Trao đổi với ĐTTC, TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH, cho rằng điều này là cần thiết để phục hồi kinh tế, song cũng cần quản lý quy mô nợ công, tăng cường huy động nguồn lực trong nước, kiểm soát sử dụng nguồn vốn… để đạt hiệu quả cao nhất.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, theo Bộ Tài chính chấp nhận tăng nợ công để phục hồi kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Tôi cũng cho rằng tăng nợ công 2021 là điều cần thiết, vì Chính phủ cần bỏ thêm tiền đầu tư để phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đưa ra chỉ tiêu nợ công trên GDP hiện nay theo tôi chưa an toàn.
Với cách tính GDP mới, nợ công của Việt Nam xuống rất thấp. Song không nên dùng chỉ tiêu này để theo dõi nợ công. Ở Mỹ có một con số tuyệt đối cố định cho nợ công, khi nợ công đạt con số đó hoặc gần đạt được, chính phủ phải đệ trình quốc hội để xin tăng trần đó.
Điều này giúp việc theo dõi nợ công chính xác và thực tế hơn. Còn nếu dùng tỷ lệ 65%/GDP theo ngưỡng Quốc hội phê duyệt, nếu GDP tăng lên quy mô nợ công cũng tăng theo và sẽ gây khó khăn trong vấn đề quản lý nợ công.
Tôi nghiêng về cách tính tỷ lệ nợ công trên con số tuyệt đối, thay vì xét độ an toàn dựa vào tỷ lệ nợ công trên GDP. Bởi lẽ, khi tính GDP theo cách cũ, tỷ lệ nợ công năm 2021 ở mức 58,6%, nhưng theo cách tính mới GDP tăng lên đẩy tỷ lệ nợ công xuống. Điều này có thể tạo ra ảo tưởng đang kiểm soát nợ công tốt nhưng thực sự không phải.
Vì vậy, bên cạnh việc nới nợ công năm 2021, theo tôi ngoài trần 65%, nên có trần nợ công tuyệt đối. Với 2 ngưỡng an toàn đó, khi sắp chạm bất cứ ngưỡng nào, Chính phủ đều phải ngay lập tức đề xuất lên Quốc hội để có sự điều chỉnh phù hợp.
Ảnh minh họa.
- Hiện có 40 quốc gia bị hạ mức đánh giá tín nhiệm chủ yếu do các gói hỗ trợ tài khóa phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến gánh nặng nợ công gia tăng. Vậy khi nới nợ công, Việt Nam có đối mặt với rủi ro này, thưa ông?
- Nếu tăng nợ công có thể sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá tín nhiệm quốc gia. Nhưng việc tăng nợ công không phải là tiêu cực. Điều làm hạ mức tín nhiệm quốc gia là do khả năng trả nợ.
Nếu các nước tăng nợ công nhưng khả năng trả nợ giảm sút, điểm tín nhiệm sẽ giảm. Đối với Việt Nam, các công ty đánh giá tín nhiệm cũng sẽ nhắm đến khả năng trả nợ như thế nào để xếp hạng.
Cụ thể, việc xếp hạng còn dựa trên các yếu tố như tỷ lệ nợ công có trong ngưỡng an toàn, quy mô nợ công về định lượng ở mức bao nhiêu; quốc gia đó có đủ ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, có đủ dự trữ ngoại hối để bao phủ ít nhất 3 tháng nhập khẩu theo thông lệ quốc tế…
Đó là đánh giá chung, còn với tình hình hiện nay tăng cường nguồn vốn trong nước và nước ngoài là cần thiết.
Tuy nhiên, hiện tại thị trường tài chính nước ngoài đang bị dao động rất nhiều bởi các vấn đề về kinh tế vĩ mô và dịch bệnh. Vì vậy khi nới nợ công đòi hỏi phải tăng được nguồn lực trong nước, tức tăng nợ công năm 2021 là để phục hồi kinh tế.
- Như vậy theo ông nên tăng nguồn lực trong nước khi vay nợ công thời điểm này?
Ngoài tăng đầu tư công, cần đẩy mạnh huy động vốn trong nước, tận dụng những nguồn tài chính xã hội, phát hành trái phiếu cho người dân và các tổ chức kinh tế. |
Đồng thời, thị trường tài chính nước ta hiện nay cũng bị dao động. Dù VN Index tăng điểm nhưng do dịch bệnh nên tình hình tài chính cả nước không ổn định như trước, kênh vốn NH cũng như các nguồn vốn khác cũng bị ảnh hưởng.
Song TPCP luôn là tài sản an toàn nhất trong hệ thống tiền tệ Việt Nam. Đây là thuận lợi để Chính phủ huy động vốn trong nước.
Về phía quốc tế, Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ để vay trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc vay này cũng có giới hạn, vì Việt Nam có điểm tín nhiệm rất thấp, ở mức không khuyến khích đầu tư và mang tính rủi ro.
Do đó, khi phát hành trái phiếu quốc tế, Việt Nam phải chịu lãi suất cao hơn các nước có điểm tín nhiệm cao hơn. Trong nguồn quốc tế, ngoài phát hành trái phiếu, Việt Nam có thể vay nợ từ các chính phủ khác trong những chương trình ODA.
Tuy nhiên, Việt Nam đã vào nhóm các nước có thu nhập trung bình, nên những thuận lợi khi vay vốn từ chính phủ các nước trước đây cũng mất đi, tức đang phải trả mức lãi suất cao hơn lãi suất ưu đãi khi tiếp cận nguồn vay ODA.
Các nguồn nữa hỗ trợ cho nền kinh tế Việt Nam là kiều hối và vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII), cũng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Với những phân tích trên, tôi cho rằng nên đẩy mạnh huy động vốn trong nước, tận dụng những nguồn tài chính xã hội, phát hành trái phiếu cho người dân và các tổ chức kinh tế.
Nếu có thể tăng cường vay nội địa sẽ không có rủi ro về ngoại hối, cũng như không phải đáp ứng nhiều điều kiện như vay nước ngoài, chẳng hạn khi vay ODA các chính phủ đặt điều kiện phải mua hàng của họ…
Vấn đề quan trọng sử dụng nguồn vốn như thế nào là vấn đề cần tính toán kỹ. Chính phủ đang có 2 gánh nặng lớn là đầu tư vào hạ tầng cơ sở để phát triển kinh tế, nhưng mặt khác phải giải cứu doanh nghiệp (DN).
Việc giải cứu DN rất quan trọng, vì khi bước vào giai đoạn phục hồi nếu DN vẫn yếu, sức phục hồi rất mỏng. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn phải đổ tiền vào các dự án công, đầu tư công, hạ tầng cơ sở vì đó là nền tảng để phát triển.
Do đó làm sao để quân bình được 2 mục tiêu đó là vấn đề đặt ra đối với kế hoạch tài chính của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ phải có kế hoạch cụ thể, có giải pháp hài hòa về đầu tư công và giải cứu DN.
- Xin cảm ơn ông.