NH vẫn có thể giảm lãi suất
Có 2 yếu tố quan trọng quyết định đến lãi suất cho vay là chênh lệch giữa lãi suất vay với lãi suất gửi (interest rate spread) và lãi suất tiền gửi trong mối tương quan với tỷ lệ lạm phát.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới 2019, chênh lệch giữa lãi suất vay và lãi suất gửi của Việt nam vào khoảng 2,7%. Tuy nhiên, hệ số dư nợ cho vay trên vốn chủ sở hữu, hay hệ số vốn huy động từ tiền gửi của khách hàng trên vốn chủ sở hữu khá lớn.
Số liệu năm 2019 của 4 NHTM có vốn Nhà nước, cho thấy hệ số này tương ứng là 15,8 và 16,9 lần. Điều này cho thấy tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các NH Việt Nam là rất lớn, chỉ cần chênh lệnh lãi suất 1% và đòn bẩy 15 lần thì tỷ suất lợi nhuận đã là 15%.
Một yếu tố cũng khá quan trọng là lãi suất tiền gửi. Hiện nay với kỳ hạn gửi 12 tháng, mức lãi suất phổ biến ở mức 5-7% và vẫn còn giữ được khoảng cách với tỷ lệ lạm phát mục tiêu là 4%.
Về mặt lý thuyết, miễn khoảng cách này không âm thì người dân và doanh nghiệp vẫn có thể gửi tiền vào NH. Nhưng vì các kênh đầu tư tài chính khác chưa phát triển đúng mức, nên gửi NH lấy lãi vẫn là một sự lựa chọn ưu tiên bên cạnh đầu tư bất động sản hay mua vàng.
Đến cuối tháng 7-2020, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt gần 9,22 triệu tỷ đồng, trong đó của tổ chức là 4,13 triệu tỷ và của người dân là 5,08 triệu tỷ đồng. Trong khi đó tổng mức dư nợ tín dụng là 8,5 triệu tỷ đồng, cho thấy nhu cầu gửi lớn hơn hẳn nhu cầu vay, khớp với phân tích ở trên là tỷ lệ đòn bẩy của các NH Việt nam là khá cao.
Chính vì nhu cầu gửi tiền cao, lãi suất tiền gửi hiện tại còn cao hơn lạm phát, và chênh lệch giữa lãi suất vay và lãi suất gửi cao khi tính với hệ số đòn bẩy, thì các NH vẫn còn khá nhiều dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Các NH có thể giảm bớt mức chênh lệnh lãi suất từ 2,7% xuống 2%, giảm tiếp lãi suất huy động tiệp cận với lạm phát hay thậm chí kết hợp cả hai.
Nhưng vẫn cẩn trọng khi giảm lãi suất
Không bao giờ có giải pháp hoàn hảo, chính sách giảm lãi suất cần cẩn trọng với lạm phát, khả năng tăng nợ xấu, và những hệ lụy từ thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp thiếu kiểm soát chặt chẽ như hiện nay. |
Do vậy để ổn định lạm phát nhằm khai thông việc giảm lãi suất, thiết nghĩ Chính phủ Việt Nam nên có cơ chế kiểm soát giá trần, hay trợ giá với một số mặt hàng hay dịch vụ thiết yếu.
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần đây đưa ra cách tiếp cận lạm phát mục tiêu trung bình cũng có thể là một hướng mà NHNN tham khảo. Tức thay vì cố định mục tiêu lạm phát 4%, chúng ta có thể đưa về trung bình 4% trong 1 giai đoạn, nghĩa là chấp nhận có cao có thấp hơn mức 4%.
Nhưng lưu ý lạm phát không chỉ là do cung tiền. Về lý thuyết tiền tệ, chúng ta có công thức M*V = P*Q. Trong đó M là lượng cung tiền, V là tốc độ quay vòng của tiền, P là giá hàng hóa dịch vụ và Q là số lượng hàng hóa dịch vụ. Do đó P được quyết định bởi công thức P=M*V/Q.
Nếu M tăng nhưng trong giai đoạn V bị chững lại hay Q tăng, thì P tăng hay giảm không chỉ là do M. Với Việt Nam hiện nay, mấu chốt là nằm ở Q và đây lại phụ thuộc vào năng suất lao động của nền kinh tế.
Nếu năng suất lao động được cải thiện nhanh, tốc độ tăng Q bằng hoặc cao hơn của M và V kết hợp thì lạm phát vẫn có thể được duy trì trong mục tiêu.
Ảnh minh họa.
Lãi suất giảm cũng có thể tác động tích cực đến sự thay đổi cấu trúc của thị trường tài chính, với điều kiện thị trường tài chính có sự phát triển tương ứng. Vì lãi suất gửi NH thấp, các tổ chức kinh tế và người dân sẽ hướng đến thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu hay các công cụ nợ ngắn hạn.
Nhưng cũng chính vì thế mà cũng hết sức cẩn trọng với sự phát triển nóng và những “góc khuất” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Đối với các NH thương mại, khi chênh lệnh lãi suất cho vay và gửi giảm, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tín dụng giảm, giảm dần tỷ trọng trong tổng lợi nhuận thì các NH cần chú trọng nhiều hơn đến các nguồn thu khác như dịch vụ NH, đầu tư, kinh doanh tiền tệ. Hiện nay, do doanh thu từ tín dụng của các NH lên đến 70% tổng doanh thu, nên khả năng đa dạng hóa nguồn thu là hoàn tòa có thể.
Như vậy, khả năng giảm tiếp lãi suất cho vay là hoàn toàn có thể, thậm chí có thể giảm sâu tiệm cận mức lạm phát mục tiêu. Các NH thương mại có lẽ sẽ khó khăn để chấp nhận, nhưng đây cũng là điều kiện để các NH tăng hiệu quả dựa trên số lượng, tái cấu trúc lại các mảng kinh doanh của mình. Ở góc độ vĩ mô, giảm lãi suất là tạo thêm điều kiện để thị trường tài chính phát triển, giảm sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế và NH.