PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Sự khác biệt ở đây không phải do vấn đề trục trặc về thể chế của các nền kinh tế, mà do khách quan, nên thời gian phục hồi kinh tế sau dịch sẽ ngắn hơn bởi sự dồn nén bung ra trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ.
PHÓNG VIÊN: - Mới đây, một số tổ chức tài chính quốc tế đều đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo kinh tế thế giới đang đối mặt với kịch bản khủng hoảng mới. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH: - Nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát, vẫn tiếp tục bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, trong đó có những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… lúc đó khủng hoảng kinh tế toàn cầu là chuyện đương nhiên. Chúng ta hy vọng dịch kết thúc vào tháng 6 ở các nước đó, tức kinh tế có thể chỉ là suy thoái, chưa thực sự trở thành cuộc khủng hoảng mới.
Do đó các dự báo nhiều tổ chức tài chính quốc tế đưa ra nên xem là những khuyến cáo về kịch bản khủng hoảng. Dẫu vậy, cá nhân tôi nghĩ khủng hoảng kinh tế đang đến gần. Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ mức tăng trưởng của thế giới xuống 2,4% trong năm nay. Tương tự, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhận định nền kinh tế thế giới đã chính thức rơi vào suy thoái.
Việc phòng, chống dịch đang khiến hoạt động giao lưu giữa các quốc gia bị giảm sút đến mức thấp nhất. Do đó, việc sản xuất, kinh doanh, giao thương sẽ rơi vào sự trì trệ, có rất nhiều doanh nghiêp phá sản. Ở Mỹ, tỷ lệ đăng ký thất nghiệp đã hơn 12 triệu người rồi. Hơn nữa, thu nhập của dân giảm, tiêu dùng cũng sẽ giảm.
Hoạt động sản xuất kinh doanh đã khó do ngăn cách giao thương, đầu ra đầu vào khó khăn, nay lại khó khăn hơn về nhu cầu tiêu dùng giảm so với trước đây. Do đó, sẽ có rất nhiều ngành nghề rơi vào trì trệ khủng hoảng.
- So với khủng hoảng tài chính năm 2008, kịch bản một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19 (nếu xảy ra), có gì khác biệt, thưa ông?
- Kịch bản khủng hoảng kinh tế thế giới do dịch Covid-19 gây ra rất khác so với năm 2008. Xét về phạm vi và mức độ, khủng hoảng kinh tế năm 2008 chủ yếu trên thị trường tài chính tiền tệ, từ đó tạo ra sức ép về vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đầu tư giảm sút.
Còn cuộc khủng hoảng 2020 đồng thời xảy ra ở cả khu vực sản xuất lần tài chính tiền tệ. Ngân hàng trung ương các nước đều bơm tiền ra, hạ lãi suất, giảm dự trữ bắt buộc, cung tiền tăng lên bằng các gói kích cầu, hỗ trợ. Việc này sẽ khiến các đồng tiền mất giá, vàng tăng giá, thị trường tài chính tiền tệ lao dốc.
Tuy nhiên, xét về bản chất, khủng hoảng kinh tế 2020 không phải do vấn đề trục trặc về thể chế của các nền kinh tế mà do khách quan. Nghĩa là dịch Covid-19 khiến các chuỗi sản xuất bị đứt gãy và gián đoạn, cung - cầu bị phá vỡ, còn bản thân cấu trúc nội tại của các nền kinh tế vẫn bình thường. Nên thời gian phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 sẽ mạnh mẽ và ngắn hơn nhiều so với thời gian phục hồi sau khủng hoảng năm 2008.
- Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mới đây, một số tổ chức tín dụng quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cho sát thực tế hơn?
- Việc các tổ chức quốc tế hạ mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng là tất yếu, vì dịch Covid-19 đã gây khó khăn rất lớn cho kinh tế Việt Nam và thế giới. Kinh tế Việt Nam có độ mở rất mạnh, nên tiêu dùng giảm, kinh tế thế giới chậm lại cũng ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Chính phủ mong muốn sớm chấm dứt dịch bệnh và đưa nền kinh tế sớm trở lại quỹ đạo.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh chóng sau dịch.
Tuy nhiên, việc hạ hay không hạ mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới cần xem xét cẩn trọng. Theo đó, phải dự báo được thời điểm kết thúc dịch, trên cơ sở đó đánh giá thiệt hại và khả năng phục hồi của từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Qua đó, mới có cơ sở để điều chỉnh các chỉ số tăng trưởng.
Tất nhiên, các tổ chức quốc tế đánh giá là đánh giá chung trên thế giới, nhưng Việt Nam có thể có những điểm khác biệt. Thí dụ, phần lớn doanh nghiệp Việt là nhỏ và vừa, có sức sống khá bền bỉ, sức bật lên cũng nhanh hơn. Như các dịch bệnh trước đây hay khủng hoảng 2008, các doanh nghiệp Việt có khả năng thích ứng và phát triển tốt.
Doanh nghiệp Việt cũng có thể tận dụng được những thời cơ như CPTPP, EVFTA tới đây, mở ra đại lộ xuất khẩu mới sang EU. Dù dịch bệnh bùng phát, nhu cầu tiêu dùng của các nước này giảm sút nhưng vẫn rất khả quan. Hơn nữa, việc tăng trưởng 3,82% quý I-2020 cũng là cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều nước chỉ tăng trưởng âm, không tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất thấp, dưới 1%, nên mức tăng của Việt Nam là khá cao.
Thêm vào đó, việc xuất nhập khẩu có giảm nhưng mức giảm không đáng kể. Xuất khẩu tăng trưởng 0,7%, nhập khẩu giảm 1,9%, nên mặc dù tổng xuất nhập khẩu giảm nhưng chiều xuất khẩu lại vẫn tăng. Hiện tại, đầu tư tư nhân chiếm 46% và có tốc độ tăng trưởng 5,2% - mức tăng rất tốt trong bối cảnh dịch bệnh.
Chúng ta hoàn toàn có điều kiện để nói rằng khi dịch bệnh qua đi, chúng ta có thể có được mức tăng trưởng cao. Việc có nên hạ mục tiêu tăng trưởng trong năm nay hay không có lẽ cần thời gian để đánh giá cụ thể, vì mới đang trong giai đoạn đầu quý II, vẫn còn rất nhiều thời gian.
- Ông đánh giá thế nào về các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ hiện nay, vốn được cho là sẽ tạo ra xung lực cho nền kinh tế trong các quý tới?
- Các gói hỗ trợ của Chính phủ vừa qua rất kịp thời. Gói hỗ trợ 285.000 tỷ đồng của các ngân hàng, giảm lãi suất, hoãn nợ, giãn nợ đang giúp doanh nghiệp yên tâm sử dụng vốn vay để sản xuất kinh doanh, không bị phạt nợ quá hạn, không bị nợ xấu.
Gói hỗ trợ 180.000 tỷ đồng của giãn nợ thuế, miễn thuế đất cũng khiến doanh nghiệp cũng có được một lượng tài chính ngay trong tài khoản để hoạt động. Việc giảm nhiều loại chi phí, lệ phí cũng khiến doanh nghiệp giảm được chi phí để chiến đấu với dịch. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tính đến gói 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ chính sách, hộ nghèo, người lao động mất việc.
Việc đưa ra các gói hỗ trợ chưa có tiền lệ để ứng phó với một dịch bệnh chưa có tiền lệ, cũng là giải pháp kịp thời và đương nhiên. Tôi cho rằng điều này sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong khủng hoảng, tăng sức đề kháng cho nền kinh tế.
- Xin cảm ơn ông.