Trung Quốc có thể giảm mua nông sản Mỹ, hay tung ra một “đòn” nào khác. Mặc dù vậy, câu hỏi đặt ra là liệu đòn trả đũa này ảnh hưởng thế nào đến Washington và có mang lại hiệu quả như Bắc Kinh mong muốn?
Lựa chọn có một không hai của Mỹ
Tờ Wall Street Journal ngày 26/6 dẫn nguồn thạo tin tiết lộ rằng, tại cuộc họp kín ở Hawaii vào ngày 17/6 với ông Pompeo, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiến Trì đã nhắc lại cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một. Ông Dương Khiết Trì không quên nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ phải “hợp tác”.
Ngày 29/6, tờ Economic Journal bình luận, hàm ý của câu nói trên là “phía Mỹ không nên can dự quá nhiều và không nên vượt qua giới hạn đỏ”. Tuy nhiên, ông Pompeo đã không nhượng bộ.
Không lâu sau cuộc gặp giữa ông Pompeo và ông Dương Khiết Trì, đại điện đàm phán thương mại phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạ đã có bài phát biểu ở Thượng Hải, nói rằng hai nước “nên tạo điều kiện và bầu không khí, loại trừ quấy nhiễu, cùng nhau thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1”. Trong đó, các cụm từ như “tạo điều kiện và bầu không khí”, “loại trừ quấy nhiễu” được dư luận nhìn nhận là việc Trung Quốc phát tín hiệu mong muốn Mỹ không can thiệp vào các vấn đề nội chính của nước này như Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương…
Căn cứ vào thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Trung Quốc và Mỹ đã ký vào tháng 1/2020, Bắc Kinh cam kết sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, gồm nông sản, năng lượng… trong hai năm tới. Tuy vậy, khoảng cách giữa các số liệu thực tế và mục tiêu này vẫn còn khá lớn.
Giờ đây, phía Trung Quốc đã coi việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một làm “quân bài” đàm phán với Mỹ. Dư luận tin rằng, phía Bắc Kinh đã có tính toán kỹ và đánh đúng “gót chân Achilles” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng ông lo ngại sẽ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới và không thể liên nhiệm thành công.
Không thể phủ nhận trong bối cảnh nước Mỹ phòng chống đại dịch Covid-19 không đạt hiệu quả như mong muốn và phải chịu tác động tiêu cực từ phong trào “tính mạng của người da đen quan trọng” (BLM) lên cao, Tổng thống Trump đã bị đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ bỏ xa trong các cuộc thăm dò dư luận.
Đối mặt với bất lợi như vậy, Tổng thống Trump càng không thể đánh mất sự ủng hộ của các bang nông nghiệp, vốn được coi là kho phiếu truyền thống của đảng Cộng hòa. Trong khi đó, việc thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, thông qua việc hối thúc Trung Quốc mua một lượng lớn nông sản Mỹ, chắc chắn là lựa chọn có một không hai của ông Trump nhằm củng cố sự ủng hộ của cử tri ở các bang nông nghiệp.
Trong một cuộc phỏng vấn Fox News vào ngày 22/6, Cố vấn Thương mại Peter Navarro, một đại diện tiêu biểu cho phe cứng rắn đối với Trung Quốc ở Nhà Trắng, nói rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một đã kết thúc. Tuyên bố vừa đưa ra, thị trường chứng khoán Mỹ bị chấn động mạnh, chỉ số S&P 500 giảm khoảng 1,5%, chỉ số Dow Jones giảm gần 1,6%. Chứng khoán nhiều nước trên thế giới cũng chìm trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, ngay sau bài phỏng vấn trên, ông Trump bất ngờ tuyên bố trên Twitter rằng, Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc “hoàn toàn nguyên vẹn” và bày tỏ hy vọng Bắc Kinh tiếp tục thực thi những nội dung đã cam kết.
Ngày 23/6, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc gia thuộc Nhà Trắng, ông Larry Kudlow nhấn mạnh việc thực thiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn đang tiến triển. Ngoài ra, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng xác nhận phía Trung Quốc tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Những tuyên bố trấn an nêu trên một mặt cho thấy giới chức cấp cao của Mỹ vẫn có những chia rẽ nhất định trong chính sách Trung Quốc, mặc dù lập trường cứng rắn với nước này dường như đã trở thành nhận thức chung.
… Thế khó của Bắc Kinh
Đương nhiên, Bắc Kinh có thể sử dụng quân bài thực hiện hay không thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng điều đó cũng có nghĩa Bắc Kinh tự đặt mình trước rủi ro lớn trong bối cảnh quan hệ kinh tế thương mại hiện là sợi dây duy nhất níu kéo quan hệ Mỹ-Trung hiện nay.
Nếu Bắc Kinh từ bỏ thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, việc này không khác gì tự cắt đứt sợi dây mong manh này, giúp phe chủ trương tách rời hoàn toàn quan hệ Mỹ-Trung ở Washington có thêm cơ hội tấn công.
Nói cách khác, nếu không thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Bắc Kinh sẽ tự rơi vào bẫy “Chiến tranh Lạnh mới” mà phe cứng rắn ở Mỹ đặt sẵn.
Khi đó, việc Bắc Kinh sử dụng quân bài thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 để chống lại việc Mỹ can dự vào các vấn đề nội chính như Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương rất có thể sẽ là “con dao hai lưỡi”. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng con bài này như thế nào để không đẩy quan hệ Mỹ-Trung vào tình trạng đổ vỡ hoàn toàn thực sự là một bài toán khó đối với Bắc Kinh.