Không những thế, sự giao thoa văn hóa và tín ngưỡng của Phật giáo Tây Tạng và Hindu Ấn Độ đã làm cho vùng đấy này càng thêm thiêng liêng và đa dạng màu sắc.
Kumari, nữ thần sống
Kumari, hay còn được gọi là Nữ thần sống, là truyền thống tôn thờ một trinh nữ, thường là một cô gái đang còn trinh tiết. Cô gái này sẽ được chọn để làm biểu hiện của năng lượng nữ thần hay Thánh Shakti trong truyền thống tôn giáo Dharmic. Người ta tin rằng cô sẽ được Nữ thần Taleju hoặc Durga chiếm hữu linh hồn và ban phước cho người dân địa phương.
Truyền thuyết kể rằng, vào thời của nhà vua Jayaprakash Malla, để trị vì và cai quản quốc gia được yên ổn và phồn thịnh, nhà vua đã nhờ sự giúp đỡ của Nữ thần Taleju. Do đó hàng đêm nữ thần đã xuất hiện ở phòng của nhà vua để vừa bàn luận điều hành đất nước, vừa vui chơi xúc xắc cùng nhà vua, và dặn nhà vua phải tuyệt đối giữ bí mật về sự xuất hiện của nữ thần. Song, Hoàng hậu Malla lại đem lòng ngờ vực về sự vắng mặt của nhà vua hàng đêm, nên đã âm thầm theo dõi và phát hiện Nữ thần Taleju đang vui vẻ cùng nhà vua.
Quá tức giận vì bị phát hiện, Nữ thần Taleju bèn nói nhà vua rằng, nếu muốn gặp lại nữ thần, muốn nữ thần bảo hộ đất nước của ông, thì phải tìm được một đứa bé thuộc dòng dõi Shakya của cộng đồng người Newar. Và nữ thần sẽ hóa thân vào đứa bé để bảo hộ cho đất nước. Từ đó truyền thống về Kumari được bắt đầu.
Ở Nepal, Kumari là một bé gái chưa đến tuổi dậy thì được chọn từ gia tộc Shakya của cộng đồng Phật giáo Newari ở Nepal (Kumari trong tiếng Phạn còn có nghĩa là công chúa). Kumari cũng được một số người theo đạo Hindu tôn kính và tôn thờ.
Thường chỉ có một số thành phố ở Nepal là tôn thờ Kumari và họ cũng có riêng một Kumari của mỗi địa phương, và quá trình lựa chọn Kumari cũng khác nhau giữa các địa phương.
Kumari thường được tuyển chọn vô cùng khắt khe và phải bắt buộc thuộc dòng dõi Shakya. Đây cũng chính là dòng dõi đã sinh ra Đức Phật Thích Ca (Shaya Muni). Và thường là những đứa bé từ 2-4 tuổi đáp ứng đầy đủ 32 chỉ tiêu như: Lông mi của bò cái, bắp đùi của nai tơ, thân hình của cây bồ đề, ức của sư tử, cổ sáng như xà cừ, giọng vang như vịt và không được có sẹo ở trên người…
Sau khi được chọn, bé gái sẽ phải trải qua những nghi thức thanh tẩy rất cầu kỳ để có thể trở thành Kumari. Sau đó, Kumari sẽ được chuyển đến một nơi ở riêng khá biệt lập, thường là trong một cung điện như Kumari Ghar ở Kathmandu. Và từ đó Kumari chỉ được rời cung điện trong các dịp lễ hội đặc biệt để ban phước cho người dân và sẽ rất hạn chế được gặp gia đình.
Kumari sẽ không được đến trường, không được phép có bạn bè, sẽ không được nói chuyện với bất kỳ ai. Vào mỗi dịp nghi lễ, Kumari cũng sẽ không được tự bước đi mà sẽ có người cõng hoặc khiêng trên những chiếc kiệu, do quan niệm rằng nếu chân của Kumari chạm đất, cô bé sẽ làm mất kết nối với nữ thần Taleju. Mỗi cử chỉ và cảm xúc của Kumari đều được mọi người gán cho một ý nghĩa thần bí, chẳng hạn như nếu tâm trạng của cô gái hôm nay không được tốt thì đó là điềm báo cho một điều gì xấu sắp xảy ra.
Và cứ thế cuộc sống của Kumari bị kìm kẹp trong bốn bức tường cho đến ngày cô có kinh nguyệt lần đầu tiên vào khoảng năm 15 tuổi. Đây chính là dấu hiệu cho biết rằng nữ thần Taleju đã rời khỏi cơ thể cô và người dân sẽ bắt đầu tìm kiếm một cơ thể mới cho nữ thần Taleju.
Đi du lịch qua Nepal, sẽ không khó để tìm đến được cung điện có Kumari đang sinh sống. Nhưng sẽ rất khó để có thể gặp được Kumari, do cô sẽ chỉ xuất hiện rất hiếm hoi qua khung cửa sổ ở trên cao cung điện. Người dân Nepal tin rằng bất kỳ ai dù chỉ có cơ hội thấy thấp thoáng bóng dáng của Kumari đều sẽ gặp được phước lành.
Và tuy cuộc sống của một Kumari có thể vô cùng kỳ lạ và khắt khe, nhưng đối với những người từng trải qua thời gian là một vị thánh sống, tuy có một số sự hy sinh về tuổi thơ, nhưng đối với họ đó dường như là một đặc ân vô cùng đặc biệt và họ luôn trân quý điều đó.
