Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM: Những điều cần cân nhắc

(ĐTTCO)-Cho đến lúc này việc thành lập thành phố sáng tạo (TPST) là quyết tâm chính trị rất cao, không gì lay chuyển của lãnh đạo TPHCM. Dù vậy, từ khi khởi phát ý tưởng đến khi hiện thực hóa thành một thực thể hành chính vận hành theo đúng chức năng được xác định, chắc chắn không dưới 10, thậm chí 15 năm. Có nhiều điều chúng ta cần cân nhắc.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM: Những điều cần cân nhắc
Thủ tướng ủng hộ đề xuất
Nhằm hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo (ĐTST) tương tác cao phía Đông, UBND TPHCM đã xây dựng đề án thành lập TP phía Đông trực thuộc TPHCM, trên cơ sở sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức. Qua đề nghị của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký Văn bản 1157/UBND-TH, gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập TP trực thuộc TPHCM. 
Tuy nhiên sau đó, Bộ Xây dựng đã có công văn phúc đáp UBND TPHCM liên quan đến đề xuất thành lập TP phía Đông trực thuộc TPHCM. Theo đó, việc đề xuất sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập TP phía Đông TPHCM và áp dụng “không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp” của UBND TPHCM, là chưa đủ cơ sở pháp lý. 
Bên cạnh đó, Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cũng không quy định các vấn đề có liên quan đến việc thành lập TP trực thuộc TPHCM. Hơn nữa, TPHCM chưa hoàn thành xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TPHCM giai đoạn 2019-2021. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TPHCM, chỉ đạo Sở Nội Vụ, Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan phối hợp xây dựng hoàn thiện việc lập Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TPHCM theo quy định của Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24-12-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã (trong đó có phương án sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập đơn vị hành chính cấp huyện là quận hoặc đơn vị hành chính tương đương).
Bộ Xây dựng cũng nhận định, UBND  TPHCM đã có định hướng quy hoạch phát triển ĐTST phía Đông TP, nhưng chưa nêu rõ khu vực dự kiến hình thành đô thị đã có Quy hoạch chung đô thị, Chương trình phát triển đô thị được nghiên cứu, trình phê duyệt hay chưa. Quy hoạch chung  TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 chưa có nội dung định hướng phát triển ĐTST phía Đông TP. Do đó, căn cứ Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát quy hoạch và chủ trương về việc thành lập TP sáng tạo phía Đông TP, là cơ sở để lập Quy hoạch chung TP phía Đông, Chương trình phát triển đô thị TP phía Đông trực thuộc TPHCM. 
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc đã bày tỏ ủng hộ đề xuất của TPHCM về khu ĐTST phía Đông, một TP trong TP để “đầu tàu kinh tế” của cả nước có cơ hội đột phá trong tăng trưởng và phát triển. 
Để làm rõ thêm vấn đề này, ĐTTC ghi nhận ý kiến của PGS.TS NGUYỄN MINH HÒA, chuyên gia về đô thị học, người có nhiều nghiên cứu các mô hình đô thị trên thế giới và đã công bố ở Việt Nam từ năm 1990; và ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tich HOREA.  
Khó tổ chức không gian đô thị
Với việc lập TP phía Đông, TPHCM kỳ vọng nơi đây sẽ là TP tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, tập hợp những tổ chức, các nhà khoa học, chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế để tạo ra những sản phẩm mới, giá trị mới, công nghệ kỹ thuật mới mang tầm quốc tế, nhằm đóng vai trò dẫn dắt kinh tế- xã hội cho TPHCM và thúc đẩy sự phát triển vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, hướng đến tầm châu Á và thế giới. 
