Thế nhưng, lãnh đạo nước này Kim Jong Un vừa “đốt” tới 400 triệu USD từ đầu năm đến nay khi phóng thử 22 quả tên lửa. Bình Nhưỡng lấy đâu ra tiền để duy trì và phát triển chương trình vũ khí tốn kém như vậy?
Buôn bán hàng bất hợp pháp
Năm 2008, Viện Nghiên cứu Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định Triều Tiên kiếm được 700 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu vũ khí, buôn bán thuốc giả, ma túy và tiền giả. Năm 2003, một quan chức của lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cho rằng thu nhập hàng năm của Triều Tiên từ xuất khẩu các loại thuốc bất hợp pháp ước tính 500 triệu USD và từ tiền giả ở mức 15-20 triệu USD.
Quan chức này cũng tuyên bố rằng vào năm 2001, Triều Tiên đã xuất khẩu tên lửa đạn đạo trị giá 580 triệu USD cho Trung Đông. Một số nguồn tin của quốc hội Hoa Kỳ cũng cho rằng Triều Tiên đã xuất khẩu vũ khí quân sự thông thường sang Myanmar.
Báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ năm 2008 cho biết Triều Tiên có khả năng sản xuất từ 10-15 tấn methamphetamine (một loại ma túy) với độ tinh khiết cao để xuất khẩu. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng rất giỏi trong việc sản xuất các loại thuốc giả chất lượng cao, đặc biệt các loại thuốc kích dục Viagra và Cialis.
Tháng 11-2013, các thẩm phán liên bang Hoa Kỳ đã khởi tố 5 người đàn ông nước ngoài trong vụ án được cho là bằng chứng “sự nổi lên của đường dây buôn bán ma túy quốc tế Triều Tiên”. Những bị cáo này đã bị trục xuất khỏi Thái Lan hôm 19-11-2013 và đưa tới New York để đối mặt với những cáo buộc.
Họ là một phần trong vụ án được tiết lộ vào tháng 9 cùng năm, khi chưởng lý bang Manhattan buộc tội một nhóm người đàn ông ngoại quốc đang có kế hoạch giết người liên quan đến buôn bán ma túy. Hoa Kỳ cáo buộc những người này đã lên kế hoạch ám sát một nhân viên DEA (Cơ quan Thực thi pháp luật chống ma túy) và một người cung cấp thông tin.
5 bị cáo gồm 2 công dân Anh Scott Stammers và Philip Shackels; công dân Trung Quốc Ye Tiong Tan Lim; Kelly Allan Reyes Peralta của Philippines; và Alexander Lnu, được cho là cư dân Slovak ở Thái Lan. Họ bị buộc tội âm mưu nhập khẩu 100kg methamphetamine do Triều Tiên sản xuất vào Hoa Kỳ. Các công tố viên Hoa Kỳ cho biết methamphetamine bị bắt giữ ở Thái Lan và Philippines vào năm 2012 của nhóm này đều có độ tinh khiết hơn 99%. "Cuộc điều tra tiếp tục làm rõ sự nổi lên của Triều Tiên như một nguồn đáng kể của methamphetamine trong thương mại ma túy toàn cầu" - lãnh đạo DEA Michele M. Leonhart nói.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp quốc (LHQ) công bố năm 2016, Triều Tiên đã kiếm được bộn tiền bằng việc bán các mặt hàng không được báo cáo như thiết bị mã hóa truyền thông quân sự, hệ thống phòng không và tên lửa dẫn đường vệ tinh. Mùa hè năm ngoái, Ai Cập đã bắt giữ một con tàu của Triều Tiên chở 30.000 đạn lựu pháo tự hành PG-7 và các bộ phận vũ khí khác.
Một báo cáo riêng của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho hay Triều Tiên kiếm được 802 triệu USD từ năm 1996 đến năm 2016 từ việc bán vũ khí cho các nước như Iran, Syria và Libya. Mới đây, ngày 11-9, Giám đốc CIA Mike Pompeo nói với Fox News rằng Triều Tiên đã “chia sẻ” những tiến bộ trong khả năng vũ khí hạt nhân với các nước khác. Ông cho rằng Iran rất có thể là một trong những “khách hàng” của công nghệ hạt nhân Triều Tiên.
