Một khảo sát cho thấy các nhà kinh tế trên thế giới đã ngày càng chung chiến hào đồng thuận khả năng cách ly xã hội như là một biện pháp hữu hiệu chống Covid-19; từ bỏ các biện pháp nghiêm ngặt nhất vào lúc này sẽ dẫn đến những thảm hoạ tồi tệ nhất trong dài hạn. Đó là hai tóm lược đáng chú ý vừa công bố mới đây trên tờ Financial Times.
Các biện pháp cách ly xã hội của Việt Nam tuy vẫn còn ở mức khiêm tốn so với nhiều quốc gia, nhưng các hệ lụỵ kinh tế xấu đi của chúng không vì thế mà bớt phần khốc liệt. Số liệu các doanh nghiệp phá sản đang ở mức báo động chưa từng có trong nhiều năm qua, và có thể chúng ta còn phải chứng kiến nhiều làn sóng phá sản hơn nữa trong thời gian tới. Khỏi phải nói, hậu quả của chúng không khác vì cơn sóng thần ập lên nền kinh tế Việt Nam, vốn đã rất dễ bị tổn thương. Mọi điều xấu nhất dù vậy có lẽ vẫn còn đang ở phía trước.
Trong bối cảnh đó, việc bằng mọi giá không thể để cho các đứt gãy và đổ vỡ kinh tế là một chủ trương đúng đắn, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho quốc kế dân sinh. Thậm chí Nhà nước cần phải có những gói hỗ trợ lớn đối với các lĩnh vực này, nhất là đối với các ngành nghề liên quan đến an toàn sức khoẻ và no ấm của nhân dân.
Nhưng nếu lạm dụng việc cho phép sản xuất ở quy mô lớn và mở rộng ở quá nhiều ngành nghề, cũng có nghĩa chúng ta đang đánh cược với khả năng mà nếu chiến thắng thì được dăm ba điểm tăng trưởng, còn nếu thua thì tỷ lệ nhiễm Covid-19 sẽ tăng theo cấp số nhân, cộng thêm những thảm họa khó thể cân đong đo đếm hết về thiệt hại kinh tế. Hãy suy nghĩ thật thấu đáo điều này trước mỗi quyết định liệu có nên cho các doanh nghiệp hoạt động trong thời chiến.
Covid-19 là một cuộc khủng hoảng kỳ dị, không thể so sánh với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đó. Tuy chúng để lại một hậu quả tàn khốc về mặt kinh tế, nhưng giải pháp đáng tin cậy để giảm thiểu các thiệt hại kinh tế không phải đến từ các chuyên gia kinh tế, thương mại và giới chủ. May mắn là chúng lại đến từ giới y khoa, là những chuyên gia chỉ có một mục tiêu duy nhất tiêu diệt kẻ thù virus corona. Đây hẳn là một phong cách tác chiến hoàn toàn phù hợp với thời chiến.
Nếu lạm dụng việc cho phép sản xuất ở quy mô lớn và mở rộng ở quá nhiều ngành nghề, cũng có nghĩa chúng ta đang đánh cuộc với Covid-19 và sẽ tăng theo cấp số nhân.
Hơn là thái độ thận trọng của các nhà kinh tế, khi một số người cho rằng vẫn có thể vừa sản xuất miễn là đảm bảo an toàn. Luận điểm này không sai. Chúng không sai cũng bởi chỉ vì mới chạm nhẹ bề mặt của vấn đề nên đâu thể thấy hết tốc độ lây nhiễm của virus corona dưới lăng kính hiển vi. Vấn đề thực sự lại nằm ở các giải pháp vi mô liên quan đến nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự phối hợp tinh vi của các bộ ngành, tỉnh thành như thế nào thì các nhà kinh tế lại chẳng ai đưa ra được giải pháp khả dĩ vào lúc này.
Chẳng hạn, hình ảnh vài chục ngàn công nhân chen nhau chỉ trong khoảng cách vài centimet tại khu công nghiệp Tân Tạo ở TPHCM mấy ngày qua mà báo chí có đề cập, có thể là một minh hoạ nhỏ cho phần nổi của một tảng băng chủ trương vừa chống dịch vừa sản xuất an toàn.
Thậm chí cứ cho rằng ngay cả khi hầu hết các hoạt động tại đây là sản xuất các mặt hàng thiết yếu, thì một hệ thống nào có đủ khả năng kiểm soát hàng chục ngàn người ra vào một khu vực vào cùng một thời điểm ở một vài nhà máy đang hoạt động rầm rộ ngày đêm giữa thời chiến? Trong khi nguồn lực của các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và các bộ ngành khác đang tập trung toàn bộ hoả lực trên toàn chiến tuyến, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm từng con virus corona, lấy nguồn lực đâu nữa để thiết kế nên một hệ thống hữu hiệu giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh ở quy mô lớn?
Áp dụng các biện pháp linh hoạt để hạn chế đến mức thấp nhất các thảm họa kinh tế hay áp dụng các biện pháp cách ly xã hội ngặt nghèo hơn nữa để loại bỏ hoàn toàn rủi ro bùng nổ trở lại các ca nhiễm Covid-19?
Theo Financial Times, khi đặt câu hỏi này cho các nhà kinh tế hàng đầu của Mỹ, 80% nhà kinh tế đồng ý với giải pháp thứ hai, phần còn lại không chắc chắn hoặc không có phản hồi, và không có bất kỳ một ý kiến nào chống đối áp dụng các giải pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt (trong khi đó ở châu Âu con số không đồng ý áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt là 4%). Các con số khảo sát cho thấy hầu như các nhà kinh tế hàng đầu thế giới đều đồng ý áp dụng các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt nhất.
Đây cũng nên là cách đặt vấn đề cho cuộc chiến chống Covid-19 ở Việt Nam. Các cách đặt vấn đề không rõ ràng khác có thể dẫn đến những quyết định sai lầm và làm chùn bước những chiến sĩ đang chiến đấu trong thời chiến. Chỉ có một điều duy nhất đáng để tranh luận, đó là sẽ mất thời gian bao lâu và làm thế nào để chúng ta thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này nhanh nhất và bật dậy mạnh mẽ.
Và thật sai lầm và vô cùng chủ quan khi cho rằng tỷ lệ các ca nhiễm Covid-19 ở Việt Nam có gì đáng lo ngại mà phải làm lớn chuyện đến mức làm căng thẳng mọi chuyện đến vậy. Thậm chí trong thời gian tới nếu tình hình có thêm diễn biến xấu thì cần phải có các biện pháp cách ly toàn xã hội quyết liệt hơn nữa. Đừng chỉ vì níu kéo tăng trưởng thêm vài điểm mà để giãn cách xã hội chỉ có vài centimet. Chỉ vài phân nhỏ nhưng có thể kéo dài thời gian vô tận để mọi việc có thể trở lại bình thường.
Thời đại dịch, một sai lầm nhỏ có thể làm tiêu tan cả một cơ đồ lớn.