Lạm phát 2022 sẽ được kìm hãm
Trong tuần qua, giới quan sát nói nhiều về 2 tin đáng chú ý liên quan đến lạm phát thế giới. Thứ nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng, đã đến lúc bỏ từ “tạm thời” khi nói về lạm phát.
Điều này đồng nghĩa với việc Fed thừa nhận quan điểm lạm phát “tạm thời” của nhiều thành viên hội đồng chính sách tiền tệ FOMC của mình đã sai. Đồng thời ông cũng phát ra tín hiệu Fed sẽ có thể đẩy nhanh tiến trình “khóa van”, chỉ việc giảm mua trái phiếu chính phủ trên thị trường.
Thứ hai, giá dầu giảm mạnh xuống dưới mốc 70 USD/thùng sau thông tin về chủng virus mới, và duy trì ở mức đó sau khi khối OPEC+ đồng ý tiếp tục tăng sản lượng lên 400.000 thùng dầu/ngày từ đầu tháng 1-2022. Trước đó, giới phân tích lo ngại chủng virus mới và việc Mỹ cùng một số nước quyết định bán dầu dự trữ ra can thiệp, sẽ khiến OPEC+ dừng tiến trình tăng sản lượng dầu.
2 tin này chỉ về cùng một hướng: lạm phát sẽ có xu hướng được kiểm soát lại. Fed nhìn nhận sai lầm khi đánh giá lạm phát là “tạm thời”, cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng kiểm soát lạm phát không tăng mạnh nữa, mà đầu tiên là đẩy nhanh tiến trình giảm bơm tiền.
Kế đến, giá năng lượng cao là một nguyên nhân quan trọng đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao. Giá năng lượng được kiểm soát sẽ làm giảm áp lực lạm phát ở nhiều nước.
Vào cuối tháng 11, trong bài viết đưa tin lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu lên tới 4,9%, cao nhất trong 25 năm qua ở khu vực kinh tế 19 thành viên này, Reuters cũng ghi nhận ý kiến đánh giá của nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả những lãnh đạo ECB, rằng có thể lạm phát đã đạt đỉnh.
Một số nhân tố gây lạm phát cao trong năm 2021 có thể vẫn tiếp tục dai dẳng và kéo dài sang 2022, thí dụ như đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu lao động. Tuy nhiên, mức độ đứt gãy và áp lực lên giá cả sẽ có thể không còn cao như năm 2021 nữa.
Nói cách khác, lạm phát có thể sẽ không nhanh chóng trượt mạnh từ mức 5-6% của năm 2021 ở Mỹ và châu Âu xuống 2% như mục tiêu dài hạn ngay, nhưng có thể duy trì ở mức dưới 4%. Nói cách khác, những khó khăn do lạm phát gây ra cho những doanh nghiệp Âu, Mỹ sẽ không biến mất trong 2022, nhưng nó không khuếch đại hơn nữa mà dần bình ổn.
Khi chuỗi cung ứng và thị trường lao động khôi phục trở lại, hoặc khi công ty tìm ra cách sống chung với một thị trường lao động mới, cũng như một trạng thái chuỗi cung ứng mới hậu Covid, mọi việc sẽ khả quan hơn.
Việt Nam có lệch pha với thế giới?
Đồng ý với nhận định của tôi về chuyện lạm phát thế giới, nhưng một chuyên gia tài chính tiền tệ đang làm việc ở một ngân hàng Việt Nam đặt lại vấn đề :“Liệu Việt Nam có lệch pha với thế giới?”
Đây là một câu hỏi hay.
Cho đến nay, châu Âu và Mỹ đã khôi phục đáng kể hoạt động sản xuất, thể hiện qua việc hầu hết các chỉ số trong Community Mobility Reports đều đã trở lại gần với trạng thái trước dịch, nhất là các hoạt động ở khu vực bán lẻ, vui chơi, giải trí (ngoại trừ hoạt động tại các văn phòng vẫn dưới mức trước dịch khoảng 20-30%, vì nhiều người vẫn tiếp tục lối sống làm việc từ xa). Điều tương tự diễn ra ở Thái Lan và Singapore, thậm chí có phần tốt hơn châu Âu.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các hoạt động ở khu vực bán lẻ, công viên và giao thông được ghi nhận vẫn thấp hơn giai đoạn trước dịch từ 23% đến 45%. Điều này hàm ý rằng chúng ta vẫn chưa trở lại “gần bình thường” được như những nước khác. Đứt gãy sản xuất, thiếu lao động ở ta sẽ cần nhiều thời gian hơn để cải thiện.
Ở Việt Nam, nỗi sợ Covid vẫn còn lớn ở một số địa phương, đến nỗi có nơi như Đà Lạt xảy ra chuyện “Ở đây không bán cho người Sài Gòn”, thể hiện một sự sợ hãi và cục bộ địa phương trong chống dịch. Hệ quả của nó lên đứt gãy chuỗi cung ứng và sự dịch chuyển của lực lượng lao động có thể sẽ rất lớn, dẫn đến chi phí sản xuất và chi phí lao động đều có thể tăng, do đó có thể đẩy giá tăng.
Lập luận này hợp lý, nhưng bỏ qua một điều: sức cầu. Nếu nền kinh tế tiếp tục hoạt động ở trạng thái cầm chừng như vậy, thì sức cầu có thể không tăng mạnh, và do đó sẽ hạn chế mức độ tăng giá trong nền kinh tế.
Điều này thể hiện qua việc mức tăng lạm phát của cả nền kinh tế trong tháng 11 và cả năm 2021 đến lúc này vẫn thấp. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng chỉ tăng 0,82%.
Đây không phải là một con số đáng lạc quan, bởi vì nó thể hiện là nền kinh tế vẫn đang hồi phục một cách chậm chạp, chứ không có sự bùng nổ trong nhu cầu như kiểu lò xo bị nén rồi bung ra ở những nước đang lạm phát 5-6% như hiện nay. Một số chi phí sản xuất vẫn tăng, trong khi giá tiêu dùng bình quân không tăng sẽ khiến lợi nhuận doanh nghiệp thu hẹp, thậm chí thua lỗ. Đây là trạng thái không tốt cho nền kinh tế.
Để hóa giải bài toán này, một gói kích thích kinh tế dựa chủ yếu vào chi tiêu công phải được thúc đẩy, nhắm vào giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn và khôi phục chuỗi sản xuất, thu hút lao động quay lại làm việc. Khi một gói kích thích kinh tế như vậy được đưa ra, nó cũng có thể dẫn đến kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nó đồng thời giúp duy trì và khôi phục lại chuỗi cung ứng, hóa giải điểm nghẽn về nguồn cung. Hiệu ứng cuối cùng có thể vẫn là đẩy lạm phát lên thêm một chút, nhưng không phải rất cao như người ta lo sợ.
Chống dịch không nên làm kinh tế đứt gãy nặng nề, và càng không nên làm cho đời sống người dân khó khăn hơn thông qua việc làm hạn chế nguồn cung hàng hóa, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Không phải nỗi lo về các gói kích cầu gây lạm phát, mà chính cách chống dịch gây đứt gãy sản xuất mới là nguyên nhân đẩy giá cả tăng.
Biện pháp chống lạm phát thiết thực nhất vẫn là cần phải loại bỏ các quy định “ngăn sông cấm chợ”, khiến người dân không dám kinh doanh buôn bán, di chuyển bình thường ở các tỉnh thành, trái với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ. |