Nhu cầu năng lượng sạch tăng kéo giá than giảm mạnh trên toàn cầu

(ĐTTCO) - Giá than châu Âu đã giảm xuống dưới 100USD/tấn vào cuối tháng 5, thấp nhất trong gần 2 năm qua, do nhu cầu điện giảm và mục đích chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
Nhu cầu năng lượng sạch tăng kéo giá than giảm mạnh trên toàn cầu

“Sóng thần giá than” 2021-2022

Trong khi nhu cầu năng lượng tăng mạnh năm 2021 cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau thời điểm dịch bệnh năm 2020, Trung Quốc với vai trò ảnh hưởng nhất đối với giá than toàn cầu, đã có các quyết định gây ảnh hưởng đến nguồn cung than, từ đó giá than đã tăng điên cuồng. Sản lượng đã bị cắt giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2021, với việc các mỏ phải đóng cửa do lo ngại về an toàn.

Tỉnh sản xuất than lớn nhất của Trung Quốc là Sơn Tây, chiếm khoảng 14% tổng sản lượng than của thế giới, đã đóng cửa khoảng 130 mỏ, tương đương giảm tới 185 triệu tấn, khoảng 25% tổng sản lượng của tỉnh. Tác động của thiếu hụt nguồn cung càng lớn hơn trong bối cảnh thời tiết lạnh bất thường ở các quốc gia Đông Bắc Á khi đó.

Tiếp theo đà tăng của giá than năm 2021, đầu năm 2022 Indonesia cấm xuất khẩu than trong vòng 3 tuần (để tăng lượng tồn kho trong nước), đã tác động tiếp lên giá than. Chưa dừng lại ở đó, xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt, tiếp tục góp phần làm giá than tăng, cũng như duy trì ở mức cao trong năm 2022. Chỉ tới khi tác động của các sự kiện liên tiếp đó dần yếu đi, giá than mới bắt đầu giảm cho đến nay.

Quan sát đồ thị giá than giai đoạn 2021-2022 tựa như cơn sóng thần đã trải qua. Hiện tại, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời dự kiến chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường năng lượng châu Âu trong năm nay, khí đốt vẫn là nhiên liệu chính để sản xuất điện khi Đức và Bỉ đóng cửa các nhà máy hạt nhân. Với việc giá khí đốt duy trì ở mức thấp và xu hướng chuyển dịch qua năng lượng sạch, dự kiến tiếp tục đè nặng lên giá than thời gian tới.

Lượng nhập khẩu cao kỷ lục

Nhập khẩu than nhiệt vận chuyển bằng đường biển của châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong tháng 5, do giá rẻ hơn thu hút người mua ở các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực. Theo dữ liệu được tổng hợp bởi hãng Kpler, tổng cộng khoảng 78,38 triệu tấn than có khả năng nhập khẩu trên khắp châu Á trong tháng 5, con số cao nhất trong dữ liệu của Kpler kể từ tháng 1-2017.

Dữ liệu của Refinitiv từ tháng 1-2015 cũng cho thấy điều tương tự. Tích cực hơn khi con số kỷ lục của tháng 5 là sự tiếp nối của khối lượng mạnh mẽ trong tháng 3 và tháng 4. Trong đó tháng 3 có khối lượng cao thứ 2 chỉ sau tháng 5, và khối lượng của tháng 4 đứng thứ 3, theo dữ liệu lịch sử vừa nêu.

Nhập khẩu than nhiệt của Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu than lớn nhất thế giới) cũng ở mức cao trong tháng 5, với hãng Kpler ước tính lượng nhập khẩu 28,24 triệu tấn, thấp hơn một chút so với 28,42 triệu tấn của tháng 4 và 28,40 triệu tấn của tháng 3.

Trung Quốc đã chuyển sang sử dụng than nhiệt nhập khẩu bằng đường biển để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, với các nhà máy nhiệt điện trong 4 tháng đầu năm đã tạo ra thêm nhiều hơn 83 tỷ kilowatt giờ (kWh) so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng điện đốt than tăng lên khi thủy điện gặp khó khăn, với sản lượng từ nguồn điện sạch giảm 42 tỷ kWh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4.

Ấn Độ, nhà nhập khẩu than lớn thứ hai thế giới, cũng đã tăng cường mua hàng, với lượng nhập khẩu các loại than trong tháng 5 theo ước tính của Kpler 16,62 triệu tấn, tăng so với 14,37 triệu tấn của tháng 4 và cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Thời tiết nóng hơn bình thường và tăng trưởng kinh tế vững chắc đang thúc đẩy nhập khẩu của Ấn Độ.

Với việc giá than hiện nay thấp hơn, có nghĩa là các nhà máy nhiệt điện than chạy bằng nhiên liệu nhập khẩu có thể kiếm được lợi nhuận ngay cả khi bán vào thị trường điện được điều chỉnh giá của Ấn Độ.

Các quốc gia nhập khẩu khác tại thị trường châu Á đang phát triển cũng chứng kiến nhập khẩu than nhiệt tăng. Với Việt Nam dự kiến đạt 2,90 triệu tấn trong tháng 5, tăng từ mức 2,09 triệu tấn trong tháng 4, và đây là mức cao nhất kể từ tháng 6-2020. Nhập khẩu của Malaysia dự kiến 3,26 triệu tấn trong tháng 5, tăng từ mức 2,64 triệu tấn trong tháng 4 và cao nhất kể từ tháng 3-2020.

Trong khi giá thấp hơn và nhu cầu điện tăng đang thúc đẩy nhập khẩu than nhiệt ở châu Á đang phát triển, các nền kinh tế tiên tiến ở Bắc Á đang trải qua giai đoạn tạm lắng theo mùa thông thường giữa mùa đông và mùa hè cao điểm.

Nhật Bản, quốc gia nhập khẩu than lớn thứ ba châu Á, được Kpler ước tính nhập khẩu 6,95 triệu tấn các loại than trong tháng 5, giảm so với mức 8,55 triệu của tháng 4 và 10,60 triệu trong tháng 3. Đứng thứ tư là Hàn Quốc ước tính nhập khẩu 6,03 triệu tấn trong tháng 5, giảm từ mức 6,70 triệu trong tháng 4 và 6,42 triệu trong tháng 3.

Hai quốc gia này có xu hướng ưa chuộng than cao cấp của Australia, và giá của loại than này cũng đang giảm. Chỉ số Newcastle hàng tuần cho than 6.000 kcal/kg đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 tháng, là 146,78 USD/tấn trong tuần tính đến ngày 26-5, giảm 67% so với mức cao kỷ lục 442,9 USD đạt được vào tháng 9-2022.

Xu hướng giá sắp tới

Với việc yếu tố bùng nổ kinh tế sau đại dịch đã qua, trong khi bối cảnh vĩ mô hiện tại là sản xuất kinh doanh trong môi trường lãi suất cao kéo dài. Tăng trưởng kinh tế ở mức độ dè dặt và ngấp nghé suy thoái, giá than xem như thiếu đi yếu tố dẫn dắt đà tăng bởi nhu cầu mạnh mẽ như năm 2021.

Bên cạnh đó, các yếu tố đe dọa đến nguồn cung (thời tiết cực đoạn, dòng chảy khí đốt) không còn đáng kể, và xu hướng thế giới chuyển đổi sang các dạng năng lượng sạch hơn để đáp ứng lộ trình COP27 sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá than trong trung và dài hạn.

Các tin khác