CPI 2019 vượt qua nỗi lo
Qua phân tích diễn biến CPI các tháng của năm 2019, cho thấy nguyên nhân chính kiềm chế lạm phát thấp gồm sự ổn định của tỷ giá hối đoái, sự bền vững của giá trị VNĐ, sự chỉ đạo kiên quyết của các cơ quan quản lý giá Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương trong cả nước.
Năm qua, tỷ giá các đồng tiền trên thế giới có những biến động khó lường. Đồng USD có những biến động giá trị lúc lên, lúc xuống mạnh mẽ theo các quyết định của chính phủ, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các tín hiệu của thị trường chứng khoán. Đồng CNY của Trung Quốc có lúc biến động 7-8% và xuyên thủng mốc 7 CNY/USD.
Nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới cũng giảm giá trị đáng kể so với USD. Tuy nhiên, bằng việc điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt hàng ngày, dựa trên nhóm 8 đồng tiền cơ bản trong giao thương của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giúp VNĐ ổn định trong dài hạn.
Sự ổn định của tỷ giá VNĐ và các cân đối vĩ mô đã giúp thị trường tài chính - tiền tệ, giá cả các hàng hóa, dịch vụ luôn ổn định. Và chính sự ổn định của giá cả thị trường đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và người dân yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bình quân cả năm 2019, VNĐ giảm giá chỉ 0,99% so với USD.
Trong năm 2019, giá vàng thế giới và Việt Nam đã có sự tăng giá mạnh mẽ. Nhưng động thái tăng giá vàng ít tác động tới giá trị VNĐ và mặt bằng giá cả của nền kinh tế trong nước. Nhờ vậy, trong khi CNY và nhiều đồng tiền giảm giá, giá trị VND lên giá tương đối so với các đồng tiền khác.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, NHNN còn hạ thấp lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với một số ngân hàng thương mại (NHTM); đồng thời nhiều lần kéo giảm lãi suất tín phiếu NHNN. Động thái của NHNN đã tạo điều kiện cho các NHTM hạ lãi suất huy động và trên cơ sở đó dần hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn.
Bên cạnh đó, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ, Bộ Tài chính, với vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá, đã chủ động theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành và NHNN trong công tác điều hành giá xăng dầu, gas, điện, dịch vụ giáo dục, vận tải và dịch vụ y tế vào các thời điểm phù hợp, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa dồi dào… là những yếu tố góp phần làm CPI các tháng không biến động quá mức.
CPI 2020 đối diện nhiều thách thức
CPI 2020 đối diện nhiều thách thức
Để hoàn thành kế hoạch năm cuối cùng của giai đoạn 2016-2020, chuẩn bị bước vào giai đoạn mới 2021-2025, tạo tiền đề cho cả giai đoạn 2021-2030, dựa trên dự báo tình hình biến động của nền kinh tế thế giới, sự biến động của thị trường tài chính - tiền tệ thế giới, khả năng và các điều kiện của nền kinh tế Việt Nam, Quốc hội đã thông qua 12 chỉ tiêu cơ bản cho năm 2020.
Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%, CPI dưới 4%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP…
Để đạt được những chỉ tiêu tương đối cao và khá thách thức này, trước hết cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững.
Đặc biệt, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị VNĐ.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Theo dõi, quản lý và giám sát các biến động trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán… để có các biện pháp điều chỉnh kịp thời, tránh để xảy ra các biến động bất thường tác động xấu đến nền kinh tế. Tích cực cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, đẩy mạnh cải cách chính sách thuế, tái cấu trúc và tăng cường hiệu quả chi tiêu công, tích cực giảm thiểu thâm hụt ngân sách nhà nước, giảm bền vững tỷ trọng nợ công và nợ nước ngoài trên GDP.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh việc xây dựng và điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xác định giá hàng hóa, dịch vụ cho các loại hình của dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội theo đúng lịch trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá và lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế.
Đối với các hàng hóa được mua sắm bằng tiền từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ phục vụ công ích cần được kiểm tra tính xác thực, tính đầy đủ và chính xác. Với những hàng hóa, dịch vụ có thể đấu thầu cần tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ công ích để đảm bảo tính cạnh tranh, tính hiệu quả và công bằng.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế.