Kinh tế năm 2022 phục hồi ngoạn mục
Trong tuần cuối cùng của năm cũ, hàng loạt tin vui từ các con số thống kê về phát triển kinh tế đã khẳng định: "Kinh tế năm 2022 phục hồi ngoạn mục", như hàng tít nổi bật trên trang nhất Báo Đầu tư.
Tổng sản phẩm trong nước GDP năm nay của Việt Nam tăng tới 8,02%. Đây là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong hơn 10 năm qua. Một con số rất đáng chú ý khác nữa là quy mô nền kinh tế nước ta lần đầu tiên đạt hơn 400 tỷ USD (khoảng 409 tỷ USD).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt con số kỷ lục, trên 730 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm ngoái, trong đó xuất siêu 11,2 tỷ USD. Kết quả này đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó có tới 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Không chỉ là xuất nhập khẩu, cả ba khu vực kinh tế của Việt Nam đều có sự phục hồi rõ nét. Đó là "nông - lâm nghiệp - thủy sản" có tốc độ tăng trưởng gần 3,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%; còn khu vực dịch vụ tăng khoảng 10%.
Thắng lợi kép của nền kinh tế
Bình luận về mức tăng trưởng GDP cả năm đạt 8,02% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, báo Đại biểu Nhân dân cho rằng đây là thắng lợi kép của nền kinh tế.
Báo đưa ý kiến của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu… đã giúp giảm đáng kể áp lực lên mặt bằng giá, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Nhìn lại một năm 2022 đầy khó khăn, thách thức, phải khẳng định rằng bằng nhiều giải pháp quyết liệt và với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kinh tế Việt Nam đã vững vàng vượt qua và trở thành điểm sáng của kinh tế khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là thành tích đáng tự hào, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.
Kết quả trên cũng đã cho thấy vai trò điều hành kinh tế vĩ mô linh hoạt của Chính phủ. Cùng với sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều chính sách, giải pháp đã được ban hành và triển khai đúng thời điểm. Qua đó đã giữ vững ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội một cách khá toàn diện với kết quả đạt và vượt kế hoạch 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội được Quốc hội giao trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
Chính phủ đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng để đi đến quyết định quan trọng là mở cửa hoàn toàn vào tháng 3/2022 trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và nhiều nước trên thế giới vẫn đang đóng cửa để chống dịch. Thực tế đã chứng minh đó là một quyết định sáng suốt và rất dũng cảm, có ý nghĩa lớn với sự phục hồi của kinh tế trong năm qua.
Dấu ấn giải ngân vốn đầu tư nước ngoài 2022 đạt kỷ lục
Trong các con số thống kê tích cực về nền kinh tế thì dấu ấn trong giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng là một điểm nhấn mà không ít tờ báo nói đến. Năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm ngoái và là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Đây là tín hiệu tốt cho thấy các doanh nghiệp đang phục hồi, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh sau đại dịch. Đồng thời cũng cho thấy niềm tin lớn của các doanh nghiệp nước ngoài với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
22,4 tỷ USD là con số kỷ lục, xét về vốn giải ngân, bởi năm 2019 là năm có vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ở mức cao nhưng cũng chỉ đạt hơn 20 tỷ USD. Báo Đầu tư phân tích, hai năm vướng đại dịch, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân chậm lại, chỉ đạt tương ứng hơn 19 tỷ USD mỗi năm. Nhưng năm nay, con số này đã vọt lên 22,4 tỷ USD, cao hơn cả thời điểm trước dịch. Điều này có nghĩa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang bước nhanh đến sự phục hồi. Trong thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài, vốn giải ngân luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Báo Lao động đưa ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Alain Cany khẳng định: Việt Nam đang mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các Doanh nghiệp châu Âu về triển vọng trong trung và ngắn hạn. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Xuất nhập khẩu lập đỉnh mới
10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CPTPP đạt hơn 88 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Quay trở lại với con số xuất nhập khẩu kỷ lục hơn 730 tỷ USD của năm qua thì nhiều tờ báo đã đề cập đến hiệu quả mang lại từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP vừa đánh dấu tròn 3 năm thực thi.
