Nếu không quyết liệt, 'thẻ vàng' có thể thành 'thẻ đỏ'

(ĐTTCO)-Phó Thủ Tướng Trần Lưu Quang nhận định tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp không chỉ đang thu hẹp thị trường xuất khẩu hải sản mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.
Cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) tuần tra, kiểm soát trên vùng cửa biển Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) tuần tra, kiểm soát trên vùng cửa biển Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Chiều 1/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Cuộc họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Cuộc họp có sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành liên quan và các địa phương ven biển.

Báo cáo về kết quả chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau hơn 5 năm (từ ngày 23/10/2017) triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” và qua kết quả thanh tra từ Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 3 vào tháng 10/2022, tình hình chống khai thác IUU đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại nhiều hạn chế chậm khắc phục tại địa phương, đã được Đoàn thanh tra của EC ghi nhận, đánh giá và khuyến nghị.

Theo đó, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm chính trị của Việt Nam, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo và tổ chức triển khai nhiều giải pháp tích cực để chống khai thác IUU; chuẩn bị tốt nội dung, kế hoạch, chương trình làm việc với Đoàn thanh tra của EC, cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đảm bảo tính minh bạch, trung thực, khách quan.

Thực tế cho thấy, tình hình chống khai thác IUU đã tiến bộ hơn nhiều so với đợt thanh tra thực tế lần thứ hai vào năm 2019.

Cụ thể, hiện nay, khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU và tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tích vực.

Công tác quản lý đội tàu, lắp đặt thiết bị VMS (thiết bị cung cấp thông tin về vị trí, vết đi và một số hoạt động của tàu thuyền cho nhà quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin giữa trạm quản lý và tàu thuyền hoạt động trong vùng kiểm soát của hệ thống-PV) đã có sự chuyển biến tích cực; đã triển khai hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Việc thực hiện kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo quy định của Hiệp định về biện pháp Quốc gia có cảng (PSMA) về tổng thể đã có sự cải thiện tốt hơn so với trước.Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chống khai thác IUU. Theo đó, việc tổ chức triển khai Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU còn chưa đồng bộ, xuyên suốt giữa các địa phương.

Hiện nay, có một số địa phương thực hiện tương đối tốt, trong khi còn nhiều địa phương thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu.

Luật Thủy sản, các quy định chống khai thác IUU còn chưa đồng bộ, xuyên suốt giữa các địa phương, một số địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Về ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, các vùng trọng điểm để ngăn chặn, xử lý tàu cá có hành vi vi phạm.

Đến nay, các lực lượng đã ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Các địa phương đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc vi phạm như Phú Yên, Tiền Giang. Trong khi đó, một số tỉnh vẫn còn vi phạm như Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Bến Tre, Kiên Giang.

Các ý kiến thảo luận tại cuộc họp cho thấy, nguyên nhân chính là từ người đứng đầu chính quyền các cấp tại một số địa phương chưa quan tâm đúng mức nhiệm vụ chống khai thác IUU, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt và còn thiếu các biện pháp chế tài đủ mạnh với các đối tượng khai thác hải sản bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng ngư dân gửi thiết bị hành trình sang các tàu khác hoặc dùng các biện pháp khác để tránh bị giám sát.

Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính đã được triển khai tích cực tại nhiều địa phương và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Năm 2020, các lực lượng đã xử phạt trên 2.000 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 61 tỷ đồng; năm 2021 là gần 1.700 nghìn vụ với tổng số tiền phạt trên 21 tỷ đồng; đến năm 2022, xử phạt gần 1.000 vụ với tổng số tiền phạt trên 16 tỷ đồng; từ đầu năm đến nay, xử phạt hơn 13 tỷ đồng.

Một số tỉnh đã tăng cường xử phạt các vụ vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm về VMS…

Điển hình, ngày 25/4/2023, tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định xử phạt 27 hành vi vi phạm đối với chủ tàu cá Nguyễn Văn Diều, tổng số tiền xử phạt là hơn 2,5 tỷ đồng, áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung theo quy định.

Các đại biểu nhận định, nhìn chung, tỷ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với thực tế và chưa đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là các hành vi vi phạm không ghi, nộp nhật ký khai thác, không duy trì hoặc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, khai thác sai vùng, sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm…

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU đến tháng 10/2023, chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4, các đại biểu dự hội nghị đề nghị các lực lượng cần thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Cùng với đó, thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu bằng tàu container; tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU.Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhất trí với Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; đánh giá cao những kết quả lực lượng chức năng đạt được trong nỗ lực chống khai thác IUU thời gian qua.

Phó Thủ Tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nếu không quyết liệt để gỡ “thẻ vàng,” có thể bị gia tăng cấp độ lên mức "thẻ đỏ," nghĩa là Việt Nam sẽ mất thị trường xuất khẩu hải sản sang châu Âu.

Phó Thủ tướng nhận định tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp không chỉ đang thu hẹp thị trường xuất khẩu hải sản mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu và vẫn còn tình trạng tại một số địa phương buông lỏng quản lý.

Nêu rõ quyết tâm ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp theo đúng khuyến nghị của EC, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị, trước mắt, tháng 10 tới, các bộ, ngành, địa phương cần cố gắng cơ hội cao nhất có thể để rút thẻ vàng; bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn.Nhận định, một số vướng mắc đã được nhận diện và cơ bản có giải pháp. Ở các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị quan tâm hơn đến công tác cán bộ bởi đây là gốc của mọi việc.

“Đồng chí chủ tịch ủy ban nào, phó chủ tịch ủy ban cấp tỉnh nào quyết liệt thì sẽ khác. Tinh thần chung là chúng ta làm mạnh hơn và có tính răn đe hơn,” Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Các tin khác