Kích thích tài khóa hay 'ép' tăng trưởng tín dụng?

(ĐTTCO) - Mặc dù lạm phát đang có xu hướng đảo chiều và tăng trở lại trong những tháng gần đây, nhưng lạm phát cơ bản cũng đang giảm. Do đó, chính sách tiền tệ rất khó có khả năng đảo chiều trong tháng cuối năm.

Kích thích tài khóa hay 'ép' tăng trưởng tín dụng?

Khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) của năm 2023 là 6,5%, thì mục tiêu (trung gian) tăng trưởng tín dụng có thể là 14%. Nhưng đến nay, khi tăng trưởng GDP thực tiễn chỉ dưới 5% do sức cầu trong và ngoài nước đều yếu, thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng cần phải điều chỉnh xuống cho phù hợp, không cần thiết “ép” mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.

Kích tín dụng qua BĐS: Cẩn trọng “con dao hai lưỡi”

Gần đây cũng có ý kiến đề xuất, để cứu tổng cầu và thanh khoản của nền kinh tế, từ đó kích thích tín dụng tăng trưởng thì nên xem xét vấn đề “nới” kênh vốn tín dụng cho BĐS (đã bị siết trước đó).

Thực tế cho thấy, BĐS có nhiều phân khúc và đúng là hiện nay nhu cầu về nhà ở thực tại Việt Nam rất lớn, đặc biệt là tầng lớp trung lưu. Do vậy, nếu tập trung vào một phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thật của xã hội sẽ rất tốt, bởi vừa đáp ứng nhu cầu của người dân vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đây cũng như “con dao hai lưỡi”. Bởi nếu các biện pháp thúc đẩy, nới lỏng tín dụng vào những phân khúc không thực sự thiết yếu đối với nền kinh tế (như BĐS nghỉ dưỡng hay BĐS cao cấp), sẽ càng làm cho thị trường BĐS mất cân đối, giá bán BĐS càng xa rời sức mua của người dân.

Bởi vậy cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng, xem ngành BĐS làm trọng tâm nhưng cũng phải thật cẩn trọng lựa chọn phân khúc, từ đó dồn tâm huyết, nỗ lực để giải quyết vấn đề cung cầu. Đơn cử, để giải quyết việc thiếu hụt nguồn cung BĐS cần phải đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép cho các dự án nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội.

Về phía cầu, nên ưu tiên nguồn tín dụng cho những người có nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại bình dân vay vốn để thúc đẩy ngành BĐS, từ đó mới kéo theo sự phát triển cho các ngành liên quan.

Còn nhớ hồi đầu tháng 10 vừa qua, trong quy định cho vay vốn huy động ngắn, trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỷ lệ từ 34% xuống 30%, điều này phần nào đó làm cho các nhà kinh doanh BĐS không vui. Bởi có quan điểm cho rằng 4% là một con số khá lớn, nếu một phần số vốn này được rót vào BĐS thì thị trường BĐS có thể khởi sắc.

Nhưng cần lưu ý rằng, lộ trình giảm tỷ lệ cho vay vốn huy động ngắn hạn cũng như trung và dài hạn đã được đặt ra cách đây nhiều năm, đồng thời các ngân hàng đã chuẩn bị lộ trình, do đó không nên trì hoãn mãi. Đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế gặp khó khăn, các vấn đề nợ xấu, chênh lệch kỳ hạn càng lộ rõ.

Vấn đề lúc này là các cơ quan quản lý cần rà soát các điều kiện an toàn, bởi việc huy động và cho vay là cần thiết. Hiện nay, vấn đề khó khăn đối với nền kinh tế không hẳn là thiếu nguồn vốn cho vay, thay vào đó là nhu cầu vay vốn không nhiều, kể cả vốn ngắn hạn, trung và dài hạn, đây mới chính là trở ngại đối với BĐS.

Nên đổi từ kích thích tín dụng bằng kích thích tài khóa

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi với mức giảm từ 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng. Mức lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm từ 0,5-1,5%/năm trong nửa cuối 2023 đến đầu năm 2024.

Tuy nhiên, để kỳ vọng tín dụng tăng mạnh cuối năm nay không dễ, và theo giới phân tích cả năm chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 13-14% so với mục tiêu ngành đưa ra 14-15%. Muốn kích thích nguồn tín dụng, trước tiên lãi suất cho vay cần phải hạ thêm, đồng thời phải rà soát các điều kiện ràng buộc về tiêu chuẩn tín dụng chưa phù hợp với thị trường, góp phần tháo gỡ vướng mắc.

Nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp xuất phát từ khả năng tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý, đánh giá triển vọng của nền kinh tế trong tương lai, bởi khi chưa thấy tương lai nền kinh tế khởi sắc thì nhu cầu tín dụng sẽ còn thấp.

Hiện nay, tăng trưởng kinh tế còn khá thấp so với điều kiện bình thường và còn cách xa mục tiêu đề ra. Nguyên nhân là các động lực từ phía cầu như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều yếu.

Mặc dù lạm phát tổng thể đang có xu hướng đảo chiều và tăng trở lại trong những tháng gần đây, nhưng lạm phát cơ bản cũng đang giảm. Do đó, chính sách tiền tệ rất khó có khả năng đảo chiều trong những tháng cuối năm, cần cảnh giác hơn về vấn đề lạm phát cũng như tỷ giá.

Trong bối cảnh lãi suất điều hành còn ít dư địa giảm như hiện nay, nên kích thích tài khóa thay vì tín dụng. Có nhiều cơ sở để thực hiện chính sách kích thích tài khóa lúc này.

Có thể kể đến như nợ công giảm và ổn định ở mức vừa phải, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với ngân sách nhà nước không quá căng thẳng, nợ công nước ngoài thấp (14,7% năm 2021 giảm còn 12% năm 2023), lãi suất vay nợ trái phiếu chính phủ thấp, kỳ hạn trái phiếu chính phủ lành mạnh.

Vì vậy, dư địa để mở rộng chính sách tài khóa vẫn còn. Bởi vậy, cần tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực, xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

Cùng với đó là có các giải pháp kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc, nâng mức thu nhập chịu thuế, giảm thuế suất thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa.

Không nên “ép” mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, bởi các động lực từ phía cầu như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều yếu. Thay vào đó có thể kích thích tài khóa như đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng, phát triển nhà ở xã hội, kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc, giảm thuế suất thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng hàng thiết yếu nội địa…

Các tin khác