Ý kiến trên được đưa ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tuần qua, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2017, kế hoạch năm 2018. Ban đầu dự án được phê duyệt với dự toán 17.000 tỷ đồng, nhưng sau đó TP đề nghị tăng tổng vốn đầu tư lên 47.000 tỷ đồng.
Giãn tiến độ nguy cơ đội vốn
Trước đó, tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 7 tháng đầu năm hồi cuối tháng 7, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (BQL) đã báo động với TP về tình hình thiếu vốn cho tuyến metro số 1 này. Thời điểm đó toàn tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên có khối lượng thực hiện đạt 67,4%, với chiều dài 17,2km bắc qua 5 cầu, có 11 nhà ga và dự kiến tháng 8-2017 sẽ lắp đường ray.
Để làm được khối lượng công việc này, ông Quang cho biết ngay từ tháng 4-2017 nhà thầu công trình đã làm hết sức tích cực và chúng ta đang nợ nhà thầu khoảng 500 tỷ đồng. Do vậy ông Quang đề xuất TP tạm ứng tiếp ngân sách để thanh toán cho nhà thầu, nếu không ứng vốn tiến độ công trình sẽ gặp khó khăn. Về phía BQL cũng đã tích cực đeo bám Bộ KH-ĐT, nhưng bộ này vẫn chưa có đề xuất Chính phủ về việc phân bổ nguồn vốn trung hạn năm 2017 cho công trình.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM bà Phan Thị Thắng, cho biết ngân sách TP có thể đảm đương được việc tạm ứng vốn để trả cho nhà thầu, nhưng về thủ tục giữa TP và các bộ ngành còn vướng, và Bộ Tài chính cũng không đồng ý cách ứng ngân sách này.
Do vậy, bà Thắng đề nghị lãnh đạo TP cần có buổi làm việc riêng với Bộ Tài chính để bàn giải pháp cụ thể gỡ vướng.
Ngay cả Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đại sứ quán Nhật Bản cũng đã từng than phiền vấn đề chậm rót vốn cho dự án metro số 1 nhiều lần. Còn các nhà thầu thắc mắc tại sao họ chuẩn bị nhân lực, thiết bị, nguồn vốn để thực hiện dự án metro số 1 rất chu đáo, nhà tài trợ là Chính phủ Nhật đã chuẩn bị nguồn vốn sẵn sàng, nhưng thủ tục phía Việt Nam lại làm ảnh hưởng quá lớn đến dự án. Niềm tin từ các nhà thầu Nhật đang bị sút giảm. Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM |
Theo BQL, đến tháng 4-2017, Bộ KH-ĐT mới phân bổ vốn năm 2017 cho dự án metro số 1 với 2.119 tỷ đồng, trong khi nhu cầu cả năm là 5.422 tỷ đồng. Số tiền phân bổ này chỉ mới đủ trả nợ cho nhà thầu và trả tiền vay 600 tỷ đồng (cũng trả cho các nhà thầu). Do vậy BQL phải tạm ứng thêm 500 tỷ đồng để thanh toán, nhưng tạm ứng chỉ đủ một phần nhỏ vì phần thiếu hụt năm 2017 lên đến 3.300 tỷ đồng.
Chính vì vậy, nếu trước đây chỉ có 1-2 nhà thầu giãn tiến độ vì thiếu vốn, thì hiện tại đồng loạt các nhà thầu đều gửi thư thông báo chính thức việc giãn tiến độ, có nhà thầu đã thông báo ngừng thi công, thậm chí có nhà thầu đề cập sẽ chấm dứt hợp đồng và kiện chủ đầu tư.
Như vậy cho đến thời điểm này, có thể khẳng định mục tiêu hoàn thành dự án metro số 1 vào năm 2020 bị ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng.
Theo nguyên tắc trong hợp đồng, khi các nhà thầu giãn tiến độ họ sẽ trả máy móc thiết bị, trả chuyên gia và cho công nhân nghỉ, vì không thể giữ nhân lực để trả lương trong khi công trình giãn tiến độ. Đó là chưa nói đến việc sau này khi nhà thầu muốn thi công trở lại, họ sẽ yêu cầu chủ đầu tư trả chi phí huy động nhân lực, thiết bị thi công, kinh phí phát sinh này không nhỏ và tiếp tục làm đội vốn dự án.
Tự mình hại ta
Giải trình vì sao dự án tăng vốn khủng, ông Quang cho biết, thực ra dự toán cho tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên ban đầu được lập năm 2006, do tư vấn trong nước thực hiện lại chưa có nhiều kinh nghiệm về metro, chưa tính rõ số lượng đoàn tàu và một số hạng mục.
Sau đó năm 2008, tư vấn Nhật Bản mới chính thức tính toán lại con số cụ thể. UBND TPHCM báo cáo và xin ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT và đều nhận được ý kiến đồng thuận. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị cho UBND TPHCM phê duyệt tổng mức đầu tư là 2,491 tỷ USD (tương đương 47.325 tỷ đồng) vào năm 2011.
Như vậy tổng mức đầu tư điều chỉnh đã có sự đồng ý của các bộ ngành Chính phủ sau khi có cơ quan thẩm định độc lập được ủy quyền cho UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2011, và cho đến nay không có sự đội vốn nào.
Cho ý kiến tại phiên họp UBTVQH tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đúng là thời điểm đó, khi đó Phó Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị ủy quyền cho TPHCM phê duyệt mức dự toán này. Thế nhưng, do mức vốn thể hiện quá lớn nên dự án phải đưa vào diện công trình quan trọng quốc gia, phải báo cáo Quốc hội.
Chính vì vậy mà cho đến nay dự án vẫn chưa được phê duyệt tổng mức đầu tư, vì số vốn cần cấp phát thêm chưa có được sự thỏa thuận thống nhất giữa Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính và TPHCM về tỷ lệ vốn cấp phát từ Trung ương.
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội sớm xem xét phê duyệt cho phần vốn đội thêm của dự án, bởi nếu không giải quyết, tuyến metro này sẽ dang dở, hệ quả để lại khó lường, trong đó có cả vấn đề quan hệ đối ngoại với Nhật Bản (tổng thầu và vay vốn ODA từ Nhật Bản). Thế nhưng, thật bất ngờ khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đều khẳng định chưa nhận được bất cứ tờ trình, báo cáo nào nên Quốc hội chưa thể xem xét.
Theo BQL, đến thời điểm hiện nay đường ray tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km đang bắt đầu lắp đặt. Theo đó, đoạn từ ngã tư Bình Thái đến cầu vượt xa lộ Hà Nội là tuyến đường ray đầu tiên được lắp đặt. Đây là một trong những hạng mục của gói thầu CP3 mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng do nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) sản xuất, chế tạo.
Gói thầu CP2 xây dựng đoạn metro đi trên cao dài 17,1km và trạm bảo dưỡng đầu máy toa xe đạt 70% khối lượng. Gói thầu CP1b xây dựng đoạn đi ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son do liên danh nhà thầu Shimiwu-Maeda (Nhật Bản) thi công cũng đạt 51% khối lượng.
Dự án metro số 1 được thực hiện đúng tiến độ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho TPHCM và cả nước. Do đó việc chậm giải ngân cho dự án sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của nến kinh tế.