Lãng phí trong khai thác quỹ đất

(ĐTTCO) - Hiện nay nhiều khu đất bị bỏ hoang không đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, hoặc không thu hút được nhà đầu tư gây lãng phí, đã kìm hãm sự phát triển chung của đất nước. Một trong những nguyên nhân chính gây nên thực trạng này do quy hoạch không sát với thực tiễn, không vì sự nghiệp phát triển chung của một số cơ quan, đơn vị đang giữ đất.

Bộ ngành “ôm đất”
Năm 1983, UBND TPHCM cấp phép cho đơn vị nghiên cứu SK5 (thuộc Bộ Y tế) khu đất có diện tích 10.887m2 ở địa chỉ 75/4 Phan Văn Hớn (thực tế là mặt tiền Phan Văn Hớn) để trồng, nghiên cứu dược liệu quý, thời hạn cấp phép 10 năm. Trong quyết định nêu rõ, sau 12 tháng nếu không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích sẽ thu hồi giấy phép. Sau đó, đơn vị nghiên cứu SK5 lần lượt đổi tên thành Trung tâm Sâm Việt Nam, Liên hiệp Khoa học sản xuất sâm và dược liệu, và nay là Trung tâm Sâm và dược liệu TPHCM. Theo hồ sơ, quá trình sử dụng khu đất trên được sở chuyên ngành và chính quyền địa phương đánh giá không hiệu quả, bỏ hoang, thậm chí cho doanh nghiệp thuê lại. 
Tháng 5-1999, Sở Địa chính - Nhà đất TPHCM, nay là Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), có Tờ trình 7210 đánh giá Trung tâm Sâm và dược liệu không còn sử dụng đúng mục đích ban đầu, nhà đất bị bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả, vi phạm quy định Luật Đất đai. Đến ngày 1-3-2002, UBND TPHCM ban hành quyết định thu hồi khu đất trên và tạm giao cho UBND quận 12 xây dựng trường học. 
Lãng phí trong khai thác quỹ đất ảnh 1 Khu đất hơn 10.000m2 UBND TPHCM giao cho một đơn vị của Bộ Y tế khai thác không hiệu quả, đã quyết định thu hồi để xây trường học nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao. 
Theo kết quả kiểm đếm hồi tháng 4-2007, khu đất này có 21 hạng mục kiến trúc, 3 căn nhà của hộ dân và 104 loại cây, trong đó có 69 cây dược liệu, 35 cây ăn trái và hoa màu. 4 năm sau (năm 2011), tổ công tác một lần nữa kiểm đếm, đánh giá hiện trạng so với thời điểm năm 2007 rất hoang tàn, chủ yếu còn lại vườn cây tạp như bạch đàn, táo, chuối, bụi sả…; không có công nhân trực tiếp sản xuất hay bảo quản, chăm sóc, chỉ có 1 bảo vệ trông coi. Với kết quả trên, Sở TN-MT TPHCM đánh giá trung tâm này không còn hoạt động.
Thế nhưng, Công văn 207/VDL ngày 14-6-2011 của Viện Dược liệu Trung ương về việc xác định chi phí đầu tư thực tế gửi Bộ Y tế, lại viết: “Hiện nay, số loài cây thuốc của vườn đang phát triển ổn định là kết quả của nhiều năm thuần hóa, không thể di dời, nhiều loại cá thể còn rất nhỏ khó có thể thu được từ tự nhiên, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng…”. Do vậy, Viện Dược liệu kiến nghị Bộ Y tế có văn bản đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các ban ngành không tiến hành các động thái liên quan đến vườn cây.
Cuối cùng, trên cơ sở báo cáo và đề xuất phương án xử lý nhà đất số 75/4 Phan Văn Hớn của Bộ Tài chính, ngày 23-6-2014, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ giao Bộ Y tế làm việc với UBND TPHCM để bố trí vị trí đất mới phù hợp với công tác duy trì, phát triển vườn dược liệu và thực hiện lộ trình di dời, bàn giao cơ sở nhà đất nêu trên cho TPHCM xây dựng trường học theo quy hoạch. Vậy nhưng, suốt nhiều năm qua, dù các cơ quan chức năng TPHCM đã chủ động tìm các khu đất phù hợp để hoán đổi, song đến nay lãnh đạo UBND quận 12 vẫn chưa biết khi nào mới có thể thực hiện quyết định thu hồi khu đất, trong khi nhu cầu mở rộng trường học rất cấp thiết.

