Một số chuyên gia cho rằng kinh tế phi chính thức ở Việt Nam ước tính khoảng 30% GDP. Tuy nhiên, quan niệm về kinh tế phi chính thức ở các nước khác nhau. Một số nước coi hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu cũng là phi chính thức, đã đưa toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp hộ cá thể vào nhóm hoạt động kinh tế này. Trong khi Việt Nam không coi đó là hoạt động kinh tế phi chính thức vì sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. Do đó, con số thực tế nhỏ hơn 30%.
Vậy, khu vực kinh tế phi chính thức hiện nay lớn ra sao và nếu đưa được vào thống kê sẽ tác động ra sao đến GDP? Một thí dụ có thể quan sát được, là hiện nay ở Việt Nam có trên 300 làng nghề gỗ, với hàng chục ngàn hộ gia đình và hàng trăm ngàn lao động. Với quy mô như vậy, các làng nghề gỗ có vai trò hết sức quan trọng đối với sinh kế của các hộ gia đình, trong đó có nhiều nông hộ nghèo.
Tổ chức Forest Trends đã khảo sát tại 5 làng nghề gỗ vùng đồng bằng sông Hồng: La Xuyên (Nam Định), Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội). Các làng nghề gỗ này sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, có rủi ro cao về tính pháp lý để sản xuất. Theo Forest Trends 74,5% số hộ được khảo sát tại 5 làng nghề không đăng ký kinh doanh, 64% số hộ không có mặt bằng sản xuất, phải sử dụng không gian sống của gia đình, 100% lao động được thuê bằng hợp đồng miệng, khoảng 90% giao dịch giữa các hộ sản xuất và hộ cung cấp gỗ nguyên liệu, giữa hộ bán sản phẩm sau chế biến và người mua thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ… Đây là các khía cạnh cơ bản phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh phi chính thức tại các làng nghề.
Hoạt động phi chính thức nhưng không hoàn toàn đồng nghĩa là bất hợp pháp. Khung pháp lý hiện hành chỉ quy định hộ phải đăng ký kinh doanh nếu nguồn thu vượt khỏi ngưỡng thu nhập thấp do UBND tỉnh quy định. Khung pháp luật hiện hành cũng cho phép các hộ thuê lao động vì các hoạt động mang tính chất sự vụ, không ổn định nên không phải ký hợp đồng với người lao động. Tuy nhiên, vẫn có thực tế một số hộ thuộc diện bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, hoặc sử dụng lao động ổn định, dài hạn chưa tuân thủ theo quy định này. Điều này làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ trở thành bất hợp pháp.
Một số nghiên cứu quốc tế về kinh tế phi chính thức đã cho thấy hiện tồn tại 4 luồng quan điểm về lựa chọn chính sách trong việc ứng xử đối với ngành kinh tế phi chính thức. Thứ nhất, các nhà quản lý không làm gì, bởi theo họ các cơ sở phi chính thức là nền tảng quan trọng cho sự hình thành các cơ sở chính thức ở giai đoạn sau này.
Thứ hai, sự hình thành của các ngành kinh tế phi chính thức do các yêu cầu pháp lý đặt ra trong sản xuất kinh doanh quá cao, một bộ phận không thể đáp ứng, trở thành những thành phần phi chính thức. Vì thế, các cơ quan quản lý cần hạ thấp các yêu cầu để các cơ sở phi chính thức có thể đáp ứng.
Thứ ba, các hoạt động phi chính thức bao gồm nhiều hoạt động bất hợp pháp, cần phải loại bỏ. Thứ tư, cần có biện pháp hỗ trợ nhằm chính thức hóa các cơ sở hoạt động phi chính thức.
Với thực tế nêu trên, việc chính thức hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ tại các làng nghề là cần thiết đòi hỏi sự kết hợp của các biện pháp can thiệp mạnh, khuyến khích và hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, loại bỏ các hành vi và hoạt động bất hợp pháp của các hộ có điều kiện chuyển đổi sang chính thức, nhưng lợi dụng cơ chế hiện tại vì những lợi ích cá nhân.
Bên cạnh đó hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các hộ tự nguyện tham gia chuyển đổi sang hình thức chính thức. Điều này còn đòi hỏi sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là nỗ lực của chính bản thân các hộ. Việc xây dựng địa vị pháp lý chính thức của các hộ sẽ giúp họ tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và các ưu đãi khác, từ đó đưa các hộ kinh doanh theo hướng phát triển bài bản.