Ý nghĩa mờ nhạt
Lãi suất cho vay tăng hay giảm đều có ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế của quốc gia. Vì vậy, mỗi quốc gia đều phải thực hiện các chính sách tiền tệ thông qua NHTW với vai trò chỉ huy hệ thống NH (với các công cụ như tái cấp vốn, tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc) để điều chỉnh lãi suất cho vay, bình ổn nền kinh tế.
Nếu lãi suất cho vay ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm, NHTW sẽ áp dụng chính sách giảm lãi suất điều hành, từ đó lãi suất cho vay trên thị trường cũng được điều chỉnh và các khoản cho vay tăng lên.
Đó cũng là giải pháp NHNN Việt Nam đã và đang áp dụng nhằm kích cầu tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh DN hứng chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, ngày 1-10 vừa qua, NHNN đã có lần thứ 3 trong năm điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cùng với các mức lãi suất như lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, khi Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.
Thực tế, sẽ ít người nghĩ đến việc NHNN có tới 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành trong 1 năm. Nguyên nhân vì nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên nợ, Nhà nước muốn đầu tư phải vay trái phiếu, DN muốn đầu tư phải đi vay NH.
NHTM cung cấp vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Do đó, quan hệ cung cầu tín dụng tùy thuộc rất lớn vào NHTM, trong khi lãi suất vốn huy động của NH không rẻ.
Muốn giảm lãi suất chỉ có con đường là NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng tái chiết khấu, tăng cho vay. Song chính sách tiền tệ nước ta thực hiện đa mục tiêu, phải quan tâm rất nhiều đến vấn đề lạm phát, ổn định tỷ giá, giữ chênh lệch ở mức độ hợp lý để thu hút dân gửi tiết kiệm VNĐ.
Chính vì vậy, nhiều năm qua, NHNN luôn điều hành chính sách tiền tệ khá thận trọng. Những năm trước, thực hiện yêu cầu của Chính phủ phấn đấu giảm lãi suất để đảm bảo hỗ trợ tín dụng cho các DN, NHNN chủ yếu điều chỉnh tăng trưởng tín dụng và cung tiền để tác động đến lãi suất, cũng như tránh gây ảnh hưởng đến lạm phát và tỷ giá.
Đến giữa tháng 9-2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, nhiều NHTW trên thế giới giảm mạnh lãi suất, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp, NHNN mới giảm lãi suất điều hành sau hơn 2 năm giữ ổn định, nhằm hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất trên thị trường.
Năm nay, NHNN phải điều chỉnh đến 3 lần, tổng mức giảm lãi suất điều hành lên tới 1,5-2%. Bởi dưới tác động của dịch bệnh, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế rất thấp.
Có thể nói, giảm lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho NHTM, từ đó giảm lãi suất cho vay, kích tăng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, là yêu cầu Chính phủ đặt ra đối với NHNN, khi dư địa của chính sách tài khóa hạn hẹp.
Nhưng nếu trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh, lãi suất điều hành liên tục giảm như thời gian qua mới thật sự là tin vui. Còn giảm lãi suất trong thời điểm dịch bệnh hiện nay không có nhiều ý nghĩa.
Tác dụng không nhiều
Tác dụng không nhiều
Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN tuy có tác dụng nhưng rất ít, dẫn đến việc lãi suất của NH mới giảm trên giấy. Đặc biệt, chính sách không có tác dụng nhiều trong lúc này, nên dù lãi suất điều hành liên tục giảm cũng chưa phải là tin vui cho cộng đồng DN. |
Theo thống kê của Fiin Group, lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm trong tháng 9 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả nhóm NH, do thanh khoản hệ thống NH vẫn đang duy trì dồi dào.
Điều này đồng nghĩa các NH sẽ không phát sinh nhiều nhu cầu vay vốn từ NHNN. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ không tác động nhiều đến lãi suất trên thị trường, chỉ phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm.
Thứ hai, NHTM là cũng DN kinh doanh để thu lời. Các NH cho biết họ chia sẻ với DN với tính chất đồng hành, vì nguồn lực hỗ trợ không phải nguồn lực ngân sách, họ phải cắt giảm lợi nhuận, nên việc cho vay cũng được tính toán kỹ. Lãi vay giảm nhưng chưa thể giảm mạnh bởi dòng vốn huy động thời kỳ trước có lãi suất cao vẫn còn.
Các nhà băng phải cân bằng, có những nhóm khách hàng sẽ được hỗ trợ lãi suất thấp, nhưng có những nhóm vẫn phải chịu lãi suất cao để NH cân bằng lợi nhuận. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ DN của NH đều là chính sách có điều kiện. Giảm lãi suất chỉ áp dụng cho các khoản vay mới.
Khi Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng, NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành nhưng cho biết sẽ không giảm chuẩn tín dụng để tránh đi vào vết xe đổ nợ xấu trước đây. NHTM tuân thủ khá nghiêm ngặt quy định này. Chính vì vậy, nhiều DN cho biết họ không thể tiếp cận vốn vay.
Theo báo cáo Hiệp hội DN TPHCM, các chính sách NH hỗ trợ DN tuy có những nỗ lực thực hiện, nhưng các NH vẫn chủ yếu tập trung các khách hàng truyền thống, quen biết từ lâu, số khách hàng mới tiếp cận được rất ít.
Các DN phản ánh điều kiện và thủ tục cho vay chưa được thuận lợi. Họ mong muốn các NH nới lỏng điều kiện, đơn giản thủ tục, tăng khả năng cho vay tín chấp qua việc thẩm định phương án kinh doanh, quản lý nguồn thu… để nâng cao khả năng tiếp cận cho khách hàng.
Nhưng NH khó có thể đáp ứng được điều này, nhất là khi nợ xấu hiện tại của các TCTD vẫn được kiểm soát (ở mức khoảng 2%) nhờ việc NHNN cho phép giãn, hoãn nợ (theo Thông tư 01 ngày 13-3-2020), nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai.