Mùa xuân mới lại đang về khi những cánh hoa Pằng Tớ Dày nở đỏ thắm một góc trời Tây Bắc tại rẻo cao Mù Cang Chải (Yên Bái). Hoa nở, xuân sang mang theo bao hy vọng vẫy gọi nhiều người lên đường cùng hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Trong không gian ngập tràn sắc màu vui tươi, tất cả đều cầu mong mọi điều tốt lành, những gian khó, bệnh dịch của năm cũ sẽ qua đi.
Loài hoa của núi rừng
Khi không khí tết, xuân đang tràn về, chúng tôi bỗng nhận được cuộc gọi của anh Lý A Lù, trưởng bản Chống Páo Sang, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Anh Lù vừa gọi, vừa giục: “Các cô chú lên ngay đi, Pằng Tớ Dày đang nở rộ rồi, chỉ vài ba tuần nữa nó lại tàn, không lên kịp để ngắm thì phí lắm đấy”. Trước đó, sau nhiều chuyến lên Mù Cang Chải ngắm lúa chín, săn mùa nước đổ… chúng tôi đã làm quen được và gửi số điện thoại lại chỗ anh Lý A Lù. May mắn anh còn nhớ đến chúng tôi để báo tin hoa Pằng Tớ Dày nở sẽ gọi lên chơi.
Xuất phát từ Hà Nội, chúng tôi rong ruổi trên cung đường 32 huyền thoại ngược lên Tây Bắc. Sau 260km, mọi người dừng nghỉ tại chợ Ngã Ba Kim, trước khi ngược dốc lên Trung tâm xã La Pán Tẩn. Tuy đường lên xã được đổ bê tông, nhưng nhiều con dốc dựng đứng liên tục dài 4-5km làm người điều khiển xe máy phải tập trung cao độ. Xã La Pán Tẩn ở độ cao gần 1.500m đón chúng tôi bằng những cơn gió rét cầm cập, mưa phùn ùa tới lạnh cóng.
Vùng cao La Pán Tẩn vốn quá nổi tiếng với du khách đi săn mùa lúa chín với thắng cảnh Đồi Mâm Xôi, nơi có ruộng bậc thang vào loại đẹp nhất Tây Bắc. Nhưng săn vẻ đẹp loài hoa rừng Pằng Tớ Dày (dịch theo tiếng Mông có nghĩa là đào rừng) thì rất ít du khách phương xa thực hiện được. Lý do bởi đường đi hiểm trở, hoa lại chỉ nở dịp ngắn ngày, trong thời tiết lạnh giá cuối đông…
Chúng tôi được anh Hảng A Cổn, chủ một homestay người Mông cho biết, ở trung tâm xã không có hoa Pằng Tớ Dày, phải vào rừng trên bản Tả Chí Lừ và Chống Páo Sang, chỗ anh Lý A Lù mới có. Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm mặc áo, mũ thật ấm theo chân Hảng A Cổn lên bản. Theo A Cổn, nơi đây hầu như không có khách du lịch, bởi họ chỉ ở phía ngoài trung tâm xã để ngắm ruộng bậc thang. Sau vài cung đường ngoằn ngoèo lên cao, mọi người bắt đầu nhìn thấy thấp thoáng mái nhà của người Mông bên sườn núi. Xung quanh những nếp nhà đơn sơ, các loài hoa dại bắt đầu đổi màu khoe sắc.
Anh Lý A Lù hồ hởi khi được gặp lại chúng tôi, anh mời cả nhóm vào nhà uống nước trước khi đi lên rừng tìm hoa. Anh Lù kể: “Mấy năm trước, bà con thấy Pằng Tớ Dày đẹp quá, nên đã lấy hạt giống và chiết cành từ rừng về trồng xung quanh bản. Nhiều cây nhỏ nhỏ hiện cũng đang có hoa màu phớt hồng ở một góc bản”. Theo chân Lý A Lù, chúng tôi men theo con đường mòn người dân hay đi rừng để leo ngược lên núi cao. Khi đến lưng chừng núi, những cây hoa Pằng Tớ Dày cao to đã bung nở đỏ rực, nhuộm một góc rừng xanh. Theo những người Mông đi rừng lâu năm cho biết, Pằng Tớ Dày cổ thụ thường mọc ở nơi hiểm trở như bên vách đá, thung lũng sâu, trên sườn núi cheo leo…
Người Mông từ già đến trẻ chẳng biết Pằng Tớ Dày có ở rừng núi nơi đây từ bao giờ. Như một loài hoa dại có sức sống mãnh liệt nhất, chúng phải sinh tồn giữa sương mù, giá rét tê tái quanh năm. Từ dưới gốc ngước nhìn lên “cụ Pằng Tớ Dày”, chúng tôi được ngắm cả một khoảng đỏ thắm. Những bông hoa đỏ nhỏ xinh với 5 cánh kết thành từng chùm khi bung nở. Khi nhìn cận cảnh thấy bông hoa giống những chiếc chuông nhỏ màu đỏ rực đung đưa theo gió. Đứng từ trên mỏm núi cao nhìn về bốn phía, du khách sẽ thấy những cây Pằng Tớ Dày hoa nở đỏ xen giữa màu xanh thăm thẳm của núi rừng tô điểm vẻ đẹp rực rỡ vào bức tranh thiên nhiên hùng vỹ trên rẻo cao.
