PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, theo số liệu của NHNN, tín dụng 9 tháng tăng 6,09%, ông nhận định như thế nào về con số này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Đây là mức tăng trưởng thấp so với năm ngoái, do nền kinh tế Việt Nam đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. Nhưng thực tế DN rất cần vốn.
Vốn đây không những là vốn đầu tư mà còn là vốn lưu động để duy trì tính thanh khoản để họ có thể trả lương cho người lao động, trả tiền thuê mặt bằng, thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ cho NH, trả thuế cho Chính phủ, trả tất cả các chi phí thường xuyên khác.
Trong vòng 1 tháng, nếu một DN mất khả năng chi trả, hoạt động của họ sẽ lung lay, người lao động cũng sẽ bắt đầu đi tìm việc làm mới, đơn vị cho thuê mặt bằng cũng sẽ có sự cảnh báo, nhà cung cấp có thể cảnh báo không giao hàng.
Trong vòng 3 tháng nếu không thanh toán được những khoản đó, DN sẽ đi vào tình trạng mất thanh khoản. Khi đó, người lao động rời khỏi DN, bên cho thuê mặt bằng tìm cách cắt hợp đồng thuê, nhà cung cấp sẽ ngưng ngay việc cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ.
Với các khoản vay NH, thanh toán nợ chậm từ 90 đến 180 ngày, DN sẽ rơi vào nợ nhóm 3. Và sau 3 tháng nếu không còn sức chịu đựng nữa, trong vòng 6 tháng, họ đi đến ngưng hoạt động và phá sản.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều DN không có khả năng vay tiền của NH mặc dù nhu cầu về tín dụng rất lớn. Bởi dưới sự chỉ đạo của NHNN, NHTM không được cho vay dưới chuẩn. Chính vì thế, tăng trưởng tín dụng rất thấp so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, mức cầu trong nền kinh tế cũng suy giảm, nên nguồn cung sản xuất cũng giảm theo trong tất cả các ngành nghề từ du lịch, khách sạn đến thương mại, nông nghiệp… Các trụ cột chính của nền kinh tế bị ảnh hưởng, từ đó tác động cộng hưởng với nhau để đưa đến tình trạng tăng trưởng tín dụng thấp.
- Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành, liệu điều này có kích thích được tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế?
- Giảm lãi suất điều hành có tác động tích cực là giảm chi phí vốn cho DN. Nhưng với rất nhiều DN, vấn đề lãi suất hiện tại không phải là điều họ lo lắng, mà làm thế nào để vay được vốn khi họ đang cần duy trì thanh khoản, duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì thị phần.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành, giảm cả lãi suất trên thị trường 1 (giảm trần lãi suất huy động từ 4,5%/năm xuống 4%/năm cho kỳ hạn dưới 6 tháng), nhưng thật sự điều này không tác động mạnh đến tín dụng.
Bởi nhu cầu tín dụng lúc này lớn nhưng NH không cho vay ra được do vướng chuẩn, nên có giảm lãi suất cũng không tạo ra động lực DN đi vay. Dĩ nhiên lúc này DN nào có khả năng vay rất hoan nghênh việc giảm lãi suất. Nhưng nhìn chung, dùng chính sách tiền tệ giảm lãi suất điều hành để kích thích tăng trưởng nền kinh tế lúc này chưa thể kích thích được.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
- Vậy ông có đề xuất nào để giải bài toán vốn cho DN?
- Tôi cho rằng rất khó giải bài toán này. Thật sự các NH cũng phải làm mọi cách để bảo toàn vốn vì họ đã trải qua bài học nợ xấu giai đoạn trước. Bây giờ, họ không thể cho vay dưới chuẩn để đến lúc nào đó chính họ chịu thiệt hại do hoạt động tín dụng dễ dàng.
Chính vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ phải có một giải pháp là yêu cầu các NH phải thành lập một tổ hợp tín dụng. Tất cả các NH đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3%/tổng dư nợ của mỗi NH.
Tổng dư nợ của nền kinh tế là 8,5 triệu tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3% sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, cũng tương tự gói 300.000 tỷ đồng các NH đã triển khai trước đó.
Đây sẽ là chính sách của Chính phủ và các NH nội lẫn ngoại hoạt động tại Việt Nam phải tham gia. NHNN làm đầu mối thiết lập tổ hợp nhưng phải có một NHTM đứng ra quản lý tổ hợp. Dùng tổ hợp này để cho vay các DN đang khó khăn trong dịch bệnh.
Vấn đề đặt ra là tiền đâu? Các NH hiện nay có thanh khoản rất tốt và trong nguồn vốn huy động có nguồn huy động lõi với lãi suất rất thấp là CASA (gồm tiền gửi không kỳ hạn và tiết kiệm không kỳ hạn).
CASA của hệ thống NH Việt Nam chiếm khoảng 20% trên tổng vốn huy động. NH có thể lấy nguồn đó để tham dự vào tổ hợp tín dụng, từ đó có thể cho vay ra với lãi suất rất thấp, khoảng 3%/năm.
Thể thức cho vay là kỳ hạn 3 năm, trong đó năm đầu ân hạn chỉ trả lãi không trả gốc (vì tại thời điểm này dịch bệnh có lẽ vẫn tiếp tục tác động tới các DN ít nhất 1 năm nữa); gốc và lãi được trả từ năm thứ 2 trở đi.
Đương nhiên đi kèm là những tiêu chí phân loại cụ thể rõ ràng DN nào được hưởng gói đó, không thể nói chung chung như gói 300.000 tỷ đồng trước đây là giúp DN bị tác động bởi dịch bệnh thì NH sẽ không thực hiện.
Về quản lý rủi ro, vì những DN vay được gói này đa phần là DN đang yếu nên phải rà soát, những DN nào chết lâm sàng không thể nào giúp họ được, vì DN kiệt quệ rồi dù có bơm bao nhiêu tiền chăng nữa cũng không thể cứu. NHNN phải cùng các NH xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để giúp các DN còn đủ sức tồn tại, có thể phục hồi sau dịch bệnh và có thể đóng góp được cho đất nước sau dịch bệnh.
Thêm vào đó phải dùng cơ chế bảo lãnh tín dụng (BLTD) để kiểm soát rủi ro. Chính phủ đã có Nghị định 34/2018 về quỹ BLTD, nhưng trong đó chỉ mới đề cập đến quỹ BLTD địa phương. Tôi đề nghị phải có quỹ BLTD quốc gia và có vốn điều lệ lớn đổ vào.
Quỹ BLTD đó sẽ bảo lãnh cho DN vay vốn NH theo chương trình trên. Chỉ có cách đó, NH mới dám cho vay. Nếu dùng hình thức đó, Chính phủ không phải bỏ tiền mà các NH lại có thể kiểm soát được rủi ro, giúp được DN, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Còn nếu cứ lẩn quẩn các gói như đã triển khai thời gian qua với thông tin giải ngân rất hạn chế, hay đang dự kiến gói 100.000 tỷ đồng cũng giống như treo “bánh vẽ”, trong khi thực chất DN không được thụ hưởng hiệu quả.
- Xin cảm ơn ông.