Trong bối cảnh triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới sau Covid-19 và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới nâng hạng, cho thấy góc nhìn tích cực trên thị trường vốn quốc tế. Trước đó, Việt Nam đã được nâng điểm xếp hạng tín nhiệm từ mức BB- lên BB bởi S&P vào tháng 4-2019.
Mức điểm BB+ là mức xếp hạng có khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ, chịu được tác động lớn từ các sự kiện tiêu cực từ môi trường kinh doanh, kinh tế và tài chính. Mức BB+ vẫn được cộng đồng tài chính và đầu tư quốc tế xem “có tính đầu cơ” trong các quyết định đầu tư liên quan đến Việt Nam.
Tuy nhiên, đây là mức điểm tiệm cận với nhóm BBB-, nhóm xếp hạng được định nghĩa “mức đầu tư” của S&P. Khi đó, các nhà đầu tư quốc tế sẽ xem xét Việt Nam ở mức rủi ro thấp hơn và kỳ vọng một mức lợi nhuận (thí dụ qua lãi suất cho vay hoặc trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp Việt Nam) ở mức thấp hơn.
So với một số nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện có mức xếp hạng thấp hơn Malaysia (A-), Indonesia (BBB), Philippines (BBB+), Thái Lan (BBB+). Riêng Singapore có mức xếp hạng tương đương với các thị trường tài chính đã phát triển cao (AAA), trong khi Lào và Campuchia chưa tham gia xếp hạng tín nhiệm bởi S&P. Trung Quốc hiện cũng được xếp hạng ở mức A+. Vì thế, mức điểm BB+ đã tiệm cận với nhóm điểm mức đầu tư của S&P, tức nếu lên đến điểm BBB-, Việt Nam sẽ lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới.
Việc nâng hạng tín nhiệm giúp giảm chi phí huy động vốn không chỉ cho trái phiếu chính phủ, mà còn cho cả doanh nghiệp khi tham gia thị trường nợ quốc tế. Dù không có thống kê về chênh lệch lãi suất giữa BB và BB+, nhưng thông lệ quốc tế cho thấy nếu vươn lên mức xếp hạng BBB, chênh lệch trung bình của các khoản vay sẽ 150-300 điểm cơ bản về lãi suất. Điều này đồng nghĩa chi phí huy động của doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể. Chẳng hạn, lô trái phiếu quốc tế 525 triệu USD của VinGroup, chi phí vốn hàng năm có thể giảm được 8-16 triệu USD nếu lãi suất vay được xác định dựa trên mức xếp hạng ở mức BBB. Dĩ nhiên, điều này còn phụ thuộc vào mức xếp hạng của chính doanh nghiệp tổ chức phát hành.
Do được nâng lên BB+, một số doanh nghiệp có thể sẽ sớm được nâng hạng theo. Huy động vốn trên thị trường quốc tế sẽ góp phần đa dạng hóa kênh huy động vốn của nhiều doanh nghiệp. Theo dữ liệu của FiinGroup, mức lãi suất huy động (tính cả phí bảo lãnh) của nhiều doanh nghiệp bất động sản ở mức rất cao, gần 7,4% bằng USD, cao hơn đáng kể nếu so với một số doanh nghiệp trong cùng ngành ở các quốc gia khu vực có điểm BBB hoặc A. Trong bối cảnh tỷ giá có xu hướng gia tăng, nghĩa vụ nợ bằng ngoại tệ có thể tăng theo và dẫn đến phát sinh lỗ tỷ giá cho các khoản vay hoặc trái phiếu bằng ngoại tệ, thị trường vốn nội địa nên là ưu tiên chính trong chiến lược vốn của doanh nghiệp Việt.
Do vậy, doanh nghiệp nên chú trọng nhiều hơn đến việc xây dựng năng lực tín dụng với thị trường vốn nội địa, bao gồm cả kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp. Tiềm năng vốn của thị trường nội địa còn rất lớn với hơn 5 triệu tỷ đồng số dư tiền gửi trong hệ thống ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm… Bởi vậy, công tác cải thiện hồ sơ tín dụng, cải thiện minh bạch công bố thông tin, trong đó xem xét thực hiện xếp hạng tín nhiệm nội địa, sẽ góp phần cho sự thành công của một chiến lược vốn tối ưu.