Theo anh Lý A Lù, Pằng Tớ Dày thường nở rộ khi thời tiết vào cuối đông, đầu xuân. Trong những ngày rét mướt nhất từ tháng 12 đến tháng 1 âm lịch, mỗi khi có nắng xuân, muôn nụ hoa chi chít trên cành sẽ đua nhau bung nở. Đây là loài hoa mang vẻ đẹp mong manh, “nhanh nở, chóng tàn”, khoe sắc liên tục qua những đợt nụ hoa thay nhau nở, rồi sau đó rụng rơi xào xạc xuống gốc.
Anh Lý A Lù và các vị trưởng thôn bản đều cho biết tất cả người Mông ở đây không bao giờ chặt phá, đem bán Pằng Tớ Dày. Hoa chỉ cần chặt lìa khỏi cây vài ba ngày sẽ tàn héo úa và rụng sạch. Chính vì thế bà con Mông quan niệm Pằng Tớ Dày chỉ đẹp khi tồn tại tự nhiên giữa núi rừng, cũng như tâm hồn giản dị, pha chút hoang dã của con người trên mảnh đất này.
Bản làng hân hoan đón Tết
Người Mông ở các bản Chống Páo Sang, Tả Chí Lừ… thuộc vùng sâu của xã La Pán Tẩn hàng năm chỉ đợi Pằng Tớ Dày nở rộ là rục rịch đón Tết cổ truyền của dân tộc mình, rồi khai hội mùa xuân. Từ đầu tháng 12 âm lịch, người dân nghỉ lên nương rẫy để đi chợ phiên mua sắm quần áo mới, thịt, kẹo… rồi trang trí nhà cửa đến đón Tết Mông (Tết Mông thường trước Tết Nguyên Đán của người Kinh khoảng 1 tháng).
Với người Mông ở La Pán Tẩn, hoa Pằng Tớ Dày nở chính là tín hiệu báo mùa xuân về. Đồng bào dân tộc quan niệm, những mùa hoa nở nhiều và đẹp sẽ là năm thời tiết thuận lợi mùa màng bội thu, vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt. Bà Mùa Thị Sa, một người cao tuổi ở bản cho biết: “Người Mông ở đây đều biết hoa Pằng Tớ Dày từ bé. Dân chúng tôi cứ lên núi thấy hoa nở là biết sắp đến thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Để núi rừng bản làng quê mình có cảnh sắc đẹp, những người cao tuổi thường dặn thế hệ con cháu phải bảo vệ rừng hoa Pằng Tớ Dày”.
Trên rừng hoa nở, dưới bản rộn ràng chuẩn bị đón tết, khai hội. Mọi người đem những chiếc áo, váy đẹp nhất đã để dành cả năm ra mặc. Rồi cùng nhau giã bột làm bánh giày, gói bánh tét… Bà con thấy hoa nở đẹp lại hào hứng cùng nhau mở hội Gầu Tào, hội Ném Pao, trẻ con chơi quay... Những chàng trai, cô gái diện áo váy cùng tiếng khèn, tiếng sáo dặt dìu chơi xuân, tình tứ bên nhau nơi sườn núi, ngắm hoa khoe sắc. Nhiều đôi trai gái đã lên duyên vợ chồng từ những mùa Pằng Tớ Dày nở đỏ.
Thậm chí, trên trang phục váy truyền thống của phụ nữ Mông ở các bản tại xã La Pán Tẩn còn thêu trang trí họa tiết bông hoa Pằng Tớ Dày bằng chỉ màu đỏ.
Theo khảo sát, hoa Pằng Tớ Dày chỉ mọc tự nhiên rải rác ở một số dãy núi cao thuộc huyện Mù Cang Chải, Yên Bái; huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Ông Hảng Xáy Chông, Chủ tịch xã La Pán Tẩn cho biết chính quyền địa phương đã phối hợp với ngành du lịch - văn hóa huyện, căn cứ vào những năm có mùa hoa nở đẹp sẽ tổ chức “Lễ hội hoa Pằng Tớ Dày”.
Ngoài ý nghĩa tạo sân chơi cho bà con, lễ hội hoa cũng để kích cầu du lịch, giới thiệu cảnh đẹp địa phương tới du khách gần xa. Một số người Mông trong các bản ở La Pán Tẩn mở homestay, phục vụ các món ăn truyền thống cho du khách ghé thăm mỗi dịp tết đến, xuân về.