Nền kinh tế ảnh hưởng trong ngắn hạn

(ĐTTCO)-Dịch viêm phổi do virus corona gây ra tại Trung Quốc trước mắt có thể tác động đến một số ngành kinh tế Việt Nam và hoạt động xuất – nhập khẩu, tuy nhiên xét trong trung hạn ít ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của toàn ngành kinh tế.
Nền kinh tế ảnh hưởng trong ngắn hạn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), với 644.700 lượt khách quốc tế trong tháng 1-2020, tăng đến 72,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 32,3% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam.
Song theo các doanh nghiệp khai thác du lịch, ảnh hưởng của nCoV chỉ diễn ra trong tuần cuối của tháng 1 nên chưa tác động nhiều đến con số thống kê chung. Tuy nhiên sang tháng tới, tình hình sẽ có nhiều thay đổi do đến nay Chính phủ Trung Quốc đã cấm người dân nước này đi du lịch nước ngoài theo nhóm, và Việt Nam cũng đã không cho phép đón khách du lịch từ vùng có dịch (mới đây, chỉ đạo trong cuộc họp, Thủ tướng đã yêu cầu cấm đi lại đường mòn lối mở).
Như vậy, với những hành động đối phó với nCoV  của Việt Nam, thực chất chỉ ảnh hưởng đến các lĩnh vực như du lịch, khách sạn nhà hàng, thương mại, vận tải và xuất nhập khẩu tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc. 
Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, về tổng quát ảnh hưởng từ cầu cuối cùng đến giá trị sản xuất của Trung Quốc cao hơn Việt Nam (2,7 so với 2,3), đáng chú ý là  nhu cầu cuối cùng của Việt Nam kích thích đến giá trị sản xuất của Trung Quốc, cao hơn nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc kích thích đến sản xuất của Việt Nam rất nhiều.
Bình quân cứ một triệu USD tăng lên của nhu cầu cuối cùng của Việt Nam sẽ tạo ra 318.000 USD giá trị sản xuất của Trung Quốc, trong khi một triệu USD tăng lên của nhu cầu cuối cùng của Trung Quốc chỉ tạo ra 3.000 USD giá trị sản xuất của Việt Nam (bằng 1/100 so với Trung Quốc).
Nếu chỉ xét về quan hệ thương mại qua đường tiểu ngạch, có thể thấy chỉ đạo của Chính phủ không những không làm GDP của quý tiếp theo giảm mà còn tăng. Nguyên nhân do từ nhiều năm nay, xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam qua Trung Quốc thấp hơn nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc khá nhiều.
Sử dụng bảng cân đối liên ngành song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc cho thấy, ảnh hưởng này khiến GDP của Việt Nam không những không giảm mà còn tăng xấp xỉ 1% (0,87%).
Hiện nay, phía Trung Quốc hiện đã thông báo tạm ngưng giao dịch với Việt Nam tại hai cửa khẩu ở tỉnh Vân Nam và Quảng Tây đến ngày 8-2 và ngày 10-2, song lệnh này có thể kéo dài nếu dịch viêm phổi diễn biến theo chiều hướng không tích cực.
Giả định rằng xuất nhập khẩu chính ngạch giảm 10% cùng với cắt giảm tiểu ngạch vẫn khiến GDP của Việt Nam tăng 0,03%. Nếu nhập khẩu từ Trung Quốc cho sản xuất của Việt Nam giảm 20%, có thể sẽ khiến GDP của Việt Nam giảm 0,01-0,03%.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch cúm đến nhiều ngành như vận tải, khách sạn nhà hàng, thương mại, vui chơi giải trí. Giả sử lượng khách du lịch Trung Quốc giảm hết tổng giá trị tăng thêm (Gross value added – GVA)* thì cũng chỉ giảm 1,1-1,3%. Theo đó, tổng hòa các yếu tố GDP cũng chỉ giảm khoảng từ 0,03-0,05%.
Dịch cúm virus corona là một thách thức với Việt Nam, nhưng cũng có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm thị trường mới cho cả xuất khẩu và nhập khẩu đầu vào. Điều này phù hợp với ý tưởng của Thủ tướng khi cho rằng dù tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn (nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 33% tổng nhập khẩu và tỷ trọng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 17% tổng xuất khẩu), nhưng vì tính mạng của nhân dân, Việt Nam sẵn sàng hy sinh về mặt kinh tế.
Hẳn Chính phủ hiểu rất rõ rằng mục đích tăng trưởng kinh tế là gì nếu không phải là để phục vụ người dân, kinh tế cũng là vì người dân.
 (*) GVA + thuế sản phẩm trừ trợ cấp = GDP

Các tin khác