PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về câu chuyện vừa
chống dịch vừa đảm bảo sản xuất an toàn, ông nghĩ như thế nào?
PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC: - Đến nay, kinh nghiệm thế giới và từ 1 tháng chống dịch vừa qua tại Việt Nam trong giai đoạn 2, đã có thể kết luận rằng trước những diễn biến phức tạp và hệ lụy nặng nề của đại dịch Covid-19 gây ra cho các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU, Chính phủ nên dồn mọi nguồn lực của quốc gia để tập trung chống dịch.
Theo đó, hoạt động sản xuất chỉ nên duy trì ở mức tối thiếu ở những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm, dược phẩm, thay vì cố gắng duy trì hoạt động sản xuất như bình thường để níu kéo một vài phần trăm tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là sai lầm rất nghiêm trọng và mâu thuẫn với một số nguyên tắc về phòng chống dịch. Thí dụ, theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội, từ ngày 1-4 người dân chỉ được ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, hạn chế giao thông nội địa, dừng vận tải hành khách công cộng, tạm dừng các chuyến bay quốc tế, không được tụ tập quá 2 người ngoài khu vực công sở và phải cách nhau 2m...
Đây là những nguyên tắc cơ bản để phòng chống lây nhiễm trong bối cảnh dịch bệnh. Những nguyên tắc này sẽ bị vi phạm khi người lao động đi làm tại các khu công nghiệp, nhà máy có hàng ngàn người lao động chen chúc nhau vào giờ tan tầm báo chí đã phản ánh tại TPHCM và Hà Nội thời gian vừa qua. Nếu 1 hoặc 2 người trong số đó nhiễm Covid-19, số ca bệnh sẽ lập tức tăng lên theo cấp số nhân, đe dọa đến thành quả của toàn bộ quá trình chống dịch của Việt Nam đã đạt đượccho đến hiện nay. Và chúng ta không bao giờ có cơ hội sửa sai cho những trường hợp như vậy.
Cần nhắc lại rằng thành quả chống dịch chúng ta đạt được cho đến thời điểm này gần như tuyệt đối, không để xảy ra bất kỳ một trường hợp tử vong nào, khống chế, kiểm soát không để sự lây lan bùng phát trên diện rộng. Và để đánh đổi cho thành công đó, sự thiệt hại về mặt kinh tế cho đến lúc này chắc chắn và không nhỏ. Vì vậy, phải tối đa hóa hiệu quả của sự đánh đổi này nếu xét dưới góc độ lợi ích và chi phí.
Nghĩa là Chính phủ phải kiên định đến cùng mục tiêu chống dịch và đạt được chiến thắng cuối cùng để đảm bảo sức khỏe toàn dân. Bằng ngược lại, nếu níu kéo mục tiêu tăng trưởng kinh tế lúc này hoặc chủ quan quá sớm bằng cách duy trì sản xuất như bình thường sẽ dễ mắc sai lầm và vỡ trận chống dịch. Lúc đó, chúng ta sẽ gánh chịu thiệt hại kép vô cùng nặng nề, vừa kinh tế và cả sức khoẻ thậm chí là tính mạng của cộng đồng.
Cảnh tượng hàng ngàn công nhân tấp nập tan ca trong thời gian cách ly xã hội.
- Nếu nói như vậy, khu vực doanh nghiệp sẽ gánh chịu những tổn thất gì và theo ông cần có những chính sách nào để bảo toàn được lực lượng, ít nhất đến khi dập được dịch?
- Người ta gọi đại dịch Covid-19 dưới lăng kính kinh tế là một cuộc khủng hoảng có tính bất định. Nghĩa là nó chưa từng có trong lịch sử và không ai có thể hiểu rõ về những diễn biến và tác động của nó, nên cũng không thể nói được chính xác thời gian dịch bệnh kéo dài cũng như sự phục hồi của nền kinh tế sẽ diễn ra như thế nào. Những dự báo hiện nay về đỉnh dịch, thời điểm và cách thức nền kinh tế hồi phục thực ra dựa vào kinh nghiệm quá khứ từ những cuộc khủng hoảng hoàn toàn khác với Covid-19 để phân tích. Vì vậy, tôi cho rằng nó sẽ không chính xác.
Nhưng có điều chắc chắn, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào, đối tượng gánh chịu thiệt hại nặng nhất bao giờ cũng là doanh nghiệp. Đặc biệt, cơn bão Covid-19 lần này cùng một lúc vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn nguyên vật liệu đầu vào, vừa làm sụt giảm tổng cầu của cả nền kinh tế. Như vậy, doanh nghiệp sẽ càng chịu thiệt hại nặng nề hơn. Thực tế ghi nhận, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do ảnh hưởng bởi dịch đã ngày một lớn, hơn 35.000 doanh nghiệp tạm ngừng theo báo cáo của VCCI. Lần đầu tiên số doanh nghiệp này nhiều hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới.
