Ngân hàng mở tiếp tục chờ khung pháp lý

(ĐTTCO) - Cuộc cách mạng NH mở (Open Banking) đã và đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu khi nhiều quốc gia đã có chiến lược xây dựng hệ thống khung pháp lý, nhằm khai thác tiềm năng của loại hình kinh doanh hiện đại này.

Ngân hàng mở tiếp tục chờ khung pháp lý

Trước xu thế đó, các NH Việt Nam cũng đã chuẩn bị nhập cuộc, tuy nhiên khung pháp lý cho việc này vẫn chưa có.

Làn sóng mới trên toàn cầu

Sau làn sóng phát triển NH số, NH mở là mô hình mới đang có xu hướng lên ngôi. Dự án NH mở đã có mặt tại Đức từ năm 2010, được phát triển bởi sự hợp tác của các NH lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước, nhằm thiết lập các giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), hỗ trợ các nhà phát triển và công ty công nghệ tài chính (fintech).

Tại Trung Quốc, Bank of China (BOC) đã thiết lập nền tảng mở vào năm 2012, và đến năm 2013 BOC đã công bố nền tảng mở.

Năm 2015, NH mở xuất hiện trong Chỉ thị dịch vụ thanh toán sửa đổi (PSD2) của Liên minh châu Âu (EU). Theo PSD2, NH mở cho phép các bên cung cấp dịch vụ thanh toán thứ 3 được quyền truy cập thông tin dữ liệu NH của khách hàng, thông qua các Open API được bảo mật với sự đồng ý của khách hàng.

Năm 2016, Hiệp hội NH và NHTW Singapore đã phát hành ấn phẩm hướng dẫn toàn diện cho các định chế tài chính, công ty fintech về phát triển và áp dụng kiến trúc hệ thống dựa trên nền tảng là các Open API, mở đầu cho hệ sinh thái NH mở tại đây. Năm 2017, Nhật Bản, Australia, Hồng Kông cũng công bố các quy định liên quan đến mô hình này.

Song kỷ nguyên NH mở thực sự bắt đầu từ năm 2018. Năm 2019, khi Cơ quan Quản lý cạnh tranh và điều hành thị trường (CMA) của Anh yêu cầu 9 NH lớn (HSBC, Barclays, RBS, Santander, Bank of Ireland, Allied Irish Bank, Danske, Lloyds và Nationwide) phải công bố chuẩn dữ liệu, phát hành dữ liệu bảo mật để có thể dễ dàng chia sẻ trực tuyến với các bên thứ 3 được ủy quyền.

Tại châu Á, tính đến hết năm 2020, đã có 77 nền tảng NH mở, gần 1.500 sản phẩm dịch vụ có liên quan, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 228%.

Thế giới chuyển động không ngừng và khả năng “bắt sóng” của NH Việt Nam cũng khá nhanh nhạy. Thế nhưng, do hành lang pháp lý luôn đi sau thực tiễn, dẫn đến việc các NH phải “đi chậm” để chờ quy định.

Tại Trung Quốc, NH số WeBank và ứng dụng nhắn tin, thanh toán di động Wechat được tích hợp thành mô hình này, là thí dụ điển hình cho sự thúc đẩy NH mở. Theo đó, khách hàng có thể sắp xếp cuộc hẹn, chuyển tiền và gọi taxi với Wechat, thay vì sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau.

Công ty tài chính viễn thông và thanh toán bù trừ Hàn Quốc (KFTC) cũng đã triển khai hạ tầng Open Banking Hub từ năm 2020, đến nay đạt hơn 1 tỷ giao dịch/tháng. Hay NexyGenPSD2 của The Berlin Group, Open Canvas của NTT Data (Nhật Bản), và các dự án của các NH như MayBank, DBS, BNP Paribas. Tính chung, hiện có khoảng 108 quốc gia đã và đang hoàn thiện cơ chế chính sách để cho phép triển khai NH mở một cách bài bản, hệ thống.

NH Việt “đi chậm” để chờ… quy định

Thế giới chuyển động không ngừng và khả năng “bắt sóng” của các NH Việt Nam cũng khá nhanh nhạy. Từ cuối năm 2019, OCB đã ra mắt nền tảng API portal cung cấp hơn 30 API để các đối tác có thể kết nối hệ thống OCB vào hệ sinh thái.

Tương tự, Vietinbank phát triển nền tảng Vietinbank iConnect, với hơn 127 API được cung cấp trên thị trường với khoảng 73 đối tác. BIDV hoàn thiện cổng thanh toán theo hướng NH mở kết nối với gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ và các trung gian thanh toán.

Số liệu từ Vụ Thanh toán NHNN cũng cho biết, 72,3% tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang dự tính triển khai các API, trong đó 47,6% đã xây dựng các API để các bên thứ 3 kết nối; khoảng 65% TCTD sẵn sàng triển khai Open API, trong đó trên 30% TCTD có mức độ sẵn sàng cao. Thế nhưng, điểm khác biệt của Việt Nam so với thế giới trong chuyển động số vẫn là hành lang pháp lý luôn đi sau thực tiễn, dẫn đến việc phải đi chậm để chờ quy định.

Thực tế, mô hình NH mở đã có một số nền tảng quan trọng, như Nghị quyết 52 năm 2019 về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Chính trị; Quyết định 749 tháng 6-2020 về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư 16/2020 quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC) của NHNN; Quyết định 316 phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm…

Nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định nào cụ thể về NH mở. Vì vậy, mô hình NH mở và Open API tại Việt Nam hiện còn mang tính riêng lẻ. Như Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhận định, việc phát triển Open API đang diễn ra cục bộ ở từng NH, chưa có chuẩn chung. Còn theo các NH, nhu cầu của khách hàng ngày càng cao đã thúc đẩy các NH chuyển đổi, nhưng xu hướng chung là vừa triển khai vừa chờ hành lang pháp lý.

Là người trong cuộc, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank, cho biết có những rủi ro cần phải làm rõ trong hệ thống pháp lý. Chẳng hạn, điều kiện gì để có thể kết nối vào API của NH? Đơn vị nào thẩm định, cấp phép? NH cung cấp dịch vụ có cần kiểm tra và chịu trách nhiệm về bản chất hoạt động kinh doanh của các đơn vị sử dụng API? Trường hợp một công ty đánh bạc sử dụng API để chuyển tiền, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngoài ra, các chuyên gia tài chính còn nhấn mạnh một số rủi ro khác liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, vì như tên gọi NH mở sẽ rất cởi mở. Nhưng hiện nay chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn an ninh, an toàn thông tin chung cho mô hình này.

Song hành lang pháp lý cho mô hình này chưa thể kỳ vọng nhiều. Cụ thể, ban đầu trong đề cương xây dựng Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) có đề cập đến NH số (Điều 97). Tuy nhiên, tại các bản dự thảo sau này, nội dung này đã bị gỡ bỏ. Dự thảo này trình Quốc hội chỉ đề cập đến hoạt động NH điện tử (số hóa NH truyền thống), chưa đề cập đến hoạt động của NH số như một khái niệm rộng hơn khái niệm NH điện tử, chưa quy định những nội dung điều chỉnh mô hình NH số.

Hay dự thảo nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech trong lĩnh vực NH (sandbox) đã được NHNN trình Chính phủ từ 2 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Vậy liệu ngành NH, các công ty fintech và cả thị trường có thể kỳ vọng hành lang về mô hình NH mở được thiết lập sớm hơn?

Các tin khác