Lo ngại tăng thuế ô tô dưới 9 chỗ

(ĐTTCO) -Sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô dưới 9 chỗ, bao gồm cả dòng xe vừa chở người, vừa chở hàng, xe chạy bằng xăng kết hợp điện, là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế. 
Lo ngại tăng thuế ô tô dưới 9 chỗ
Tuy nhiên, đề xuất này đang gặp phải nhiều ý kiến lo ngại, phản đối từ một số bộ ngành, cho rằng việc tăng thuế TTĐB không thực sự khuyến khích ngành ô tô trong nước phát triển.
Giá xe sẽ tăng theo thuế
Trong tờ trình mới nhất của dự thảo luật gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB là để điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng, trong đó có ô tô dưới 9 chỗ ngồi, nhằm thực hiện các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia.
Có 2 phương án tăng thuế được đề xuất: Phương án 1, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra, tương ứng với mức thuế 35-150% tùy theo dung tích xi lanh. Phương án 2, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. 
 Đề xuất của Bộ Tài chính về giá tính thuế TTĐB mới “đối với xe đến 9 chỗ ngồi, căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của các nhà lắp ráp trong nước được trừ đi giá trị của các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”, sẽ tạo ra sân chơi không bình đẳng đối với các nhà sản xuất ô tô nói chung và không tuân thủ những cam kết của Việt Nam với WTO.
Kiến nghị của VAMA
Về điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô vừa chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện, Luật thuế TTĐB hiện hành quy định xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% năng lượng sử dụng áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại.
Tuy nhiên, do quy định chưa rõ, một số doanh nghiệp đã đề nghị áp dụng ưu đãi thuế TTĐB đối với xe Hybrid (năng lượng điện có được do chuyển hóa từ nhiên liệu xăng, như các loại xe Lexus dòng hL, Prius, Camry hybrid, Honda Insight). Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định rõ xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện được hưởng mức thuế suất 5-70%.
Thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe pick- up) cũng được điều chỉnh phù hợp với mục đích sử dụng. Với quy định hiện hành xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng áp dụng thuế suất thuế TTĐB 15-25% tùy theo dung tích xi lanh. Nhưng những năm qua, lượng xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng nhập khẩu, và tiêu dùng tăng nhanh nên loại xe này có thuế suất thuế TTĐB thấp bằng một nửa xe ô tô chở người có cùng số chỗ ngồi.
Để góp phần định hướng tiêu dùng loại xe vừa chở người vừa chở hàng và phù hợp với mục đích sử dụng, trong dự thảo luật sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh. Loại này chủ yếu có dung tích 2.000-3.000cm3, nên nếu thuế suất 55% như xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, mức thuế suất của xe bán tải sẽ tăng lên 33%.

Cân nhắc kỹ việc tăng thuế
Trong văn bản góp ý gửi đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề xuất phương án giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước được trừ đi giá linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước sẽ khuyến khích sản xuất lắp ráp, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô trong nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định trên để không vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử WTO và các hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam đã ký kết, nhất là những FTA có hiệu lực liên quan đến lĩnh vực ô tô.
Còn theo UBND Bắc Ninh nên giữ như quy định thuế suất TTĐB hiện hành, việc sửa đổi không lợp lý. Bởi giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của hàng hóa, dịch vụ chưa có thuế, trong khi sản phẩm hàng hóa ô tô dưới 9 chỗ ngồi là mặt hàng chịu thuế TTĐB, giá để tính thuế TTĐB, nên không thể trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đã được thực hiện thông qua kênh ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực ngành nghề được ưu tiên phát triển. Việc trừ đi phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước sẽ tạo ra nguy cơ không minh bạch, dễ bị lợi dụng đưa linh kiện nhập khẩu nhưng dán mác sản xuất trong nước để trục lợi, thực trạng này đã từng xảy ra.
Đồng quan điểm trên, UBND TP Hải Phòng kiến nghị việc giảm thuế TTĐB nhằm khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với hoạt động sản xuất xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phù hợp. Tuy nhiên, đây là mặt hàng chịu mức thuế TTĐB rất cao, việc giảm thuế dựa trên tiêu chí trừ đi phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước cần cân nhắc kỹ lưỡng, từ đó có kết luận cụ thể về lợi ích mang lại khi áp dụng chính sách thuế mới về thuế TTĐB đối với ngành sản xuất xe ô tô trong nước.
Căn cứ phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép được phân loại vào nhóm xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải) và được định danh với mã hàng HS 8704.21.29. Giống như xe ô tô tải khác, xe ô tô pick-up chở hàng cũng bị điều chỉnh bởi các quy định về niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng theo Nghị định 95/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 21/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT, chỉ có 25 năm sử dụng kể từ năm sản xuất trong khi ô tô SUV hoặc xe ô tô con có thể được sử dụng mãi mãi.
Vì những lý do nêu trên, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị Bộ Tài chính không thay đổi chính sách thuế TTĐB hiện hành đối với ô tô pick-up chở hàng hóa cabin kép, vì VAMA không thấy có bất kỳ lý do hợp lý nào để tăng mức thuế suất thuế TTĐB hiện tại cho ô tô pick-up chở hàng cabin kép.
Bên cạnh đó, nên xem xét các biện pháp khác nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô trong nước, thông qua các chính sách ưu đãi sản xuất, nhằm thu hẹp khoảng cách chi phí với các nhà sản xuất ở các nước có quy mô thị trường lớn hơn.

Các tin khác