Nhưng cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, những thiệt hại nền kinh tế Việt Nam phải gánh chịu không nằm ngoài xu hướng tổn thất chung của thế giới dưới tác động của dịch. Thậm chí, chúng ta chịu ảnh hưởng nhẹ hơn khi mối quan tâm lớn nhất bây giờ của công chúng là thu nhập giảm, công ăn việc làm bị ảnh hưởng và sẽ được hỗ trợ như thế nào để đảm bảo cuộc sống tối thiểu, thay vì lo sợ làm thế nào bảo toàn tính mạng trong dịch bệnh như tại Mỹ hoặc EU. Đây là chiến thắng bước đầu đặc biệt ấn tượng và then chốt của Chính phủ trong trận chiến chống dịch.
Quay trở lại chính sách hỗ trợ dành cho doanh nghiệp và người dân. Về cơ bản, tôi nhận thấy Chính phủ đã có những chính sách toàn diện và cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trên 3 phương diện: tài khóa, đầu tư công và tiền tệ.
Hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa như giảm, giãn thuế, hoãn thời
Nếu níu kéo mục tiêu tăng trưởng kinh tế lúc này hoặc chủ quan quá sớm bằng cách duy trì sản xuất như bình thường sẽ dễ mắc sai lầm và vỡ trận chống dịch.
gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động… Bên cạnh đó, những chi phí và giá cả của hàng hóa và dịch vụ công khác như tiền điện, thuê đất, thuế phí khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường cũng được các bộ, ngành đề xuất miễn, giảm.
Chính phủ cũng đã lên kế hoạch cho những gói đầu tư công rất lớn với kỳ vọng sẽ tạo ra động lực kích thích tổng cầu khi kinh tế phục hồi, bằng cách tạo ra công ăn việc làm và các nhu cầu khác sẽ gia tăng theo hiệu ứng lan tỏa. Bằng chính sách tiền tệ, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp như giảm lãi suất, hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, khoanh nợ, giãn nợ và không thay đổi nhóm nợ...
Tôi cho rằng, những giải pháp này khá toàn diện, đồng bộ, liều lượng phù hợp với nguồn lực ngân sách và đặc thù của Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn cả là doanh nghiệp có được cứu sống hay không còn phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm của những cơ quan thực thi chính sách này.
Cụ thể hơn là làm thế nào để những chính sách này đến đúng đối tượng một cách nhanh chóng và đạt được hiệu quả cao, tránh được sự thất thoát “rơi vãi dọc đường”, như lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch, ngày 8-4.
Rủi ro đạo đức của những gói hỗ trợ tài khoá này khá phổ biến trên thế giới, bất kỳ ở đâu cũng sẽ xảy ra hiện tượng thất thoát nếu tính kỷ luật chính sách và kỹ thuật thực thi không được thiết kế bài bản và chặt chẽ. Truyền thông quốc tế còn ví von nên sử dụng trực thăng để thả tiền xuống cho người dân là cách tốt nhất, với hàm ý rằng chỉ có cách đó thì tiền hỗ trợ mới đến thẳng tay những người thực sự cần mà không bị “rơi vãi” ở dọc đường.
- Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công nhằm bù đắp cho tăng trưởng kinh tế, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của giải pháp này?
- Tôi cho rằng chủ trương dùng đầu tư công để tạo động lực kích thích tăng trưởng kinh tế là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Nhưng theo tôi chỉ nên đẩy mạnh khi đại dịch Covid-19 đã được khống chế triệt để và nền kinh tế đi vào giai đoạn phục hồi. Và điều quan trọng nhất đối với đầu tư công vẫn là tính minh bạch, hiệu quả và tuyệt đối chống
Đừng để Covid-19 trở thành cái cớ cho những dự án đầu tư công đang bị tạm hoãn để làm rõ những vấn đề liên quan đến tính hiệu quả, pháp lý, nguồn vốn… dựa vào đó để “lọt qua khe cửa hẹp”.
thất thoát, lãng phí.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, vấn đề xã hội chúng ta quan tâm nhất là lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang xử lý các đại án tham nhũng, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó có các dự án đầu tư công.
Như vậy, để thực sự đầu tư công có hiệu quả và mang lại những tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19, những vấn đề vừa nêu phải được giải quyết triệt để. Đặc biệt tôi cho rằng đừng để Covid-19 trở thành cái cớ cho những dự án đầu tư công đang bị tạm hoãn để làm rõ những vấn đề liên quan đến tính hiệu quả, pháp lý, nguồn vốn… dựa vào đó để “lọt qua khe cửa hẹp”.
Nếu điều này xảy ra tôi cho rằng nền kinh tế sẽ gánh chịu những hậu quả “kép” hết sức nặng nề, vừa từ đại dịch, vừa từ những dự án kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Và hệ trọng hơn nó làm phai nhạt niềm tin của công chúng vào Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt là niềm tin đang lên cao qua 1 tháng vừa qua cả dân tộc đồng lòng chống dịch.
Vì vậy, trong tình thế hiện nay, theo trật tự phân hạng, những ưu tiên cho đầu tư công và mục tiêu tăng trưởng vẫn nên nhường chỗ cho mục tiêu tập trung chống dịch. Tôi cho rằng đó là chiến thắng có tính quyết định và chúng ta cũng đã gần kề.
- Xin cảm ơn ông.