Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá cao về tiềm năng khai thác năng lượng tái tạo.
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m 7 - 8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW.
Bên cạnh đó, với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía Nam là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời.
Quy hoạch điện không “lường” hết thực tế
Thực tiễn cho thấy, tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng và thu hút được sự quan tâm không nhỏ của khối doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên điều đáng nói là hệ thống truyền tải điện quốc gia chưa đủ khả năng tiếp nhận.
Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết đang phải thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng tái tạo đấu nối lên lưới điện 110kV trong khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận.
Theo ông Tuấn Anh, việc đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, tức là lưới điện có cấp điện áp từ 220kV trở lên hầu hết là do Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia đầu tư. Việc đầu tư hệ thống truyền tải cũng theo quy hoạch được duyệt, bao gồm quy hoạch quốc gia và các quy hoạch địa phương.
“Vì vậy, dẫn đến hiện tượng tại một số khu vực lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối ở một số khu vực có thể tiến độ đầu tư triển khai xây dựng không theo kịp tiến độ các dự án đầu tư nguồn điện. Nhất là các dự án điện mặt trời có thời gian triển khai rất nhanh trong khi lưới điện truyền tải do nhà nước đầu tư thì triển khai chậm hơn, do các thủ tục chặt chẽ trong nội bộ các tập đoàn nhà nước cũng như quá trình thẩm định và phê duyệt của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Tuấn Anh nói.
Chia sẻ thực tế tại địa phương, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, riêng về điện gió trên bờ, theo quy hoạch đã được Bộ Công Thương phê duyệt trước đây, tổng quy hoạch trên địa bàn là 1.429MW. Tuy nhiên, quy hoạch này từ năm 2011 đến 2013, thời điểm công nghệ rất thấp, nên không còn phù hợp với hiện tại.
“Quy hoạch trước đây, một trụ vị trí chỉ đạt khoảng 1,2MW. Bây giờ, nhờ áp dụng công nghệ, một trụ có thể thu được lên đến 4,2MW. Tức là tăng gần 3 lần quy mô công suất, hiệu quả sử dụng trên cùng một đơn vị diện tích và thiết bị. Cho nên quy hoạch của 1.429MW, thì với công nghệ hiện nay cũng phải hơn 2.000MW điện gió trên bờ”, ông Phạm Văn Hậu nêu ý kiến.
Trong quy hoạch điện sơ đồ 7, liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đặt ra rất thấp; Chưa dự liệu được tốc độ thay đổi về mặt công nghệ, yếu tố triển khai các dự án hay năng lực làm chủ công nghệ của doanh nghiệp trong nước…
“Dự kiến lúc đầu, làm một dự án năng lượng tái tạo có thể kéo dài khoảng 1 – 2 năm. Nhưng thực tế, doanh nghiệp có thể triển khai trong vòng 3 tháng là xong một dự án lớn. Tất cả yếu tố này dẫn đến truyền tải không đáp ứng yêu cầu phát triển”, ông Hậu cho hay.
Ninh Thuận đặt mục tiêu quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời và gió) khoảng 13.000 MW, trở thành một trung tâm năng lượng của quốc gia. Để đạt được kế hoạch, các vấn đề liên quan đến đầu tư hệ thống truyền tải thực tiễn của tỉnh trong thời gian qua cần phải sớm giải quyết.