Ngay năm đầu tiên tham gia CPTPP, tại thị trường Canada và Mexico, xuất khẩu đạt tăng trưởng gần 30%, duy trì xuất siêu trên 1 tỷ USD. Sau 3 năm thực thi, xuất khẩu sang các nước trong CPTPP đã duy trì mức xuất siêu lên tới 6 tỷ USD. Tuy nhiên, theo báo Tuổi trẻ, ngoài kết quả đạt được về xuất khẩu, hiệp định này đã đưa Việt Nam lên vị thế mới trong quá trình hội nhập.
Một con số ấn tượng trên tờ Đầu tư đó là 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường CPTPP đạt hơn 88 tỷ USD, tăng khoảng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2021.
Đối sách cho 2023
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp đón Xuân Quý Mão năm 2023 và kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đạt được những kết quả trên trước hết là nhờ sự lãnh đạo sát sao, kịp thời đúng đắn của Đảng, sự đồng hàng và giám sát có hiệu quả của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ; sự đoàn kết phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cũng như sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
Với tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt", Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây chính là động lực to lớn đưa đất nước bước vào năm 2023 với niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
Trước tình hình sắp tới vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị không được chủ quan, phải tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; đồng thời dồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Đặc biệt, giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh các cơ cấu của nền kinh tế gắn với mô hình đổi mới tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát huy và tạo lập các tăng trưởng mới trong trung hạn và dài hạn.
Năm 2023 này, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là thực hiện tốt tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công. Ảnh minh họa.
Bên cạnh phân tích về vài chỉ số kinh tế nổi bật của năm 2022 để thấy rõ nỗ lực vượt khó và đã vượt khó thành công trong năm qua, không ít bài báo đã nhấn mạnh quý IV/2022, kinh tế Việt Nam đã xuất hiện nhiều dấu hiệu khó khăn bởi tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, do đó để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra trong năm tới là 6,5% là một thách thức không nhỏ.
Cùng với việc phải chịu ảnh hưởng từ sự bất ổn của thị trường toàn cầu, những bất cập trong nội tại nền kinh tế chính là một thách thức. Trong đó, có những bất cập đã được "chỉ mặt đặt tên" lâu nay mà giải ngân vốn đầu tư công chỉ là một ví dụ.
Do đó, năm 2023 này, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là thực hiện tốt tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công. Điều này có ý nghĩa then chốt trong việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế xã hội, là đòn bẩy kinh tế và là "vốn mồi" cho đầu tư toàn xã hội, nhằm thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.
Nhấn mạnh quan điểm này, báo Đại biểu Nhân dân phân tích: Năm 2023 có tới hơn 700.000 tỷ đồng đầu tư công được đưa vào nền kinh. Vì vậy, Chính phủ nên ưu tiên cho đầu tư công. Cụ thể là lập các tổ công tác liên bộ rà soát các quy định thủ tục liên quan đến đất đai và xây dựng của doanh nghiệp và tính tới cách tiếp cận "một luật sửa nhiều luật" để nhanh chóng gỡ khó cho doanh nghiệp.
Trên nền tảng đó, việc quay trở lại với ưu tiên và đi sâu vào cải cách các thể chế cho kinh tế thị trường cần phải là công việc trọng yếu, tạo nền tảng cho phát triển dài hạn.
Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, trong tháng trước, tháng cuối cùng của năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tiếp ban hành 4 Công điện chỉ đạo xử lý các vấn đề: Ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động; Cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; Thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Nhìn rộng ra, với nhiều giải pháp tổng thể và sự chủ động, linh hoạt trong điều hành nền kinh tế, Việt Nam đã sẵn sàng đối mặt với các thách thức sắp tới để kinh tế tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.
Thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế 2022 mới đây nhấn mạnh: Năm 2023 khó khăn sẽ nhiều hơn nhưng chúng ta không hoang mang, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác mà bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp phù hợp, thực chất, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.