Ngoài những cái khó về tính pháp lý của mô hình TP trong TP, còn có những cái khó khác TPHCM phải đối mặt, là xác định chức năng và tổ chức không gian đô thị, cũng như không gian kinh tế-xã hội như thế nào cho hợp lý. Trên thế giới có hàng trăm TP có chức năng chính là nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo thử và thương mại hóa sản phẩm, như Valley Silicon (Mỹ), Bangalore Valley (Ấn Độ), Pujatraya (Malaysia), Quenzon city (Philippines), King Apdula (Tiểu vương quốc Ả rập), Songdo (Hàn Quốc).
Các TPST này được chính phủ và các nhà đầu tư xây dựng trên vùng đất mới toanh, theo ý đồ thiết kế trên bản vẽ trước khi viên gạch đầu tiên được đặt xuống. Nó được xác định là TP đơn chức năng và toàn bộ thiết kế, xây dựng, vận hành, tổ chức không gian (giao thông, công trình xây dựng, không gian công cộng, dịch vụ), bộ máy quản lý được định hướng từ trước khi ra đời. 
Trong khi đó, TPST phía Đông TPHCM được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, nên việc tổ chức không gian rất khó. Nếu TPST được thành lập theo đề án của Sở Nội vụ sẽ là đơn vị hành chính mới có diện tích lớn nhất (212km2) so với các quận nội thành, và chỉ nhỏ hơn 3 huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, có dân số đông nhất 1,1 triệu người.
Phần hạt nhân để chuyển từ một địa bàn dân cư đa chức năng sang đơn chức năng không lớn, bao gồm Khu đô thị Đại học Quốc gia 650ha, Khu công nghệ cao 800ha, nếu cả Thủ Thiêm cũng chỉ thêm 657ha. Cần nói thêm, các khu đô thị đại học và khu công nghệ cao trên thế giới được xếp vào dạng TP “ngày sống, đêm chết”, tức ban ngày sôi động với sự có mặt của hàng trăm ngàn người, nhưng ban đêm vắng lặng nên các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa hầu như không diễn ra. 

Những thách thức
 Sáng tạo, đổi mới là cần thiết để tăng sức cạnh tranh của TPHCM, nhưng cần có những bước đi thích hợp về thời gian, không gian và tâm lý cộng đồng. 
Với diện tích nhỏ như đã nêu, dân số tĩnh ít mà buộc cả khu vực rộng lớn 212km2 và 1,1 triệu dân vận hành theo, là điều không dễ một chút nào. Hơn nữa, việc tổ chức lại không gian, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ, trung tâm hành chính sao cho TP này vận hành đồng bộ theo kiểu “tri thức, thông minh, công nghệ tiên tiến, chất lượng sống cao”, là thách thức không chỉ về tài chính, quỹ đất, còn cả việc tích hợp, dịch chuyển.
Chẳng hạn, trung tâm mới của TP nằm ở đâu, làm thế nào cho các khu đào tạo, công nghệ cao có dân cư sống động. 
Nên chăng trong giai đoạn đầu các đơn vị có hàm lượng chất xám cao (có cùng chức năng) hợp nhất lại hình thành nên đơn vị mới có lãnh thổ hành chính rõ ràng, có bộ máy quản lý, có tên gọi riêng, chẳng hạn thị trấn khoa học sáng tạo bao gồm khuôn viên Đại học Quốc gia (650ha), khuôn viên Khu công nghệ cao (800ha) và phần nối giữa 2 đơn vị này (28ha).
Cả 3 diện tích này đều thuộc quận Thủ Đức, và mới đây nhất Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã đưa ra đề xuất điều chỉnh này. Hoặc nếu không hợp nhất được về mặt lãnh thổ thì hợp nhất về cơ chế quản lý và vận hành, không có hợp nhất về lãnh thổ giữa 2 đơn vị nằm ở quận Thủ Đức và Trung tâm Công nghệ sinh thái (25ha) hình thành trong tương lai nằm ở quận 9. 
Đối với việc chuyển đổi tiếp phần còn lại của 3 quận, nên thực hiện đồng bộ trên toàn TP, theo đề án “Tái cấu trúc không gian và hành chính của TPHCM”, phù hợp với quy định của Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 ngày 12-3-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, vì có nhiều quận, phường cần nhập vào và tách ra, nhiều huyện chuyển thành quận.
Khi có đề án rồi, việc trình Chính phủ, Quốc hội thuận lợi hơn rất nhiều, kể cả việc xắp xếp giữa các quận, huyện cũng thuận lợi hơn. Nếu chỉ vì 1.500ha (15km2) mà làm đời sống của hơn 1 triệu dân trên diện tích 212km2 có thể bị xáo trộn nhất định, nên tính toán cho kỹ.  

Phải sửa luật
Vì chưa có trong tiền lệ nên muốn thực hiện điều này, đầu tiên phải thay đổi nhiều bộ luật liên quan như Luật Quản lý Đô thị, Luật Quản lý hành chính Nhà nước, Luật Xây dựng…
Hiện ở Việt Nam đã có cơ cấu TP trong TP chưa? Trên thực tế chưa có, nhưng nếu có cấu trúc tổ chức hành chính, quan hệ chiều dọc và chiều ngang, công tác quản lý đô thị (hành chính, dân số, kinh tế-tài chính) sẽ như thế nào? Chúng ta tạm gọi TP mà chính quyền TPHCM đang mong muốn xây dựng trên cơ sở sáp nhập 3 quận phía Đông là TPST nó sẽ có cấu trúc như thế nào? 
Về nguyên tắc, nếu là TP phải là đơn hành chính độc lập có lãnh thổ xác định, có dân số, có Thành ủy, UBND và HĐND. Tất nhiên có hoạt động kinh tế và tài chính độc lập, chỉ có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội là chung.
Trong trường hợp này nó quan hệ như thế nào với phần còn lại (19 quận, huyện) của TPHCM, bản thân nó được tổ chức như thế nào với 1 đơn vị hành chính? Khi xây dựng mô hình này TPHCM muốn 2 cấp, tức chỉ có TP và phường hay TP và quận. Nhưng trong trường hợp này không phải 2 cấp mà 4 cấp, đó là TP lớn, trong TP lớn có TP nhỏ, trong TP nhỏ có  quận và phường. Đây là mô hình khó thực thi trong thực tế. 
Như vậy chủ tịch UBND TPHCM và chủ tịch TPST là ngang bằng hay trên-dưới? Hay nó trực thuộc vào Trung ương? Về mặt quản lý hành chính là không ổn. Khu vực TPST có diện tích khá lớn, nhưng nếu chỉ là cấp dưới của TPHCM và không có cơ cấu chính trị-hành chính độc lập, cũng chỉ là 1 quận hợp thành, to hơn, đông dân hơn và mang tên mới. Còn chức năng của nó có thể thiên về khoa học công nghệ, giáo dục không thể là TP được. Do đó muốn làm điều này phải sửa các luật.
Muốn làm như thế TPHCM phải chuyển đổi sang 1 trong 2 mô hình Vùng đô thị hay tỉnh. Mô hình thứ nhất là TP đa cấp trong tỉnh, như ở Liên bang Nga có TP Maxtcova nằm trong tỉnh Matxcova (tỉnh Matxcova có 28 TP, bao gồm cả Maxcova). Hay ở Hàn Quốc có tỉnh Gyeonggi có 31 TP, trong tỉnh này có TP Seul. Một thí dụ khác, trước đây vào thời nhà Nguyễn tỉnh Gia Định có địa giới rộng lớn bao hàm cả TP Sài Gòn và TP Chợ Lớn trong đó. 
Mô hình thứ hai là vùng đô thị như Metro Manila của Philippines, hay Jabodetabek của Indonesia. Metro Manila bao gồm 17 TP đồng cấp về quản lý hành chính. Mỗi TP là 1 thực thể hành chính-chính trị độc lập, với bộ máy lãnh đạo và tài chính riêng. Quản lý Vùng đô thị này là Hội đồng các thị trưởng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống.
Như vậy chúng ta phải thay đổi mô hình như thế nào đó trên diện tích 2.100km2 có nhiều TP lớn nhỏ cùng tồn tại chính danh, trong đó có TPST, TP Phú Mỹ Hưng, TP Thủ Thiêm... Hoặc theo mô hình Vùng đô thị giống như Manila (Philippines) có 17 TP và 17 TP này có quyền lực ngang bằng nhau, mỗi TP có bộ máy riêng, như Thị trưởng, Hội đồng TP, bộ máy tài chính và cơ chế vận hành riêng…
Các TP này dưới quyền quản lý của Hội đồng các Thị trưởng và Hội đồng này dưới sự chỉ đạo của Tổng thống. 
Nếu là mô hình Vùng đô thị, TPST sẽ ngang bằng với các TP khác của TPHCM. Việc ra đời 1 mô hình phải dựa trên cơ sở của luận chứng khoa học. Vì vậy tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay mô hình này phải có sự thống nhất toàn quốc (Hà Nội cũng đang trong tình trạng tương tự), trước hết là luật và sau đó là mô hình lựa chọn.  
Nếu chúng ta sửa luật, có cơ sở pháp lý để mô hình này ra đời sẽ làm TPHCM trở thành Vùng đô thị rất năng động, và các TP nhỏ trong đó được phát triển tự do, tự chủ hơn. Thí dụ, nếu Phú Mỹ Hưng là TP không phải nằm dưới quyền của 2 phường Tân Phong và Tân Phú, nó sẽ phát triển rất năng động và trở thành điểm sáng. 
Khu đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM: Những điều cần cân nhắc ảnh 1
Nhập Thủ Thiêm về TPST?
Một điều nữa cần cân nhắc là đưa Thủ Thiêm về TPST. Theo Quyết định 367 ban hành năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, khu Thủ Thiêm là trung tâm động lực mới của TPHCM. Nơi đây sẽ đóng vai trò là nơi chia sẻ những chức năng mà trung tâm hiện hữu bị quá tải, hoặc chưa thể hình thành do quỹ đất đã hết. Theo đề án thắng giải cuộc thi thiết kế của Sasaki năm 2003, sau đó được TP hoàn chỉnh và Chính phủ thông qua, Thủ Thiêm sẽ tương tự Phố Đông của Thượng Hải.
Ở đó có Trung tâm tài chính lớn nhất cả nước có dáng vẻ như Phố Wall của New York, có tầm ảnh hưởng khu vực châu Á. Theo đó, nơi đây ngoài thị trường chứng khoán còn là nơi có cao ốc của các tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới, có quảng trường lớn để mít tinh và duyệt binh các ngày lễ lớn, nhà hát giao hưởng, rạp xiếc, nhà triển lãm quy hoạch, bảo tàng tự nhiên, các âu thuyền, công viên và mảnh xanh... 
Tuy nhiên, sau khi cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành chỉ mất vài phút là tới Thủ Thiêm, do vậy nên nhập Thủ Thiêm về quận 1 sẽ tốt hơn về mọi phương diện. Diện tích quận 1 hiện nay quá nhỏ chỉ 7km2, chưa xứng tầm là trung tâm của TP 12 triệu dân, rộng 2.100km2.
Nếu nhập Thủ Thiêm về, không chỉ diện tích quận trung tâm tăng, quan trọng hơn các chức năng mở rộng Thủ Thiêm đảm nhiệm sẽ được quận 1 quản lý và vận hành hiệu quả hơn. Nếu đưa về TPST phía Đông chỉ để tăng thêm sức nặng về diện tích sẽ không hợp lý, còn làm các chức năng quan trọng của Thủ Thiêm bị lệch hướng so với Quyết định 367 ban đầu cho khu vực này, tức các chức năng này không còn cơ sở và động lực để hình thành.  

Các tin khác