Chiều 9/12, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác số 4 về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đã làm việc với lãnh đạo 3 địa phương Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ trưởng Tổ công tác số 4 chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn giải ngân kế hoạch năm 2021 của 3 địa phương tính đến ngày 30/11 đạt khoảng 29.511,352 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 56,5% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm 2021 (thấp hơn bình quân chung của cả nước 63,85%).
Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân được 28.150,475 tỷ đồng, đạt 64,52% kế hoạch; nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 565,253 tỷ đồng, đạt khoảng 27% kế hoạch; nguồn vốn nước ngoài (ODA) đã giải ngân 795,624 tỷ đồng, đạt 12,22% kế hoạch.
Phân theo địa phương, tỉnh Hưng Yên giải ngân đạt 89,45% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 122,92%, cao hơn số giao của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 10,68% kế hoạch (thấp hơn mức bình quân cả nước), vốn ODA đạt 99,96%.
Tỉnh Vĩnh Phúc giải ngân đạt 70,73% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 78,11%, nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA thấp hơn mức bình quân cả nước, lần lượt đạt 12,75% và 2,55%.
Thành phố Hà Nội giải ngân đạt 51,16% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn ngân sách địa phương đạt 57,73% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 84,43% (do các dự án tập trung để thu hồi ứng trước từ nguồn ngân sách Trung ương), nguồn vốn ODA đạt thấp với tỷ lệ giải ngân gần 12%.
Dự kiến đến hết ngày 31/1/2022, các địa phương dự kiến giải ngân đạt 98,91% kế hoạch năm 2021, cả 3/3 địa phương dự kiến giải ngân trên 90% kế hoạch năm.
Việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 có nhiều khó khăn, chủ yếu do vướng mắc trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư; khó khăn về thiếu nhân công, tư vấn, chuyên gia và nhập khẩu, vận chuyển thiết bị; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tăng giá nguyên vật liệu xây dựng; do tác động của dịch COVID-19; công tác phân bổ vốn và thực hiện dự án…
Tại cuộc họp, các địa phương kiến nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài ODA năm 2021; đề nghị cho phéo các Ban Quản lý dự án hoặc đơn vị có đủ năng lực được lập, trình chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện chính sách về công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…
Đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội… đã giải đáp, trao đổi về một số kiến nghị của địa phương nêu tại cuộc họp để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng; giám sát giá nguyên vật liệu; quy định thời gian giải ngân vốn đối với nhiều dự án đầu tư công trung hạn do giao vốn muộn; thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bên cạnh các nguyên nhân khách quan, cần phân tích kỹ những nguyên nhân chủ quan như giao vốn chậm, quy định còn chưa sát thực tiễn, nhất là khâu chuẩn bị các dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng. Các địa phương cần nỗ lực cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư công theo các mốc thời gian.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo về tiến độ giải ngân của Hưng Yên, Vĩnh Phúc, thành phố Hà Nội, trong đó phân định rõ phần vốn đầu tư công của các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021; các dự án mới được phân bổ vốn và cam kết hoàn thành giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương theo các mốc thời gian cụ thể; làm rõ nguyên nhân các dự án ODA chậm giải ngân...