Công nhân Triều Tiên gia công giày thể thao tại một nhà máy ở TP Đan Đông (biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên).
Theo số liệu của Quốc hội Hoa Kỳ, Triều Tiên kiếm được 500 triệu USD mỗi năm bằng cách cử khoảng 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong những điều kiện tương tự cưỡng bức lao động. Báo cáo của LHQ công bố vào năm 2015 nói rằng nhiều người trong số họ làm việc trong ngành khai thác mỏ, khai thác gỗ, dệt may và xây dựng. Những người này phải ăn ở trong những điều kiện hết sức thiếu thốn và chỉ nhận được khoảng 20% thu nhập từ sức lao động của mình.
Go Myong-hyun - nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Chính sách ASEAN, cho biết một số nước Trung Đông thích công nhân Triều Tiên vì "họ không chạy trốn". Theo ước tính, khoảng 6.000 người Triều Tiên đang làm việc ở vùng Vịnh, trong đó có 2.500 người tại Kuwait, 1.500 người tại UAE và 2.000 người ở Qatar. Hầu hết người Triều Tiên làm việc ở vùng Vịnh kiếm được khoảng 1.000USD/tháng. Chính phủ Triều Tiên giữ một nửa mức lương của họ và 300USD dành cho các nhà quản lý công ty xây dựng. Điều này khiến cho công nhân chỉ còn 200USD.
Các nhóm nhân quyền cho biết bất kỳ khoản tiền nào họ kiếm được đều được gửi thẳng về Bình Nhưỡng. Theo Open North Korea - tổ chức phi chính phủ ở Seoul, ước tính tổng số tiền Bình Nhưỡng kiếm được từ việc buộc con dân đi lao động nước ngoài gửi tiền về khoảng 975 triệu USD/năm.
Những quân bài ngoại giao
Những quân bài ngoại giao
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết Văn phòng 39 là cơ quan "cung cấp sự hỗ trợ quan trọng cho lãnh đạo Triều Tiên một phần thông qua việc tham gia vào các hoạt động kinh tế bất hợp pháp và quản lý các quỹ đen".
Ông John Park, chuyên gia về Triều Tiên, nói dòng tiền này về cơ bản đã được che giấu khỏi các kênh chính thống. "Mạng lưới ở nước ngoài của Triều Tiên cực kỳ thích nghi trong việc ứng phó với áp lực từ các biện pháp trừng phạt quốc tế, phần lớn do khả năng tổ chức và che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của họ trong thương mại hợp pháp" - ông Park nói.
Mặc dù chính quyền Obama trước đây đã cố gắng nhắm mục tiêu bằng các hình thức trừng phạt, Văn phòng 39 vẫn được cho là đang hoạt động. Ngoại trưởng Hoa Kỳ hiện nay, ông Rex Tillerson, nói Hoa Kỳ sẽ cố gắng ngăn chặn các hoạt động của Triều Tiên bằng cách trừng phạt các bên thứ ba giúp Bình Nhưỡng né các biện pháp trừng phạt. Mặc dù ông Tillerson không chỉ rõ những biện pháp chế tài nước thứ ba sẽ vận hành như thế nào, nhưng một phần của chiến lược bao gồm yêu cầu các quốc gia trên toàn cầu giảm quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Các nhà ngoại giao Triều Tiên trên toàn thế giới đã bị buộc tội sử dụng các đặc quyền ngoại giao của họ để thực hiện các tội phạm như buôn lậu vàng và súng trường. Nhân viên các đại sứ quán rất hữu ích cho Triều Tiên vì họ đi khắp nơi và có thể cung cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho các giao dịch ngầm, LHQ nói. Để cắt giảm dòng tiền bất hợp pháp, các nhà phân tích cho rằng cần lấy đi những cơ hội để Triều Tiên sử dụng các sứ quán làm bình phong cho các hoạt động tội phạm.
"Triều Tiên khá khôn ngoan trong nỗ lực trốn tránh các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ bằng cách sử dụng ngoại giao cho một số hoạt động ngầm của mình" - W. Patrick Murphy, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, nói.