'Làng nguyên thủy' Hang Táu, Mộc Châu

(ĐTTCO) - Không điện, không sóng, không internet... Hang Táu, Mộc Châu, Sơn La được những người yêu du lịch gọi vui là "làng nguyên thủy".
Cổng vào Hang Táu, du khách dừng xe và đi bộ vào làng
Cổng vào Hang Táu, du khách dừng xe và đi bộ vào làng

Ngôi làng bình yên giữa núi rừng Tây Bắc

Nếu đã từng đến các tỉnh miền núi phía Bắc, chắc hẳn du khách không còn xa lạ với những bản làng của người dân tộc thiểu số. Dù vẫn mang nét hoang sơ, mộc mạc, truyền thống, cuộc sống của họ đã hiện đại dần lên bởi những chiếc bóng đèn, chiếc tivi len lỏi. Thế nhưng ở huyện Mộc Châu, Sơn La, vẫn tồn tại một ngôi làng ba không: không điện, không sóng điện thoại, không internet.

Hang Táu là một khu sản xuất rộng chừng hơn 1 ha, với 20 hộ dân người dân tộc Mông thuộc bản Tà Số 1 sinh sống. Thực chất, họ vẫn có những ngôi nhà đầy đủ điện nước ở trên bản, tuy nhiên do quãng đường về bản khá xa, nên bà con sinh sống tại Hang Táu để thuận tiện cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Và họ rất hài lòng với cuộc sống yên bình nơi đây.

Hang Táu rộng lớn với thảm cỏ xanh mướt như thảo nguyên

Mỗi ngôi nhà đều treo một lá chờ Tổ quốc

Vì không có nhiều tiện nghi nên người dân ở Hang Táu tập trung làm việc và vui chơi ở chính ngôi làng của mình. Hàng ngày, họ lên nương làm đồng áng, lúa để ăn, ngô với mận để bán. Nước sinh hoạt phải kéo từ các mó nước trên núi tự nhiên để sử dụng. Một số người sẽ ra ngoài để đi làm thuê một thời gian để trang trải thêm.

Từ khi còn nhỏ, người phụ nữ Mông đã biết đến việc thêu thùa, tự tay làm nên bộ trang phục truyền thống. Khi tới đây, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ ngồi một góc nào đó để thêu. Một bộ váy của phụ nữ Mông mất từ 4 tháng cho tới một năm để hoàn thiện nên giá bán ra khoảng 2 triệu đồng/ bộ.

Người phụ nữ Mông với công việc thêu váy yêu thích

Những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa trong bầu không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc

Một thảm cỏ xanh mướt có những dãy núi bao quanh, một vài loại gia súc chạy loanh quanh, xa xa là những ngôi nhà sàn truyền thống, tất cả đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên yên bình và sống động ở Hang Táu, Mộc Châu.

Đời sống khởi sắc nhờ vào du lịch

Với khung cảnh thơ mộng không dễ tìm thấy ở bất cứ đâu, Hang Táu dần được khách du lịch biết đến trong khoảng 2 năm nay. Cũng từ đó, người dân bắt đầu có thêm thu nhập và cố gắng tạo ra các dịch vụ để kiếm thêm thu nhập.

Trước đây, chị Sồng Thị Say (28 tuổi, Hang Táu, Chiềng Hắc, Mộc Châu) từng đi làm công nhân ở Hải Phòng. Kể từ khi có khách, chị chuyển hướng làm du lịch ở chính nơi mình sống. Bốn tháng trước, hai vợ chồng chị đầu tư 50 triệu đồng để mua một con ngựa. Với mỗi lần trải nghiệm cưỡi ngựa, khách sẽ gửi chị 100.000 đồng. Theo chị Say, có nhiều đoàn thích cắm trại qua đêm, nên chị đầu tư một số đồ camping để đáp ứng nhu cầu của khách.

Chị Say hướng dẫn du khách cách cưỡi ngựa

Còn gia đình anh La đã mua con ngựa trắng được hơn một năm nay. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, anh xen kẽ làm thêm du lịch. Thực phẩm vốn dĩ tự cung tự cấp, nên khách thích mua gì thì nhà anh cũng bán, từ rau củ quả đến gia súc, gia cầm. Nếu khách có nhu cầu nghỉ ngơi ăn trưa thì gia đình anh cũng phục vụ mâm cơm đủ gà, lợn,… với giá tầm 200.000 đồng/ người.

Nếu du khách muốn ăn trưa tại Hang Táu thì liên hệ trước với anh La, số điện thoại 0344651037

Du khách có những phút giây sống chậm hòa mình vào thiên nhiên hoang dã

Hiện vé vào Hang Táu là 30.000 đồng/ người, số tiền thu được từ du lịch dùng để đầu tư để làm nhà vệ sinh, nhà ăn chung và phục vụ các công tác bảo tồn. Chính quyền địa phương khuyến khích người dân giữ nguyên những nét hoang sơ của Hang Táu, không xây dựng nhiều để bảo tồn cảnh quan và nét đẹp văn hóa.

Chia sẻ về cuộc sống của mình, chị Say tỏ ra rất hài lòng và hạnh phúc. Cuộc sống ở đây êm đềm, bình dị, các hộ dân không cãi cọ hay xảy ra xung đột.

Chị Say còn được xuống huyện để tham gia 5 buổi tập huấn về du lịch bền vững. Điều chị nhớ nhất: khi có khách đến thì điều quan trọng nhất là phải tôn trọng khách. Chị nói thêm, vì ngày xưa chị không được đi học, nên chị muốn nỗ lực để cho con được đến trường. Và du lịch bản địa bền vững ở chính nơi chị đang sống sẽ phần nào giúp chị hiện thực hóa được ước mơ của mình.

Các tin khác