Năm 2021, lợi nhuận sau thuế của HPG là 35.000 tỷ đồng, nộp thuế 12.400 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận khổng lồ, đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam!
Những cơn sốt đất xảy ra thời gian qua tại nhiều vùng miền khiến xã hội đảo điên.
Điều đáng nói, nguồn thu của HPG lại không đến từ đất đai. Trong danh sách tỷ phú Việt Nam do Tạp chí Forbes xếp hạng, ông chủ HPG là tỷ phú đô la Mỹ, nhưng thuộc dạng hiếm hoi là xuất phát từ sản xuất kinh doanh, chứ không phải bắt nguồn từ bất động sản.
Nhìn sang các nước xung quanh phát triển vượt bậc, như Singapore, sự giàu có của đất nước không đến từ đất đai; hoặc Thái Lan, trong danh sách 10 tỷ phú giàu nhất cũng không có ai đến từ bất động sản. Còn góc độ của thế giới, hiện nay sự thịnh vượng của các quốc gia hoặc các tập đoàn “phủ sóng” toàn cầu đều không đến từ bất động sản.
Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, thước đo sự giàu có gần như nhìn vào bất động sản. Những cơn sốt đất xảy ra thời gian qua tại nhiều vùng miền khiến xã hội đảo điên. Người người lao vào đất! Nguyên nhân được giải thích đơn giản là vì, đất đai đem lại giàu có dễ dàng, nhanh chóng.
Thế nhưng, hấp lực của đất đai đã để lại rất nhiều mặt trái, bức tranh xã hội đã hiện ra rất rõ: nhiều cán bộ vướng vòng lao lý; tiền của xã hội chôn vào đất, cứ chờ đất đai tăng giá kiếm lời, từ đó nguồn lực đầu tư sản xuất kinh doanh để đưa đất nước phát triển bị triệt tiêu.
Tâm lý này đã ăn vào tiềm thức, cho dù Nhà nước luôn kêu gào nắn dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh, nhưng là bình thông nhau, cứ mỗi lần cắt giảm lãi suất cho vay thì sốt đất lại xuất hiện! Vòng lẩn quẩn này đã tồn tại hàng chục năm nay. Với cách thức vận hành của nền kinh tế như vậy làm cho chúng ta đã đi ngược với xu hướng phát triển của thế giới. Cần phải thấy rõ, sự đóng góp từ đất đai cho nền kinh tế lại hết sức khiêm tốn.
Theo thống kê của Cục Thuế TPHCM, thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh bất động sản trong 10 năm, từ 2011- 2020 đạt 125.270 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,26% tổng thu ngân sách toàn thành phố. Việc phát triển thị trường nhà ở lại lệch pha cung - cầu, tỷ lệ nhà cao cấp chiếm số lượng lớn, nhà giá trung bình quá nhỏ bé. Theo Sở Xây dựng TPHCM, năm 2020, tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ còn 1%, phân khúc cao cấp vọt lên 42,1%. Tóm lại, với cách phát triển như vậy, đất đai không mang lại sự hài hòa cho sự phát triển của xã hội.
Chắc chắn, muốn đất nước phát triển bền vững phải dựa vào sản xuất kinh doanh, cũng như ngành nghề đòi hỏi chất xám cao. Để huy động nguồn lực cho nền kinh tế thì việc phải làm là “đánh sập” vấn nạn đầu cơ nhà đất. Đó là, siết chặt việc phê duyệt dự án nhà ở thương mại, phải tuân thủ theo quy hoạch cũng như nhu cầu của xã hội; minh bạch pháp lý. Dòng vốn đổ vào nhà đất phải kiểm soát chặt chẽ, có chế tài mạnh mẽ đối với trường hợp sử dụng vốn sai mục đích. Đánh thuế lũy tiến đối với người sở hữu nhiều nhà đất. Tiếp đó, siết chặt việc khai thuế chuyển nhượng bất động sản, xử lý nghiêm trường hợp gian lận...
Song song giải pháp siết đầu cơ cần ban hành hàng loạt chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội. Giảm mạnh lãi suất, tăng thêm lợi nhuận cho chủ đầu tư; giảm sâu lãi suất và kéo dài thời gian trả nợ cho người mua nhà. Đồng thời, quy hoạch những cụm nhà ở xã hội có quy mô lớn, tổ chức giao thông thuận lợi cho công ăn việc làm cũng như nhu cầu sinh hoạt của người dân. Cách làm này sẽ điều tiết nhu cầu nhà ở, kéo giảm giá nhà đất.
Thực hiện được tổng hòa các giải pháp như vậy, lúc đó chúng ta mới có cơ sở uốn dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh, phát huy được nguồn lực phát triển kinh tế đất nước!