Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất thị trường liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi cá nhân tăng trở lại. Lãi suất bình quân liên ngân hàng đã nhích nhẹ 0,02 - 0,03% lên mức 0,26%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,44%/năm với kỳ hạn 1 tuần. Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng hiện đã tăng lên mức 3,64%/năm.
Từ đầu tháng 3 đến nay, lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn đã được nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân điều chỉnh theo hướng tăng. Có những ngân hàng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên đến hơn 6%/năm.
Cụ thể, tại ngân hàng Techcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đối với khách hàng thường tăng từ 2,75%/năm lên 3,1%/năm; lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng từ 2,9 - 3,1%/năm lên 3,2 - 3,4%/năm. Tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng thường được ngân hàng này tăng lên 4,4 - 4,7%/năm; lãi suất áp dụng cho khách hàng ưu tiên cũng tăng lên 4,5 - 4,8%/năm.
Tương tự, ngân hàng BIDV, biểu lãi suất huy động mới cho khách hàng cá nhân cũng được ngân hàng này điều chỉnh tăng nhẹ. Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm là 3,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 4,0%/năm.
Với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Bản Việt hiện là 3,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,7%/năm.
Tại ngân hàng ACB, đối với khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỷ đồng, mức lãi suất được áp dụng là 3,3%/năm (kỳ hạn 3 tháng); 4,5%/năm (kỳ hạn 6 tháng); và 5,6%/năm (kỳ hạn 12 tháng).
Đáng chú ý, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại là hiện nay cách thức gửi tiền online và giao dịch gửi tại quầy có sự chênh lệch khá rộng. Các ngân hàng nhỏ như: Nam A Bank, Kien Long Bank, SCB, Viet Capital Bank áp dụng lãi suất từ 6,8 - 6,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, từ 6,4 - 6,7%/năm cho kỳ hạn 9 tháng và từ 6,2 - 6,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Mức lãi suất này lần lượt cao hơn từ 0,1 - 0,8%/năm so với huy động tại quầy đối với các kỳ hạn tương ứng.
Các kỳ hạn dài, các ngân hàng quy mô vừa như: Sacombank, ACB và VPBank, TPBank cũng khá cạnh tranh trong việc huy động tiền gửi online. Theo đó, mức huy động kỳ online hạn 12 tháng và 24 tháng tại Sacombank và SCB lần lượt là 5,9% và 6,5%. Các ngân hàng như ACB, VPBank, TPBank, HDBank cũng có mức gửi online kỳ hạn 12 tháng là trên 6%/năm.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), so với thời điểm cuối năm 2020, đến đầu tháng 3 vừa qua, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng ở một số ngân hàng quy mô nhỏ có sự gia tăng đáng kể, khoảng trung tuần tháng 3 một số ngân hàng như: SCB, VPBank, ACB cũng có sự điều chỉnh tăng thêm lãi suất cho một số kỳ hạn tiền gửi online kỳ hạn ngắn.
Các dự báo cho thấy lãi suất có khả năng sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý II/2021. Theo dự báo của HSBC, lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm 2021 dự kiến khoảng 3%. Việc duy trì tỷ lệ lạm phát dưới mức 4% sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước giữ vững quan điểm điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp trong suốt năm 2021 và mặt bằng lãi suất đầu vào và đầu ra sẽ không có biến động lớn.
Tuy nhiên, hiện tại nền kinh tế vẫn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nhiều ngành hàng sẽ phải mất thêm thời gian để phục hồi nên các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… cũng sẽ gặp rủi ro hơn. Trong bối cảnh đó, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn sẽ là kênh an toàn đối với người dân. Thêm vào đó, lãi suất huy động đang có xu hướng đi lên sẽ thu hút được tiền gửi của người dân trong bối cảnh hiện nay.
Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, lãi suất huy động có thể tăng trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai và lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.
CTCP Chứng khoán SSI thì cho rằng, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong Quý 1 và đầu Quý 2/2021, sau đó có thể nhích tăng từ cuối Quý 2 khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, lạm phát tháng 3 tiếp tục xu hướng tăng. Ngoài xăng dầu tăng giá thì việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 khiến nhu cầu ở nhóm dịch vụ ăn uống, giải trí và đi lại tăng lên. Bên cạnh đó, yếu tố từ ngoài nước cũng đang gây áp lực lên lạm phát. Trên thế giới, nhiều ngân hàng Trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận lạm phát có thể tăng.
Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, trên thực tế, mặc dù số liệu về tăng trưởng tín dụng quý 1 năm nay vẫn chưa được công bố, nhưng theo tiết lộ của một số lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận đã tăng trưởng tích cực ngay từ tháng đầu năm khi hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần hồi phục.
Tuy nhu cầu vay lớn nhưng các ngân hàng đều đang rất thận trọng trước sự tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế nói chung. Song, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu vay tăng nhanh, có khả năng lãi suất sẽ được điều chỉnh tăng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra nhận định.