Mở cơ hội đón lao động trở lại nhà máy

(ĐTTCO) - Doanh nghiệp (DN) đang rất trông chờ ngày TPHCM mở cửa trở lại để phục hồi sản xuất, nhưng không khỏi lo lắng về sự thiếu hụt nguồn lao động cùng điều kiện hoạt động, sản xuất an toàn. Đó cũng là nỗi lo chung của người lao động (NLĐ) thất nghiệp nhiều tháng nay đang ngóng trông ngày đi làm trở lại.
Mở cơ hội đón lao động trở lại nhà máy
Đơn hàng dồi dào, thiếu lao động

Hai tuần trước, anh Ngô Văn Thành, công nhân Công ty TNHH Vỹ Châu (quận 7, TPHCM) điện thoại đến đường dây nóng Hội đồng hương Sóc Trăng tại TPHCM nhờ hỗ trợ mình và vợ đang mang thai tháng thứ 7 được về quê. Đến khi có đợt đón người dân về tỉnh, anh Thành vẫn ở lại, chỉ vợ anh về.

“Công ty vừa có thông báo chuẩn bị sản xuất trở lại, kêu gọi NLĐ đăng ký. Ngưng việc gần 3 tháng, nay nghe sắp đi làm lại tôi mừng quá”, anh nói. Anh Thành là một trong hàng trăm ngàn NLĐ tại nhiều DN vui mừng khi nghe đơn vị mình tái sản xuất.

Không may mắn như vậy, chị Trần Mỹ Linh (quê Phú Yên), công nhân tại KCX Linh Trung 2 đã về quê khi công ty ngừng sản xuất do dịch. Giờ nghe tổ trưởng thông báo trên nhóm Zalo công ty đang lên danh sách NLĐ đủ điều kiện đi làm lại, chị Linh cũng đăng ký nhưng không biết trở lại TPHCM bằng cách nào.

“Em đã tiêm 1 mũi vaccine khi còn đi làm. Giờ đến hạn tiêm mũi 2 nhưng đăng ký ở quê không được. Trở lại thành phố cũng không xong. Công ty kêu gọi NLĐ trở lại làm việc, em chưa biết tính làm sao”, chị Linh bối rối.

Để chuẩn bị phục hồi sản xuất, giữa tháng 9, Công ty TNHH Vỹ Châu thông báo đến các bộ phận liên hệ NLĐ để thống kê số lượng lao động đủ điều kiện quay trở lại làm việc.

“Hầu hết NLĐ của công ty đều được tiêm vaccine mũi 1, nhưng gần 30% đã về quê, một số là F0, có người khu trọ không nằm trong vùng xanh. Điều này khiến chúng tôi rất khó có đủ lao động khi khởi động sản xuất lại”, ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch công đoàn Công ty Vỹ Châu, lo lắng.

Mở cơ hội cho lao động trở lại nhà máy ảnh 1Trở lại xưởng sản xuất là điều người lao động mong mỏi, nhưng nhiều người không đáp ứng được các tiêu chí an toàn đề ra. Ảnh: Hồng Hải 

Là một DN thực phẩm, Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đang chuẩn bị bước vào cao điểm sản xuất hàng hóa cho mùa tết, với đơn hàng dồi dào. Tuy nhiên, công ty đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng dù đang sản xuất “3 tại chỗ”.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết, công ty có hệ thống máy móc hiện đại, nhưng thiếu hụt đến 50% lao động. Tương ứng với việc này, công suất tối đa chỉ ở mức 70% so với trước và không đáp ứng nổi yêu cầu của đơn hàng hiện tại.

Trong khi đó, ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty APT, thông tin, 100% NLĐ của công ty đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn khó đáp ứng yêu cầu “4 xanh” (NLĐ xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh) mà thành phố đưa ra.

Ông Trương Tiến Dũng nhận định, trong quá trình phục hồi sản xuất khi trở lại “bình thường mới”, DN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, từ chi phí xét nghiệm, nguồn nguyên liệu khan hiếm và tăng giá đến cạnh tranh lao động, chi phí lao động sẽ tăng. Chưa kể, DN phải đào tạo lại NLĐ để bố trí vào những vị trí thiếu hụt lao động trong các dây chuyền.

Giải bài toán tiêm vaccine cho NLĐ

Toàn TPHCM hiện có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, với gần 1.600 DN (hơn 320.000 lao động). Trong đó, có hơn 820 nhà máy dừng hoạt động, với gần 245.000 công nhân phải tạm nghỉ việc. Có không ít NLĐ lo lắng trước tình hình dịch bệnh tại TPHCM nên về quê tránh dịch.

Theo thống kê, từ tháng 7, Sở GTVT TPHCM đã phối hợp với các địa phương đưa 33.000 người về 34 tỉnh, thành. Đó là chưa kể NLĐ tự về bằng xe cá nhân. Điều này góp phần gây ra thiếu hụt lao động ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết ở những DN đang sản xuất “3 tại chỗ”, lượng lao động thiếu hụt ở mức 30%. Tuy nhiên, những DN ngưng sản xuất thời gian dài hoặc DN dệt may (với đặc thù là nhân công ngoại tỉnh), số lao động thiếu hụt có thể ở mức từ 60%-70%.

Đặc biệt, các DN chế biến gỗ ở TPHCM và miền Nam như đang “ngồi trên đống lửa”, khi đơn hàng đã nhận đến tháng 3, tháng 4 năm sau nhưng lượng công nhân chỉ bằng 1/4 so với trước khi giãn cách xã hội. Để đảm bảo tiến độ giao hàng, ngành gỗ buộc phải chọn giải pháp tức thời: tuyển dụng lao động tại chỗ.

Một lo lắng nữa của DN là việc tiêm đủ vaccine Covid-19 để NLĐ được tham gia sản xuất an toàn. Đây cũng là rào cản lớn nhất khi phần lớn lao động ngoại tỉnh đã về quê và không được tiếp cận đủ vaccine.

“Trước tiên, TPHCM và Chính phủ cần tạo điều kiện để NLĐ có thể quay lại thành phố tham gia sản xuất, đồng thời cung cấp đủ vaccine tiêm cho họ”, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị.

Mở cơ hội cho lao động trở lại nhà máy ảnh 2Công ty Dệt may Nguyên Dung, quận 12, chuẩn bị cho công nhân đi làm trở lại khi tiêm đủ 2 mũi vaccine. Ảnh: Hoàng Hùng

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, số lao động ở lại thành phố có khoảng 90% đã được tiêm vaccine mũi 1, 30% được tiêm mũi 2. Đáng chú ý, ở các DN thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, số công nhân tiêm 2 mũi có thể lên đến 70%. Thế nhưng, những lao động về quê có thể đã tiêm 1 mũi hoặc chưa tiêm vaccine mũi nào. Đây là một khó khăn lớn để NLĐ tham gia sản xuất an toàn.

Liên quan vấn đề này, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết, ngành y tế TPHCM dự kiến với số vaccine đang còn có thể đáp ứng đủ cho số công nhân ngoại tỉnh dự kiến quay lại thành phố làm việc sau ngày 1-10.

Về việc mở cửa trở lại, TPHCM đang khẩn trương xây dựng 14 chiến lược, trong đó có chiến lược y tế, lao động, việc làm…. UBND TPHCM cũng giao Sở GTVT xây dựng phương án phối hợp các tỉnh, thành đón NLĐ trở lại thành phố làm việc. Đây cũng là một phương án tạo điều kiện cho cả NLĐ và DN giải bài toán nhân lực khi hoạt động trở lại.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (thuộc Sở LĐTB-XH TPHCM), hiện có 325 DN đăng ký nhu cầu tuyển dụng 1.300 người. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, lao động phổ thông không phải là ưu tiên số 1 của các DN, bởi việc khôi phục sản xuất kinh doanh được thực hiện theo lộ trình, nhu cầu lao động cũng cần từng bước.

Hiện nay, số lượng lao động còn ở lại thành phố cũng khá đông. Tuy nhiên, sắp tới DN sẽ thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao để đảm đương những công việc đòi hỏi sự kết nối, đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

* Ông LÊ MINH TẤN,Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM:

Mở cơ hội cho lao động trở lại nhà máy ảnh 3

Kết nối DN với NLĐ

Số lao động về quê để tránh dịch sẽ gây khó khăn về nguồn lao động cho DN sau khi hết giãn cách xã hội. Sở LĐTB-XH đã yêu cầu Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM rà soát nhu cầu theo từng lĩnh vực, ngành nghề của DN để kết nối với nhu cầu tìm kiếm việc làm của NLĐ. Trong đó, quan tâm giới thiệu việc làm đối với NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Sở cũng phối hợp với các phòng LĐTB-XH 21 quận, huyện và TP Thủ Đức để đưa thông tin nhu cầu tuyển dụng của DN, tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ bị mất việc làm. Đồng thời, sở tăng cường thực hiện các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để giới thiệu người sử dụng lao động và NLĐ trực tiếp phỏng vấn, thỏa thuận các điều kiện làm việc với nhau.

 Ông TRẦN ANH TUẤN,chuyên gia nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM:

Mở cơ hội cho lao động trở lại nhà máy ảnh 4

NLĐ cần có tính kỷ luật và sự cảm thông

Trong bối cảnh phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”, quan trọng nhất lúc này là DN phải sàng lọc, lựa chọn được NLĐ có tính kỷ luật cao, đặc biệt chấp hành về phòng chống dịch. Chỉ một vài người buông lỏng quy định thì thành quả chống dịch và khôi phục sản xuất có thể tiếp tục bị đứt gãy.

Cùng với đó là sự thông cảm của NLĐ với DN, bởi trong giai đoạn phục hồi, ít nhất từ nay tới quý I-2022, DN khó có thể tính toán đến lợi nhuận. Nếu NLĐ không chia sẻ, đồng hành thì DN rất khó phục hồi và phát triển.

Ông CHU TIẾN DŨNG,Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM:

Mở cơ hội cho lao động trở lại nhà máy ảnh 5

Lo ngại lây nhiễm từ các khu nhà trọ

Việc lây nhiễm từ các khu trọ công nhân có thể tái diễn nếu tái sản xuất không an toàn. Dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu về việc điều chỉnh toàn bộ các kế hoạch, quy hoạch các khu công nghiệp, phải đảm bảo khu lưu trú công nhân. Tuy nhiên, đây là chuyện dài hơi.

Hiện nay, một số DN có điều kiện đang khảo sát các khu trọ, hỗ trợ công nhân tập trung về một nơi, đảm bảo giãn cách và thông thoáng. Nếu DN không có điều kiện, DN chỉ có thể hướng dẫn NLĐ thực hiện 5K và các biện pháp giãn cách.

Các tin khác