Kích cầu du lịch: Lên kế hoạch nội trước, ngoại sau

(ĐTTCO)-Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân đi du lịch tới các vùng miền trên cả nước, được kỳ vọng là giải pháp “cứu” ngành công nghiệp không khói trong thời điểm này. Trao đổi với ĐTTC, ông HÀ VĂN SIÊU, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tin tưởng với việc kích cầu nội địa, ngành du lịch sẽ sớm “vui” trở lại.
Một góc khu du lịch Tràng An, Ninh Bình nhìn từ trên cao.
Một góc khu du lịch Tràng An, Ninh Bình nhìn từ trên cao.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc tập trung khai thác thị trường nội địa tại thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt nhằm phục hồi lại du lịch?
Ông HÀ VĂN SIÊU: - Nếu biết phát huy, khai thác thị trường nội địa tiềm năng với hơn 90 triệu dân, du lịch sẽ có được những bước phát triển bứt phá. Tuy nhiên, để chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” lan tỏa, cần có sự chung tay, đồng hành của nhiều tổ chức và của mỗi cá nhân, sự vào cuộc của các địa phương để khẳng định điểm đến an toàn và có chính sách miễn phí tham quan các điểm du lịch.
Đặc biệt, ngành du lịch rất cần sự đồng hành, sát cánh của các hãng hàng không có chính sách ưu đãi giá vé, khai thác các điểm đến thế mạnh kích cầu; sự vào cuộc của doanh nghiệp, hiệp hội, nhà cung cấp dịch vụ… tạo ra sự kết nối, gói sản phẩm an toàn, hấp dẫn phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, cần tính đến việc làm thế nào để người dân có tiền đi du lịch sau thời gian dài nghỉ phòng chống dịch. Vì thế, rất cần sự chung tay của các ngành, các địa phương để kích cầu tiêu dùng, với các gói cho vay kích cầu, phát triển du lịch nội địa.
Cùng với việc tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường nguồn như Hà Nội, TPHCM… việc nghiên cứu xu hướng du lịch của người dân cũng được tính đến, để có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Theo tôi, bên cạnh các hoạt động kết nối các doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên, việc mở ra các phiên chợ mini để bán các voucher, combo du lịch hấp dẫn, cũng hứa hẹn nhiều sôi động. Nếu trước đây việc bán sản phẩm du lịch dựa vào các hội chợ lớn, có quy mô, nay các gói du lịch nhỏ, phiên chợ du lịch nhỏ như vậy sẽ hiệu quả và dễ dàng hơn trong việc nắm bắt, đáp ứng nhu cầu của mọi người.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch ở các địa phương để chiến dịch kích cầu du lịch lan tỏa trên cả nước. Thời gian qua, rất nhiều địa phương, doanh nghiệp mở cửa các khu, điểm du lịch, đồng thời giảm giá, miễn phí vé tham quan, tạo ra các sản phẩm kích cầu giá rất tốt và chất lượng. Điều này giúp “hâm nóng” thị trường, du khách và ngành kinh tế xanh đang dần vui trở lại.
Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi các địa phương tiếp tục giảm giá hoặc miễn phí vé các điểm tham quan do nhà nước quản lý để có thêm thật nhiều sản phẩm du lịch kích cầu.
- Thị trường du lịch quốc tế tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua đem lại nhiều thành quả đối với du lịch Việt Nam. Tại thời điểm này, ngành du lịch đã lên kế hoạch gì về việc thu hút trở lại thị trường du khách quốc tế, thưa ông? 
- Trong suốt thời gian qua chúng tôi luôn theo sát các diễn biến, đánh giá và nghiên cứu khả năng phục hồi cho thị trường quốc tế sau đại dịch Covid-19. Một số kịch bản được đặt ra theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 trên thế giới, từ đó xây dựng việc đón khách theo từng phân khúc, từng thị trường.
Chúng tôi đã làm việc với đại diện cơ quan du lịch Thái Lan, Văn phòng Văn hóa Đài Bắc, để bàn về thời điểm có thể nối kết hợp tác. Chẳng hạn, chúng ta có thể mở cửa trước cho các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc..., sau đó đến các nước như Nhật Bản cùng các quốc gia khác. 
Tuy nhiên, lộ trình mở cửa du lịch quốc tế tùy vào sự kiểm soát an toàn dịch bệnh của từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong thời gian quá độ để mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, Tổng cục Du lịch đang nghiên cứu, xây dựng hành lang du lịch an toàn giữa Thái Lan và Việt Nam.
Phía Thái Lan đề xuất dự án thí điểm mở những chuyến du lịch “chuyên biệt”. Đây là những chuyến bay thuê bao đến những điểm tham quan, dịch vụ... được chỉ định của một TP nào đó của 2 quốc gia. Thí dụ, từ TPHCM mở chuyến bay chuyên biệt đến Phukhet, hay từ Đà Lạt đến Bangkok…
- Bên cạnh việc lên kịch bản, ngành du lịch đã chuẩn bị những gì cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế, thưa ông?
- Ngành du lịch cùng với các doanh nghiệp có nghiên cứu cụ thể về xu hướng mới của du lịch, gắn với thực trạng, tác động trên toàn cầu về thị trường nguồn. Đi theo nhóm nhỏ, có sự chuẩn bị chi tiết, kỹ hơn… các tour cũng thay đổi và ứng dụng công nghệ số từ quảng bá đến xây dựng chương trình, sản phẩm du lịch.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi đang chuẩn bị khởi động dự án thiết lập các kênh trực tuyến giữa du lịch Việt Nam và các đầu mối thị trường gửi khách, để tung ra các chương trình giới thiệu điểm đến trực tuyến bằng nhiều ngôn ngữ như Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… dành riêng cho nhân viên du lịch của các hãng lữ hành nước ngoài.
Có thể năm nay không thể tổ chức được các roadshow nên đây là cách để giới thiệu về điểm đến an toàn. Chúng ta cần xác định khi nào sự bất an của du khách còn hiện hữu, quảng bá như thế nào cũng không đem lại hiệu quả cao.
- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác