Người giàu nhất châu Á phá sản

(ĐTTCO) - Một tòa án ở Hồng Kông hôm 29-1 đã ra lệnh giải thể Evergrande sau hơn 2 năm kể từ khi vỡ nợ, đánh dấu cột mốc nghiệt ngã đối với Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), người từng giàu nhất châu Á.

Người giàu nhất châu Á phá sản

Tương lai bất định

Sau hơn 2 năm kể từ khi vỡ nợ, Tập đoàn Evergrande Trung Quốc của Hứa Gia Ấn đã bị tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý vào ngày 29-1. Phán quyết này sẽ mở ra một quy trình pháp lý tốn kém và kéo dài nhiều năm, khi các chủ nợ nước ngoài chuẩn bị hành động để giành quyền tiếp cận tài sản của nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Và số phận của Hứa Gia Ấn - người sáng lập kiêm chủ tịch Evergrande, từng là người giàu nhất châu Á, sẽ không được quyết định sớm.

Quyết định của Thẩm phán Linda Chan về việc chấm dứt niêm yết Evergrande ở Hồng Kông, được đưa ra sau nhiều lần trì hoãn trong các cuộc đàm phán của công ty nhằm cơ cấu lại khoản nợ quốc tế của mình. Khoản nợ này là từ việc vỡ nợ trái phiếu bằng đô la vào cuối năm 2021.

Vài giờ sau lệnh thanh lý, bà Chan chỉ định Alvarez & Marsal làm người thanh lý để tịch thu tài sản của Evergrande và trả nợ cho chủ nợ. Alvarez & Marsal cũng được cho sẽ xem xét cổ phần của ông Hứa tại Evergrande, công ty mà ông thành lập năm 1996 tại Quảng Châu.

Hứa sở hữu khoảng 60% Evergrande, hiện chỉ có vốn hóa thị trường2,1 tỷ đô la Hồng Kông (270 triệu USD) sau khi giảm 21% vào ngày 29-1 trước khi bị tạm dừng giao dịch.

Hậu vận buồn của Hứa Gia Ấn: U70 sống trong ác mộng nợ nần, tương lai đế chế bất động sản khổng lồ bất định…

Evergrande đã trở thành điển hình của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, sau khi quá trình mở rộng dựa vào nợ nần bùng nổ vào năm 2021. Hiện công ty vẫn chưa hoàn thành nhiều khu chung cư đã bán trước trên khắp Trung Quốc. Họ đã nhiều lần tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề này, vốn gắn liền với sự bất ổn xã hội khi người mua nhà xuống đường biểu tình trong bối cảnh các công trình xây dựng bị đình trệ.

Trong khi đó, số phận của chính ông Hứa Gia Ấn đang bị đe dọa. Từng là người giàu nhất châu Á với tài sản ròng trị giá 45,3 tỷ USD, ông đã chứng kiến tài sản của mình giảm hơn 90% xuống còn 3,1 tỷ USD.

Con số đó gần như dựa trên các khoản thanh toán cổ tức của Evergrande trong nhiều năm, dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh thanh lý vì phạm vi pháp lý của tòa án không đề cập đến vấn đề cá nhân của ông. Tuy nhiên, ông trùm một thời đã bị điều tra vì những tội danh chưa xác định vào tháng 9 năm ngoái.

Công ty chưa đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về bản chất các tội phạm bị nghi ngờ của Hứa Gia Ấn cũng như nơi ở của ông. Người ta đồn đoán các nhà chức trách không hài lòng với tiến độ giao nhà bán trước chậm chạp, cũng như trả nợ cho các hộ gia đình đã đầu tư vào các sản phẩm quản lý tài sản của nhà phát triển bất động sản.

Với khoảng 5,5 tỷ USD sản phẩm đầu tư được bán ra, đơn vị quản lý tài sản của Evergrande cho biết họ sẽ sử dụng số tiền thu được để tài trợ cho các dự án như sản xuất ô tô điện. Sau nhiều năm thanh toán quá hạn, năm ngoái chính quyền cũng bắt giữ các nhân viên tại đơn vị, trong đó có con trai út của Hứa là Peter Xu.

Từ bần cùng đến người giàu nhất Trung Quốc

Sinh ra ở tỉnh Hà Nam, ông Hứa được bà ngoại nuôi dưỡng ở vùng nông thôn nghèo khó. Mẹ ông qua đời khi ông mới 1 tuổi, do không đủ khả năng đi khám bệnh. Ông Hứa cho biết khi lớn lên ông đã có ý định trở thành thợ nề để có thể kiếm được mức lương đều đặn.

Ông Hứa tâm sự: “Hồi đó, tôi nóng lòng muốn được người khác giúp đỡ, háo hức tìm việc làm, rời quê hương mãi mãi và ăn bột mì”. Nhưng khi các trường đại học mở cửa trở lại sau Cách mạng Văn hóa, ông đăng ký vào Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, và làm việc suốt một thập niên trong một nhà máy thép thuộc sở hữu nhà nước.

Ông Hứa thành lập Evergrande ở thành phố Quảng Châu vào năm 1996, khi chính phủ tìm cách di dời hàng trăm triệu người từ nông thôn lên thành phố. Ông mua hàng trăm lô đất, hứa hẹn biến chúng thành những tòa tháp chung cư đô thị hóa. Bị thu hút bởi những tiện nghi của tầng lớp trung lưu - chẳng hạn như vị trí gần phương tiện giao thông công cộng và trường học tốt - người mua đổ xô đến nhà của ông và Evergrande đã bán được nhiều bất động sản hơn các nhà phát triển khác.

Sau khi niêm yết cổ phiếu của Evergrande vào năm 2009, ông Hứa đã rót lợi nhuận từ sự bùng nổ bất động sản vào các dự án kinh doanh không liên quan. Evergrande mua lại câu lạc bộ bóng đá tốt nhất Quảng Châu vào năm 2010, chi hàng tỷ đô la cho các cầu thủ nước ngoài trong những năm ông Tập vạch ra tham vọng biến Trung Quốc thành siêu cường bóng đá.

Một số khoản đầu tư khác của ông Hứa là phát triển xe điện và y học cổ truyền Trung Quốc. Công ty đã thuê diễn viên phim hành động Thành Long là gương mặt đại diện cho dự án kinh doanh nước khoáng.

Để thúc đẩy sự mở rộng mạnh mẽ của Evergrande trên khắp đất nước, công ty đã vay mượn rất nhiều. Evergrande lấy các khoản vay từ ngân hàng và cả nhân viên của mình. Cuối cùng, công ty đã vay nhiều hơn số tiền có thể trả.

Ông Hứa thuộc nhóm cố vấn chính trị ưu tú của Trung Quốc, từng đeo thắt lưng khóa vàng của Hermès trong phiên họp năm 2012 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Vào năm 2017, ông trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản 42 tỷ USD.

Vào ngày 1-7-2021, ông là một trong những khách mời trên sân khấu tại Quảng trường Thiên An Môn trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Tất cả những gì tôi có và Tập đoàn Evergrande đạt được, đều do Đảng, nhà nước và toàn xã hội ban tặng” - ông Hứa nói trong bài phát biểu năm 2018.

Nhưng sau đó vào năm 2021, Evergrande bắt đầu vỡ nợ. Từng là một trong những cổ phiếu hoạt động tốt nhất trong nước, cổ phiếu của công ty đã giảm giá. Người mua nhà biểu tình trên đường phố. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã thông báo cho Evergrande về việc giải quyết khoản nợ của mình.

Công ty đã phải vật lộn để bán bớt một số tài sản của mình để gây quỹ. Tính tới tháng 10-2023 tài sản của ông Hứa đã giảm tới 98% xuống 979 triệu USD và ông không còn là tỷ phú.

Các tin khác