Luật mới chỉ hạn chế chứ chưa thể 'chặt đứt' sở hữu chéo

(ĐTTCO) - Ngoài vấn đề về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thì dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi cũng là một vấn đề được người dân rất quan tâm.
Luật mới chỉ hạn chế chứ chưa thể 'chặt đứt' sở hữu chéo

Biến tướng qua nhiều tầng nấc

Nhiều năm về trước, xử lý sở hữu chéo (SHC) là một trong hai vấn đề nổi cộm và nan giải nhất của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam bên cạnh việc xử lý nợ xấu.

Từ năm 2011, quá trình xử lý SHC bắt đầu được triển khai thông qua các phương án sáp nhập, hợp nhất, thoái vốn… Đến năm 2019, cơ quan Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã cơ bản xóa được ma trận SHC trong hệ thống NHTM, số cặp TCTD trực tiếp SHC lẫn nhau về cơ bản đã khắc phục hết.

Thế nhưng, theo NHNN, thời gian qua hiện tượng các cổ đông lớn của TCTD và người có liên quan đã có những biến tướng để chi phối hoạt động quản trị điều hành, dẫn đến rủi ro trong hoạt động của TCTD. Đó là thành lập công ty và sử dụng quan hệ thành viên gia đình (ngoài các thành viên gia đình theo quy định Luật Các TCTD hiện hành) để gián tiếp gia tăng sở hữu cổ phần ở NHTM mà không vi phạm các quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần.

Theo đó lựa chọn lãnh đạo NH mang tính hình thức, và đứng sau có người điều hành để có thể tác động việc quyết định cấp tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) “sân sau” của họ. Một diễn biến thường xảy ra là tình trạng SHC sẽ tạo ra một nhóm quyền lực có thể thao túng qua các thành viên trong HĐQT, để từ đó chấp thuận đối với các gói tín dụng vượt khỏi mọi quy định. Đó là nguyên nhân tạo ra những cuộc khủng hoảng trong NH.

Khi thảo luận tại tổ về dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra, có nhiều hình thức và kỹ thuật để “lách luật”, như một người chỉ nắm giữ lượng cổ phần nhỏ, nhưng có thể tiếp nhận 9-10% cổ phần được ủy quyền từ các cổ đông khác. Và điều đặc biệt là phía sau NH A có thấy bóng dáng DN B mà phần lớn là DN bất động sản (BĐS)…

SHC hiện nay thay hình đổi dạng so với giai đoạn trước, tức không lộ diện rõ như trước đây nhưng lại nguy hiểm hơn khi tiền góp vốn là “tiền ảo”. Chẳng hạn DN “sân sau” phát hành trái phiếu, NH mua vào và sau đó DN dùng tiền bán trái phiếu để mua lại cổ phần NH để sở hữu ngầm các NH. Và cứ thế một DN lập hàng trăm công ty con, các công ty con phát hành trái phiếu, NH mua các trái phiếu đó…

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, có hiện tượng SHC thanh tra NHNN có thể nhìn thấy, nhưng cũng có hiện tượng khi cơ quan an ninh điều tra mới phát hiện ra được.

Tại một hội thảo với nội dung gỡ khó cho DN địa ốc gần đây, nhắc đến cấu trúc vốn của BĐS, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh những DN đang điêu đứng hiện nay đều không sở hữu NH. Ngược lại, những tập đoàn đang sở hữu NH tương đối ổn, vì họ có NH trong tay có thể tái cấu trúc nợ xấu, có thể đảo nợ và không bị chuyển nhóm nợ… Điều này cho thấy SHC để thao túng NH hiện nay ẩn chứa nguy cơ trong tương lai.

Sửa nhưng vẫn chưa đủ mạnh

Tại dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi đang trình Quốc hội, NHNN đã đề xuất sửa đổi theo hướng giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông tại TCTD từ 5% xuống 3% với cổ đông là cá nhân; 15% xuống 10% với cổ đông là tổ chức; 20% xuống 15% với cổ đông và người có liên quan. Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định về người có liên quan, những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ, giảm tỷ lệ cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan…

Thế nhưng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, tổ chức và người có liên quan, hay giảm tỷ lệ cấp tín dụng với một khách hàng và người có liên quan… để chống SHC, thao túng NH có thể là biện pháp tốt nhưng chưa phải là biện pháp tối ưu. Vì những người cố tình thao túng các nhà băng vẫn sẽ có những người liên quan ngầm với họ, bao gồm những công ty hoặc những cá nhân không nằm trong những diện của những bên liên quan rất khó kiểm soát.

Nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chống SHC không phải là tỷ lệ sở hữu 5% hay 3% mà quan trọng là cơ chế giám sát, báo cáo công khai để biết được pháp nhân liên quan cũng như chi phối tổ chức hoạt động của NH. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương đã nói rất rõ là cần chấm dứt chứ không hạn chế SHC.

Thế nhưng, thực tế hiện nay đang diễn ra các mô hình tập đoàn tài chính gồm công ty mẹ - con, song công ty mẹ là một TCTD; hay một tập đoàn nhưng trong đó có một TCTD là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn... Điều này cần được nhìn nhận và sửa đổi căn cơ trong Luật Các TCTD.

Vậy chấm dứt tình trạng này như thế nào? Bên cạnh việc giảm tỷ lệ sở hữu như NHNN đề xuất, một số chuyên gia kinh tế cho rằng luật cần mở rộng đối tượng công bố thông tin về tỷ lệ sở hữu NH, bao gồm cả các cổ đông có tỷ lệ sở hữu NHTM từ 1% trở lên, người có liên quan của các cổ đông phải công bố thông tin có tỷ lệ sở hữu NHTM từ 1%.

Việc quy định này sẽ giúp cho việc xác định quan hệ SHC dễ dàng hơn. Đồng thời cùng với việc bổ sung quy định người có liên quan đến cổ đông cá nhân và tổ chức, luật cần bổ sung quy định về “người sở hữu cuối cùng”, và trao cho Cơ quan thanh tra, giám sát NH quyền xác định “người sở hữu cuối cùng” dựa trên nguyên tắc theo luật định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH đề nghị, việc quản lý tỷ lệ sở hữu cổ phần cần phải được Cơ quan thanh tra giám sát thực hiện một cách chặt chẽ và những người vi phạm mức độ nhẹ có thể phạt hành chính, nhưng nếu có dấu hiệu lừa dối có thể xử lý hình sự. Thậm chí, tất cả những NH không khai báo một cách trung thực có thể sẽ phải rút giấy phép. Nói nôm na, trên nền tảng quản lý nghiêm khắc mới có thể đạt được yêu cầu tuân thủ quy định tuyệt đối.

Chống SHC không phải là tỷ lệ sở hữu 5% hay 3%, mà quan trọng là cơ chế giám sát, báo cáo công khai để biết được pháp nhân liên quan cũng như chi phối tổ chức hoạt động của NH.

Các tin khác