PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sự biến động tỷ giá đồng USD trong thời gian qua sẽ tác động đến VNĐ và thị trường Việt Nam như thế nào?
Ông NGUYỄN MINH TUẤN: - Tôi sẽ lấy câu chuyện trái phiếu chính phủ làm thí dụ để trả lời khi tỷ giá USD/VNĐ có sự liên quan hay không. Câu trả lời là có. Vì mỗi khi theo dõi chỉ số DXY của đồng USD (được xây dựng dựa trên 11 đồng tiền dự trữ của thế giới) sẽ thấy tỷ giá có sự thay đổi tăng lên.
Vì lãi suất đồng USD tăng, các ngân hàng khác cũng phải tăng theo, bởi nếu không dòng tiền sẽ chảy sang ngân hàng có lãi suất gửi cao hơn. Nên việc DXY tăng dẫn đến tỷ giá tăng, khiến nhiều người lo ngại các ngân hàng ở Việt Nam cũng phải điều chỉnh lãi suất (có thể tăng lên) là vì thế.
Chúng ta thấy nếu lãi suất VNĐ tăng, mọi người sẽ e ngại các chính sách tiền tệ của ta cũng phải tăng theo thông qua các hoạt động Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện, như hút tiền qua tín phiếu, lãi suất over-night (lãi suất qua đêm) cũng dễ tăng, trước đây 0,17-0,19% còn bây giờ 0,55%.
Bên cạnh đó, chỉ số của thị trường chứng khoán cũng sẽ liên quan. Hiện nay chúng ta còn chú ý đến 2 kỳ họp nữa vào tháng 11 và 12 năm nay của Fed, cùng với việc Chính phủ Mỹ đặt mục tiêu lạm phát sẽ kiểm soát ở mức 2%. Nếu là nhà đầu tư, tất nhiên sẽ quan tâm đến rất nhiều chỉ số lạm phát ở Mỹ, bởi nếu như chỉ số lạm phát ở Mỹ còn cao, tôi cho rằng chính sách tiền tệ còn thắt chặt và vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Khi chỉ số Fed Fund Rate (Quỹ dự trữ Liên bang Mỹ) tăng, thị trường tiền tệ rất mạnh, có thể thấy qua số liệu từ 1994, 1999, 2004, 2015 và 2022, khoảng 993 tỷ USD đã chảy vào thị trường tiền tệ của Mỹ thông qua giai đoạn Fed bắt đầu tăng lãi suất. Các dòng vốn sẽ chảy vào đâu có lãi suất cao nhất. Điều này cũng sẽ khiến tỷ giá giữa USD và các đồng tiền khác biến động khi các đồng tiền khác bị giảm giá. Đơn cử như đồng yên Nhật, có sự sụt giảm lớn nhất do họ duy trì mức lãi suất ở 0%.
Theo tính toán của tôi, VNĐ mới mất giá khoảng 3,5%, nên tỷ giá phải bù vào, nếu không dòng vốn sẽ rút ra ngoài. Độ mất giá của tiền Việt khoảng 3,5%, trong khi quyết định điều hành lãi suất của NHNN đang đi ngược chiều với Mỹ nên ảnh hưởng đến tâm lý thị trường là lẽ đương nhiên. Đó là khi các nhà đầu tư cho rằng thị trường cổ phiếu sụt giảm vừa rồi do ảnh hưởng bởi tỷ giá, song chủ yếu lại đến từ tâm lý và ảnh hưởng của dòng tiền rẻ.
Chính sách tiền tệ của chúng ta thực ra đã chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là phải thường xuyên theo dõi chỉ số lạm phát tại Mỹ.
Từ đầu năm đến nay VNĐ đã mất giá khoảng 3,5%. Vì thế, mục tiêu của NHNN hiện nay là giữ lãi suất của VNĐ sao cho đủ hấp dẫn, để không xảy ra vấn đề lớn nhất đối với tỷ giá USD/VNĐ.
- Theo ông, giữa phát hành tín phiếu, lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá thay đổi như nói trên sẽ có tác động như thế nào đến thị trường thời gian tới?
- Hoạt động bơm hút qua tín phiếu của NHNN thời gian vừa qua tôi cho rằng là điều bình thường. Tôi có thể lấy hình tượng ẩn dụ nền kinh tế là một cánh đồng, còn thị trường liên ngân hàng chỉ là khu vực hệ thống có thể điều phối nước cho cánh đồng đó.
Điều này cũng hàm ý rằng chính sách tiền tệ cần phải tác động đến toàn bộ cánh đồng. Tức đủ nước cho cánh đồng - đủ vốn cho nền kinh tế vận hành. Còn hoạt động “bơm - hút” chỉ là hoạt động của bể nước - các ngân hàng. Mục tiêu của NHNN hiện nay là giữ lãi suất của VNĐ sao cho đủ hấp dẫn, để không xảy ra vấn đề lớn nhất đối với tỷ giá USD/VNĐ, bởi từ đầu năm đến nay VNĐ đã mất giá khoảng 3,5%.
Vấn đề nữa, VNĐ hiện nay là đồng tiền thả nổi có kiểm soát, không phải là đồng tiền tự do chuyển đổi. Nên ý kiến tại sao không cho tự do chuyển đổi cần được hiểu là do phụ thuộc vào cơ chế đặc thù của nền kinh tế. Bởi về cơ bản, hiện nay chúng ta vẫn là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nên tỷ giá nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến 2 lĩnh vực này.
Hoạt động tín phiếu của NHNN gần đây, cụ thể là hút vào, theo tôi chỉ là hoạt động thông thường để đẩy mạnh tính thanh khoản của thị trường liên ngân hàng nhằm kiểm soát tỷ giá, không có việc “quay xe” chính sách tiền tệ từng xảy ra trên thị trường tiền tệ vào tháng 10-2022. Vấn đề hiện nay chính là do tâm lý thị trường - mọi người đang quá lo lắng.
Do đó, giải pháp hiện nay là chúng ta cần phải có những biện pháp ổn định tâm lý thị trường, cùng với đó là quản trị rủi ro khi tác động từ tâm lý ấy, cụ thể là thị trường cổ phiếu bị ảnh hưởng do tâm lý ấy gây ra. Một trong những giải pháp, đó là NHNN vẫn đang duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM.
- Xin cảm ơn ông.