Theo đó, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Chỉ thị yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản (BĐS), chứng khoán.
Câu chuyện siết chặt vốn vào các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực BĐS, đã được nữ Thống đốc NHNN đầu tiên của Việt Nam nhắc đến từ sau khi chính thức nhậm chức. Kể từ đó đến nay, trong nhiều cuộc họp có sự tham gia của NHNN, các Phó thống đốc cũng nhiều lần nhấn mạnh nội dung tương tự.
Tháng 5 năm ngoái, cơ quan này cũng đã có Công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao như BĐS, chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Thế nhưng, dù NHNN nhắc nhở lời nói hay văn bản, vốn từ các TCTD vẫn bằng cách này hay cách kia đổ vào lĩnh vực này. Theo đó, tín dụng BĐS tính đến cuối tháng 11-2021 tăng 12%, tỷ trọng tín dụng BĐS đã chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế.
Cùng lúc, tín dụng bán lẻ cũng được đẩy mạnh, một trong hai sản phẩm có quy mô dư nợ lớn trong mảng này là cho vay mua nhà. Dịch bệnh khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng thị trường BĐS không ngừng náo nhiệt với nhiều đợt sốt đất tại nhiều địa phương.
Một điểm nữa, trong quý III-2021, do ảnh hưởng của đợt dịch lần thứ 4, hoạt động tín dụng gần như đứng tại chỗ, song thị trường TPDN vẫn rất sôi động.
Số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, trong quý III-2021, nhóm NH dẫn đầu về khối lượng phát hành với 67.717 tỷ đồng, nhóm các DN BĐS xếp vị trí thứ 2 với tổng giá trị phát hành là 56.551 tỷ đồng. Trong đó nhà đầu tư mua TPDN là TCTD và công ty chứng khoán (CTCK) chiếm tỷ lệ 73%.
Hiện nay, các NH và CTCK có mối liên hệ dạng công ty mẹ - công ty con. Cho nên khả năng rất lớn, không chỉ NH chủ động mua trái phiếu lẫn nhau và mua TPDN BĐS phát hành, mà dòng vốn từ NH còn được bơm qua CTCK để mua TPDN của nhóm BĐS.
Sự dây dưa giữa NH và DN BĐS trên thị trường TPDN càng ngày càng được khẳng định, các chuyên gia liên tục đưa ra cảnh báo về điều này trong năm 2021. Và đến Chính phủ cũng đã lên tiếng.
Đầu tháng 12 năm ngoái, Văn phòng Chính phủ đã có Công điện truyền đạt chỉ đạo Thủ tướng, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các DN, của TCTD có liên quan đến DN BĐS…
Nhìn khách quan, hầu như ai cũng biết vốn từ NH đang đổ về lĩnh vực BĐS thông qua nhiều hình thức, nhiều đối tượng. Trong khi khu vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ vẫn đang vật lộn với bài toán phục hồi. Đến nay vẫn còn rất nhiều nhóm ngành khó tiếp cận vốn, vì DN không còn nhiều tài sản đảm bảo cũng như vướng về phương án kinh doanh.
Đương nhiên thanh khoản của ngành NH rất dồi dào, không thể đứng im chờ DN gầy dựng lại khả năng tiếp cận vốn. Họ luôn tìm cách bơm vốn ra và nhóm BĐS sẵn tài sản đảm bảo luôn dễ tiếp cận. Nhưng trên sổ sách, các nhà băng chỉ trưng ra những con số đẹp, đúng chuẩn về vốn và hầu như đảm bảo đủ các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Kể cả báo cáo của NHNN cũng nói NH đang tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh.
Định hướng chính sách tiền tệ năm 2022, NHNN nhắc lại “điệp khúc” kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Thế nhưng, dẫn lời từ một chuyên gia kinh tế: “Chính sách tiền tệ định hướng đảm bảo tốt thanh khoản cho thị trường, thì thế nào tiền cũng chảy vào BĐS và chứng khoán, bởi khả năng hấp thu vốn của lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế”. Đặt trong bối cảnh như vậy, năm 2022, liệu vốn chảy vào lĩnh vực BĐS có được kiểm soát chặt như tuyên bố của Thống đốc NHNN?