Quy hoạch thiếu khả thi
Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM vừa có văn bản kiến nghị gửi UBND TPHCM về việc xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TP tổ chức lập quy hoạch phân khu của khu đô thị (KĐT) Tây Bắc (Củ Chi), theo hướng thay đổi quy mô diện tích KĐT giảm từ 6.084ha xuống còn 4.410ha; tách khu dân cư hiện hữu với dân số quy hoạch khoảng 85.000 người đến năm 2025; điều chỉnh quy mô dân số từ 300.000 người lên 600.000 người cho toàn khu; giảm diện tích khu đào tạo đại học từ 306ha xuống khoảng 150ha và giữ nguyên quy mô đào tạo, nghiên cứu...
Theo Sở QH-KT, việc TP xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh lập đồ án phân khu tỷ lệ 1/5.000 cho KĐT Tây Bắc nhằm phù hợp với tình hình thực tế là hết sức cần thiết. TP mong muốn việc điều chỉnh sớm thực hiện, sẽ là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong toàn khu. 
Theo quy hoạch cũ, KĐT Tây Bắc có quy mô lớn, trải dài trên địa bàn huyện Củ Chi, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998, sau đó cập nhật, kế thừa trong Quyết định 24 năm 2010. Năm 2005, UBND TPHCM phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 tại Quyết định 6079, và tiếp tục phê duyệt tại Quyết định 4919 (ngày 29-10-2009) với quy mô dân số 300.000 người. TP cũng tiến hành lập và phê duyệt 11 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 trong toàn bộ KĐT Tây Bắc.
Tuy nhiên, đến nay KĐT này vẫn chưa triển khai được theo quy hoạch được duyệt. Nguyên nhân do việc đền bù, giải phóng mặt bằng các khu dân cư hiện hữu trong ranh giới quy hoạch KĐT chưa thực hiện được, dẫn đến tình trạng bức xúc, khiếu kiện. Đặc biệt là khu vực tập trung các hộ dân đã sinh sống từ trước dọc theo Quốc lộ 22, với tổng diện tích khoảng 1.674,2ha. Quy hoạch "treo" kéo dài nhiều năm đã tác động tiêu cực đến đời sống người dân cũng như công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn huyện, gây lãng phí nguồn lực đất đai. 
Trao đổi với ĐTTC, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết tại Hội nghị Xúc tiến thu hút đầu tư vào 2 huyện Củ Chi và Hóc Môn được UBND TPHCM tổ chức vừa qua, theo đánh giá của các chuyên gia, nhà đầu tư, vùng đất này còn nhiều tiềm năng, nhiều dư địa để phát triển. Từ nhiều năm trước, KĐT Tây Bắc đã được quy hoạch, nhiều dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư, kêu gọi đầu tư, nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chưa được triển khai hoặc chưa thu hút được nhà đầu tư. 
Theo bà Thanh Hiền, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai quy hoạch chậm, kém thu hút nhà đầu tư vào khu vực Tây Bắc nói chung và huyện Củ Chi nói riêng trong thời gian do hạ tầng giao thông, kết nối giao thông với khu vực trung tâm TP và lân cận chưa đáp ứng yêu cầu; công tác đền bù giải tỏa còn khó khăn do dự án kéo dài... 
“Về việc Sở QH-KT kiến nghị UBND TP xin ý kiến Thủ tướng điều chỉnh lập đồ án phân khu tỷ lệ 1/5.000 cho KĐT Tây Bắc, chúng tôi mong muốn sớm được thông qua để thực hiện, sẽ là cơ sở thu hút các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong toàn khu” - bà Hiền cho biết.  

Các tin khác