Mặc dù có thể cân đối được tài chính và dòng tiền để trả khoản nợ vay từ China Eximbank, nhưng Vinachem cũng như Đạm Ninh Bình đều kiến nghị Chính phủ trả nợ thay, trong khi không đưa ra được phương án để tái cơ cấu doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả.
Theo phương án đề xuất của Vinachem, tập đoàn này sẽ chỉ trả nợ lãi và phí, còn Chính phủ sẽ trả khoản nợ gốc trên trong 5 năm tới, bắt đầu từ 21-7-2017 đến 21-1-2022. Nghĩa là từ năm 2017-2022 ngân sách nhà nước sẽ phải ứng vốn để trả nợ cho phía Trung Quốc thay cho Vinachem tương ứng số tiền trên. Từ vụ việc này, câu hỏi đặt ra hiện có bao nhiêu dự án Chính phủ vay về cho vay lại đang được dùng ngân sách để trả thay?
Dự án Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, thậm chí phá sản của Bộ Công Thương. Tổng nợ phải trả của 12 dự án này hơn 55.000 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, nếu đồng ý với đề xuất của Vinachem, Chính phủ sẽ mở đường tạo tiền lệ cho hàng loạt dự án thua lỗ khác. Đó là việc sẽ có tiếp 11 đề xuất xin trả nợ thay cho 11 dự án, nhà máy đang làm ăn thua lỗ, đắp chiếu còn lại. Nhìn rộng ra, tính đến hết năm 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh hơn 459.000 tỷ đồng (khoảng 21 tỷ USD), bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC - tiền thân là Vinashin), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công. Vốn bảo lãnh chủ yếu tập trung các lĩnh vực như than, điện, dầu khí. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số vay nợ 9,7 tỷ USD; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được Chính phủ bảo lãnh vay 2,4 tỷ USD; Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) 647 triệu USD…
Con số gần 21 tỷ USD trên không khỏi khiến nhiều người giật mình. Và nếu cộng tất cả dự án đầu tư thua lỗ, đắp chiếu, trùm mền trên cả nước, con số đó là vô cùng lớn. Không xót xa sao được khi hàng trăm ngàn tỷ đồng ấy là gánh nặng của quốc gia, kìm hãm sự phát triển và sẽ đè lên tương lai con cháu chúng ta. Lẽ ra bất kể dự án nào, dù là sử dụng vốn vay hay sử dụng tiền thuế của người dân đóng góp, những người đứng đầu dự án phải có trách nhiệm từ khâu lập dự án cho đến triển khai. Chẳng biết những người có trách nhiệm phê duyệt và những người đứng đầu các dự án thua lỗ có ý thức rằng: Tiền đi vay hôm nay chính là gánh nặng của tương lai hay không?
Bảo lãnh Chính phủ rất cần thiết với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, với những dự án cần vốn, bảo lãnh nợ đúng dự án, đúng đối tượng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Khi có bảo lãnh Chính phủ các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng, yên tâm đổ tiền vào đầu tư. Song không có nghĩa các doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh vay, khi làm ăn thua lỗ lại đẩy cục nợ sang Chính phủ, như đề nghị của Vinachem. Nguy hiểm hơn khi khoản vay bảo lãnh không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng đến tín nhiệm của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp và ảnh hưởng các khoản vay sau. Chưa kể mặt bất lợi của bảo lãnh nợ Chính phủ do liên quan đến chi ngân sách sẽ khiến nợ công trước sau cũng tăng lên.
Để giảm trách nhiệm trả nợ của Chính phủ cho doanh nghiệp, một nguyên lý rất đơn giản là Chính phủ không cần hoặc giảm đến mức tối đa việc bảo lãnh vay cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn, tư duy chính sách cần phải thay đổi, thí dụ như chính sách ngành. Chẳng hạn, đối với ngành thép, nếu doanh nghiệp thép nào thua lỗ, hãy để nó phá sản, không thể xin ưu đãi để cứu một doanh nghiệp thua lỗ. Bởi lẽ, nguồn lực quốc gia là để đầu tư vào những doanh nghiệp kinh doanh tốt, không phải để ưu ái “giải cứu” những DN thua lỗ, không có triển vọng. Theo nguyên tắc thị trường lời ăn, lỗ chịu. Có lợi anh thu, thua lỗ phải gánh, không thể đùn đẩy cho ai.
Vấn đề đặt ra là cần xử lý nghiêm trách nhiệm những lãnh đạo doanh nghiệp để thua lỗ dẫn tới tăng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Nếu có những hành vi cố ý vi phạm pháp luật cần phải được xử lý, truy thu được tài sản về cho Nhà nước. Có như vậy người dân mới không phải è lưng gánh những món nợ triệu tỷ đồng.