoặc đã qua thời kỳ năng suất cao.
Nếu không đào tạo lại lao động chúng ta cũng sẽ đánh mất cơ hội để sớm đưa nền kinh tế lên quỹ đạo tăng trưởng nhanh để bù đắp cho giai đoạn sụt giảm vừa qua.
Theo báo cáo, nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lên đến gần 90.000 tỷ đồng, sắp tới sẽ sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Số dư còn lại của Quỹ cần được sử dụng để hỗ trợ tái đào tạo lao động bị mất việc làm do Covid-19 thời gian qua.
Chiến lược tái đào tạo lao động cần được thiết kế đồng bộ với chiến lược tái cấu trúc về kinh tế hậu Covid-19. Nhiều doanh nghiệp bị bào mòn năng lực, tạm ngưng hoạt động, thậm chí phá sản.
"Không có khái niệm "Zero Covid-19". Chúng ta có thể bắt đầu nghĩ đến Covid-19 là một bệnh đặc hữu", Đỗ Thiên Anh Tuấn.
Đây là thời điểm Chính phủ, chính quyền các địa phương đưa ra chiến lược tái cấu trúc các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế theo định hướng ưu tiên phát triển. Là thời điểm để lọc ra những ngành và lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng phát triển nhằm tập trung đầu tư, hỗ trợ, dựa trên tiêu chí cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế.
Các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế hậu phục hồi sẽ tập trung vào những ngành và lĩnh vực theo định hướng phát triển của nền kinh tế, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, tự động hóa trong sản xuất, giảm tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, ô nhiễm môi trường. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Các chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ cần được phối hợp và bổ trợ cho nhau, trong đó các chính sách thuế ưu đãi phục hồi, nghĩa là ưu tiên cho các doanh nghiệp có kế hoạch tái phục hồi thay vì tài trợ cho doanh nghiệp có kế hoạch phá sản, áp dụng lãi suất ưu đãi, biên lợi nhuận cho vay, hỗ trợ các chi phí tái thiết lập thị trường lao động và chuỗi ưng ứng…
Khác với đầu tư tư nhân chịu chi phối bởi triển vọng kinh tế, tăng trưởng, lạm phát, lãi suất, nhu cầu thị trường... Các dự án đầu tư công cần được thúc đẩy sớm nhất có thể, bao gồm các dự án trọng điểm quốc gia lẫn các dự án đầu tư nhỏ mang tính dân sinh nhưng dễ triển khai và phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.
Thực tế nhiều dự án đầu tư công bị chậm là ở các khâu về thủ tục hành chính. Do đó, cần tập trung xử lý ngay các chậm trễ về mặt thủ tục, hành chính, để có thể triển khai ngay khi việc dịch chuyển và tập trung lao động được nới lỏng.
Không thể trì hoãn mở cửa kinh tế: Cần chuẩn bị gì cho ngày trở lại ? ảnh 1 Nguồn cung vaccine tiếp tục sẽ khan hiếm, nên việc ưu tiên cho các đối tượng như thế nào cần phải tính toán kỹ.
Việc nối lại các chuỗi cung ứng phải bao gồm cả chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động. Đối với hàng hóa: Tổ chức lại quy trình quản lý các luồng xanh vận tải, logistics một cách khoa học, bài bản, hệ thống hơn. Do tính liên kết sản xuất không thể tách rời nên rất cần thống nhất giữa các địa phương về phương thức tổ chức và thực hiện nhằm đảm bảo tính nhất quán và thông suốt.
Về lao động, áp dụng "hộ chiếu làm việc", cho phép người dân đi làm trở lại theo tiêu chí đã tiêm vaccine, xét nghiệm định kỳ, tuân thủ nghiêm quy định 5K. Áp dụng công nghệ nhận diện đi lại và quản lý lao động. Đặc biệt, cần thống nhất các điều kiện và giấy phép giữa các địa phương tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, tăng chi phí lao động không cần thiết.
Các cơ quan, tổ chức cung cấp điện, nước, viễn thông, hải quan, thuế vụ, đăng ký, đăng kiểm và các dịch vụ hành chính công cần chủ động kế hoạch ứng phó với khả năng tắc nghẽn dịch vụ khi nhu cầu tăng mạnh trở lại.
Thực hiện chính sách nới lỏng, cho phép mở rộng dần các hoạt động kinh tế từ thiết yếu đến bán thiết yếu và không thiết yếu. Ưu tiên các lĩnh vực có thể hạn chế hoặc kiểm soát được tập trung đông người. Cần thiết có thể phân loại các doanh nghiệp theo đặc thù, tính chất hoạt động, quy mô, khu vực, năng lực tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn.
Các doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ được ưu tiên hoạt động và nới lỏng các giới hạn về công suất hoạt động gắn với tỷ lệ lao động. Nới lỏng tiến đến cho phép doanh nghiệp, người sử dụng lao động đủ điều kiện tự tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 định kỳ cho người lao động và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý dịch chuyển lao động. Phát huy vai trò của chính quyền trong công tác "hậu kiểm", kiểm tra đột xuất và chế tài.

Các tin khác