Ram Buhadur Bomjon, cậu bé Phật
Ram Bahadur Bomjon (sinh ngày 9-5-1989) là một nhà tu hành người Ratanapuri, quận Bara, Nepal. Người đã gây tiếng vang khắp bốn phương và các phương tiện truyền thông vì đã ngồi thiền định trong vòng nhiều tháng liền dưới gốc cây đa mà không cần ăn uống. Tuy là một câu chuyện khó tin, nhưng tinh thần thiền định và ý chí hướng đến cái thiện của cậu bé đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
Từ nhỏ cậu bé Bomjon đã có những cư xử lạ thường so với những đứa trẻ bạn cùng lứa. Cậu thường tách khỏi những hội bạn bè và quan sát những người hành lễ và cầu nguyện cùng họ. Cậu cũng sớm bộc lộ những bản tính yêu thương và từ bi, như không xâm hại đến động vật dù là những con vật bé nhỏ.
Cậu cũng chính là người đã khuyên nhủ gia đình không nên ăn và giết hại súc vật hay uống rượu. Cậu cũng đã trân trọng những bữa ăn, kể cả những phần ăn nhỏ nhất, Bomjon chỉ ăn thức ăn thừa và nhịn đói nếu không còn thức ăn.
Năm 2005, cậu đã quyết định bỏ nhà để ngồi tĩnh thiền dưới một hốc cây đa gần làng. Bố mẹ Bomjon đã rất lo lắng và tìm đến khuyên nhủ cậu, nhưng Bomjon đã hái sáu lá đa và đưa cho mẹ, dặn mẹ hãy về nhà và cất kỹ những chiếc lá này. Cậu nói: “Nếu đánh mất chúng, mẹ sẽ không bao giờ tìm thấy con. Nếu còn chúng, con sẽ mãi mãi bên cạnh mẹ”.
Và cứ thế cậu đã ngồi thiền ở đó suốt mấy tháng trời dưới sự chứng kiến của toàn bộ dân làng. Câu chuyện của Bomjon dần được chú ý rộng rãi và thu hút rất nhiều người đổ xô về để được chứng kiến tận mắt hình ảnh cậu thiền định, trong đó cũng có những hãng thông tấn của Mỹ đã đặt camera truy dò hành vi của cậu trong nhiều ngày liền. Nhưng sau 10 tháng ngồi thiền, Bomjon đột ngột mất tích ngày 11-3-2006.
Có rất nhiều tin đồn nói rằng cậu đã bị bắt cóc, nhưng các tín đồ của Bomjon thì tin rằng cậu đã đi sâu hơn vào rừng rậm để tìm một nơi yên tĩnh hơn để thiền định, tránh khỏi sự soi mói của khách du lịch và truyền thông báo chí.
Và sau đó vào ngày 25-12 -2006, những người ở quận Bara đã phát hiện Bomjon đang ngồi thiền trong một căn hầm ở dưới lòng đất. Từ đó chính quyền cũng đã can thiệp để bảo vệ cậu được an toàn trong căn phòng riêng, bởi vì họ nghĩ chính cậu là người sẽ ban lại phước lành cho người dân địa phương.
Đến ngày 2-8-2007, Bomjon đã diễn thuyết lần đầu trước một đám đông trong rừng Halkhoriya tại quận Bara phía Nam Nepal. Ủy ban Namo Budda Tapoban thực hiện việc chăm sóc cậu cũng đã tổ chức sự kiện này. Mọi người thắc mắc có phải cậu đã trở thành chính quả, nhưng cậu đã từ chối: “Mọi người đừng gọi tôi là Phật. Tôi không có sức mạnh của Phật. Tôi chỉ ở mức một Rinpoche”.
Rinpohe là mức độ của một thầy giáo, điều này cho thấy Bomjon tin rằng mình đã đạt được một số thành quả khá lớn. Bomjon nói rằng mình cần thêm 6 năm thiền định nữa trước khi có thể trở thành Phật.
Mặc dù câu chuyện về Bomjon rất khó tin, song cũng có rất nhiều bằng chứng, bao gồm cả việc các đài truyền hình đưa tin chứng thực về khả năng của cậu. Bởi vậy, không ít người tỏ lòng ngưỡng mộ cậu và luôn tìm đến làng Ratanapuri ở Nepal để được ghé thăm gốc cây đa - nơi cậu đã dành rất nhiều thời gian thiền định dưới nó.
Đến với Nepal, bạn sẽ còn được nghe nhiều hơn những câu chuyện kỳ bí khác về một vùng đất thánh địa thiêng liêng này. Không những vậy, Nepal còn có rất nhiều di sản tôn giáo khác như Lumbini (Lâm Tì Ny) - nơi Đức Phật sinh ra; Kathmandu - thành phố Phật giáo với rất nhiều công trình tôn giáo như Bảo tháp Boudhanath, nơi chứa xá lợi của Phật, đền thờ Quảng trường Kathmandu Dubar.
Nepal cũng là nơi thu hút rất nhiều tín đồ hành hương từ khắp nơi trên thế giới để về với đất Phật, do chính ở Nepal vẫn còn tồn tại những dòng chính của Phật giáo là Phật giáo Newar, Phật giáo Tây Tạng và Phật giáo nguyên thủy Theravada.
Mặc dù trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, nhưng tín ngưỡng Phật giáo cũng đã cắm sâu vào mảnh đất Nepal, và hy vọng nó sẽ còn mãi tạo thắng duyên cho vùng đất này.