Bà L.T. (quận 1, TPHCM) cho biết cách đây khoảng hơn 3 năm được người thân tặng cho một gói nghỉ dưỡng (theo dạng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ) tại CocoBay với giá trị hơn 50 triệu đồng và thời hạn sử dụng 15 năm. Bản thân bà T. đã sử dụng vài lần, nhưng khoảng gần 1 năm trở lại đây do không có nhu cầu sử dụng nên bà T. muốn sang nhượng lại gói nghỉ dưỡng này.
Vì có hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nên không ít lần bà T. nhận được cuộc gọi từ nhiều công ty hỏi có muốn cho thuê lại kỳ nghỉ hay không, nhưng nhờ “tỉnh táo” nên bà T. chưa nhận lời của bên nào thậm chí ngán ngẩm không nhận điện thoại từ số máy lạ vì lo sợ lừa đảo.
Thế nhưng xui rủi vào đầu tháng 4 vừa qua, trong một lần nghe điện từ số máy lạ cũng với lời mời cũ, bà T. đồng ý đến văn phòng. Đến rồi mới được giới thiệu là văn phòng của CTCP Đầu tư và Du lịch Green Holidays. Ban đầu nhân viên cho biết nếu cho thuê bà T. sẽ thu về 3 triệu đồng/đêm và chỉ cần chụp hình căn cước công dân cùng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là được.
Khi bà T. hỏi muốn sang nhượng kỳ nghỉ có được hay không. Lúc này thay vì nhân viên ban đầu tư vấn một người xưng là quản lý ra để nói chuyện. Theo lời tư vấn gói nghỉ dưỡng của bà T. có thể sang nhượng lại với mức giá 300-400 triệu đồng, nhưng phải nâng cấp thành gói VIP và chuyển thành sản phẩm của công ty.
“Số tiền sang nhượng hấp dẫn cùng những lời tư vấn đầy thuyết phục của người quản lý khiến tôi không còn tỉnh táo phân biệt thật giả” - bà T. bộc bạch. Để nâng cấp thành gói VIP bà T. sẽ phải đặt cọc 50 triệu đồng và sau đó đóng nốt 136 triệu. Theo như lời hứa sau một vài tuần khi bà T. đóng đủ tiền 186 triệu đồng thì kỳ nghỉ ban đầu sẽ được sang nhượng. Khi biết bà T. chỉ mang theo 500.000 đồng, nhân viên đã cực kỳ nhiệt tình theo bà về nhà lấy tiền cọc và ký hợp đồng. Với 56 triệu tiền mặt và số tiền mang theo ban đầu, bà T. đã đặt bút ký vào hợp đồng có tên “Xác nhận quyền lợi ưu tiên tại sự kiện điểm đặt cọc”.
Theo đó, tiền cọc là 56,5 triệu đồng và còn phải thanh toán 129,5 triệu đồng trong vòng 60 ngày. Thậm chí khi bà T. phân vân không biết lấy đâu ra 129 triệu đồng để hoàn thành hợp đồng vì bản thân là cán bộ hưu trí cũng không có thu nhập ngoài, nhân viên này còn tư vấn vay ngân hàng trả góp hay mở thẻ Visa.
Sau khi người của công ty ra về, bà T. cẩn thận suy nghĩ, nhìn lại hợp đồng thì tá hỏa vì lại ký vào hợp đồng mua sở hữu kỳ nghỉ mới của Green Holidays. Ngay hôm sau bà T. có quay lại gặp người quản lý thì người này lẩn tránh, nhưng cuối cùng cũng đồng ý gặp. Năn nỉ xin được rút lại tiền do bản thân chỉ có lương hưu không thể vay trả góp để hoàn thiện hợp đồng, song phía người quản lý kia vẫn một mực an ủi nói về cố gắng đóng hết tiền theo hợp đồng sau đó công ty sẽ ngay lập tức sang nhượng kỳ nghỉ. “Lời người quản lý lặp đi lặp lại là cô cứ an tâm con sẽ lo việc này cho cô, chỉ cần cô đóng đủ tiền theo hợp đồng công ty sẽ sang nhượng ngay và cô sẽ có một khoản tiền” - bà T. nhớ lại.
Trong lúc thiếu tỉnh táo ký hợp đồng bà T. đã không để ý dòng chữ được in đậm khoản cọc này không được hoàn trả trong bất kỳ trường hợp nào. Lúc này bà T. khẳng định bản thân đã bị lừa vì lòng tham (khi nghĩ tới khoản tiền sang nhượng 300-400 triệu đồng) nhưng lại không thể làm gì phía công ty vì bản thân không có ghi âm cuộc tư vấn sang nhượng và quan trọng hơn đã tự tay ký vào hợp đồng cọc để mua gói sở hữu kỳ nghỉ mới. Bây giờ chỉ có thể kể ra câu chuyện của chính mình như một lời cảnh tỉnh với người khác.
Trong vai một khách hàng, chúng tôi gọi điện thoại vào số nhân viên tư vấn ghi trên hợp đồng của bà T. thì không ai nghe máy. Vào trang web của công ty cũng không có bất cứ thông tin gì ngoài vài lời giới thiệu đơn giản và một dòng tin ngắn về hợp tác cùng Medlatec Thanh Xuân. Sau đó thử tìm kiếm về Green Holidays, chúng tôi phát hiện cũng có bài báo ghi lại câu chuyện của một cá nhân được công ty này hứa hẹn mua lại kỳ nghỉ mà cá nhân này đã mua của một công ty khác, nhưng trước khi muốn sang nhượng chủ sở hữu kỳ nghỉ phải liên tục phải đóng tiền ký quỹ và hoàn thành hợp đồng đại diện. Khi đã đóng vài chục triệu đồng những nạn nhân mới nghĩ đến dấu hiệu lừa đảo nhưng lại chẳng thể làm gì.
Liên quan đến những bẫy lừa đảo xung quanh việc mua bán, sang nhượng hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ các cơ quan chức năng và cả báo chí đã vào cuộc cảnh báo từ lâu và nói khá nhiều lần. Thế nhưng vì sao không ít người vẫn sập bẫy. Nguyên nhân đầu tiên có lẽ chính những người như bà T. đã nhìn nhận ra bởi lòng tham, muốn mua rẻ nhưng lại bán được giá, rồi cộng thêm những lời tư vấn như rót mật vào tai của nhân viên đã khiến những nạn nhân trở nên thiếu tỉnh táo. Để rồi cùng một công ty, báo chí đã phản ánh nhưng người sau lại tiếp tục vướng vào “bổn cũ soạn lại”.
Không biết sau bà T. còn có bao nhiêu người lại khổ sở vì những cái tên cũ như Green Holidays. Mong rằng khi những thông tin về công ty này lần nữa xuất hiện trên truyền thông các cơ quan chức năng có thể vào cuộc để làm rõ trắng đen, xử phạt nếu công ty thực sự có hành vi lừa đảo khách hàng.