Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Nhiều vấn đề nóng bỏng từ thực tiễn thời gian qua được các ĐBQH mổ xẻ.
Có thể cho phá sản nếu DNNN không trả được nợ
Theo Chính phủ, sau 7 năm triển khai thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước.
Tuy vậy, luật khi đi vào thực tế cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập: chưa có phân định rõ ràng và sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa quản lý nợ công, quản lý ngân sách và quản lý đầu tư công; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ…
Vì vậy, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ, gắn trách nhiệm trong quản lý, điều hành nợ công. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán hàng năm về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay của các chương trình, dự án và quản lý nợ công, báo cáo Quốc hội; thực hiện kế hoạch kiểm toán hàng năm, kiểm toán chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng bổ sung quy định về giám sát, sử dụng nợ công để đảm bảo việc huy động, phân bổ, sử dụng nợ công đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình. Đồng thời bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nợ công và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm.
Về cho vay lại, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn điều kiện này, doanh nghiệp vay lại phải có: tình hình tài chính lành mạnh, không bị lỗ trong 3 năm liền kề; nợ quá hạn không quá 5%; không có nợ quá hạn liên quan đến các khoản vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; tổng mức dư nợ vay lại chịu rủi ro tín dụng không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu thực có của từng tổ chức tài chính - tín dụng tại thời điểm xem xét cho vay lại; được ít nhất 1 trong số các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp hạng tín nhiệm ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn 1 bậc so với xếp hạng tín nhiệm quốc gia…
Vấn đề được dư luận quan tâm lâu nay là nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tính vào nợ công hay không.
Vấn đề được dư luận quan tâm lâu nay là nợ của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tính vào nợ công hay không.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, chỉ tính nợ tự vay, tự trả của DNNN vào nợ công nếu thỏa mãn đồng thời 3 điều kiện: Chính phủ sở hữu trên 50% vốn của DN; hoạt động thu, chi của DNNN được kết cấu trong dự toán ngân sách hàng năm; Chính phủ cam kết trả nợ thay trong trường hợp DN mất khả năng trả nợ.
Đối với Việt Nam, các khoản DNNN vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản vay của DNNN được Chính phủ bảo lãnh đã được tính trong nợ công (tính trong nợ Chính phủ và nợ Chính phủ bảo lãnh). Đối với các khoản vay theo cơ chế tự vay tự trả, DNNN là công ty TNHH một thành viên, hoạt động bình đẳng với các DN khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và hoạt động thu chi không gắn với dự toán ngân sách. Các nhiệm vụ được Nhà nước giao sẽ thực hiện thông qua đặt hàng hoặc tính vào giá, phí.
Bên cạnh đó, công tác huy động, sử dụng vốn vay của các DNNN còn chịu quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014. Trường hợp DNNN gặp khó khăn trong trả nợ vay lại, nợ được Chính phủ bảo lãnh thì sẽ xử lý theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Đối với các khoản nợ tự vay tự trả, nếu gặp khó khăn thì xử lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp DNNN gặp khó khăn trả nợ thì xử lý theo quy định của Luật Phá sản để bình đẳng như đối với các DN ngoài quốc doanh.
Theo dự thảo luật, Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến trong ủy ban đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công. Trong đó, bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay... vì quy định như dự thảo luật là chưa phù hợp với yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%
Vấn đề tăng trưởng bao nhiêu trong bối cảnh hiện nay được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Trần Thị Thanh Lam (Bến Tre) băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, vì thực tế tăng trưởng quý 1-2017 mới chỉ đạt 5,1%. ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, Chính phủ nên kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá dựa vào các tập đoàn lớn của nước ngoài, bởi khi họ gặp rủi ro sẽ tác động tới GDP, thay vào đó cần nâng cao các tập đoàn tự chủ của nước ta, đặc biệt là tập đoàn kinh tế tư nhân.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng kết quả tăng trưởng GDP 2017 sẽ tốt hơn. Theo Thủ tướng, ngoài 2 nguyên nhân khách quan làm ảnh hưởng đến tăng trưởng quý 1 là khai thác dầu khí giảm 3 triệu tấn và Samsung Việt Nam hao hụt doanh thu do sự cố cháy nổ điện thoại, thì còn nguyên nhân khác là việc giải ngân chậm vốn đầu tư công. “Thủ tục đầu tư công rất phức tạp, vòng lên lại vòng xuống. Đưa ra Hội đồng nhân dân lại trở lên, trở lên nữa. Ba lần như vậy rất mất thời gian và đó cũng là khuyết điểm chung của hệ thống chúng ta”, Thủ tướng nêu thực tế.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn, cố gắng tối đa để thúc đẩy việc tăng trưởng. Chính phủ đã tính toán từng mặt hàng, từng yếu tố, từng cấu phần tăng trưởng để thúc đẩy tốt hơn. Ví dụ đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng; nông nghiệp phải đạt tăng trưởng 3,5%; du lịch phải tăng 30%; sản xuất công nghiệp, trong đó có điện tử đang tăng trên đà tốt.
Nhiều năm chưa giải quyết được vấn nạn cát tặc
Hàng loạt các vấn đề xã hội vừa qua xảy ra cũng khiến người dân rất bức xúc, như hàng loạt cán bộ sai phạm, nhiều vụ bổ nhiệm cán bộ có vấn đề; rồi nạn cát tặc, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, khiếu kiện tràn lan... khiến cho tình hình không mấy sáng sủa, lòng dân không yên. “Hàng loạt các vấn đề xã hội lớn nhưng chưa thấy Chính phủ có giải pháp, chính sách chăm lo con người, như vấn đề đời sống của người nông dân, công nhân còn nhiều khó khăn. Nông dân là người làm ra của cải nhưng hưởng lợi lớn lại là các nấc trung gian…”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, báo cáo của Chính phủ cần có giải pháp sâu về bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo vệ di sản. Hàng loạt các ứng xử vừa qua đối với Sơn Trà, Cát Bà, Sơn Đoòng, chùa Cầu - Hội An... đòi hỏi phải có chính sách đủ mạnh hơn nữa để bảo vệ thiên nhiên, di sản. ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết tới đây sẽ chất vấn vấn đề cát tặc. Bởi nạn khai thác cát với những hệ lụy trầm trọng của nó là điều mà cử tri, nhân dân rất bức xúc. Báo cáo kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội cũng đề cập rất nhiều lần nhưng đến nay chưa chuyển biến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận còn nhiều bất cập trong cải cách hành chính, công tác nắm dân, an ninh trật tự, khai thác cát lòng sông và quản lý một số loại tội phạm mới. Nguyên nhân, chuyển động chưa đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhất là hệ thống dưới phường, quận, sở, ngành còn nhiều vấn đề.
Có thể Bộ trưởng nắm vấn đề tốt nhưng tinh thần đổi mới quyết liệt, cải cách, hội nhập để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ở các vụ, cấp chuyên viên còn nhiều bất cập. Có một bộ phận cán bộ còn chưa gắn trách nhiệm của mình một cách đầy đủ trong thực thi công vụ, nên sự nghiệp đổi mới, nhận thức và hành động của cả hệ thống chúng ta chưa tốt, chưa đồng bộ.