Máy bay “cháy vé”, giá kịch trần
Theo khảo sát, từ giữa tháng 4 tới nay, nhiều chặng bay khung giờ đẹp từ Hà Nội, TP.HCM tới các điểm du lịch hút khách như Phú Quốc, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Côn Đảo, Đà Lạt... dịp 30.4 đều đã kín chỗ.
Nắm bắt thời cơ, các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways tiếp tục tung thêm hàng trăm nghìn chỗ trong dịp này. Ngày 23.5, Vietnam Airlines thông báo sẽ tăng tải thêm 50.000 chỗ vào dịp lễ 30.4, tập trung vào 8 đường du lịch trọng điểm giữa Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc và giữa TP.HCM với Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc.
Mức tăng mạnh nhất là TP.HCM - Đà Nẵng với việc bổ sung 46 chuyến bay, sau đó là Hà Nội - Đà Nẵng với 40 chuyến bay... Như vậy, tổng lượng tải cung ứng toàn mạng bay của hãng này gồm cả nội địa và quốc tế dịp nghỉ lễ tới lên tới gần 2.700 chuyến bay và hơn 524.000 chỗ từ ngày 24.4 - 4.5.
Tương tự, Vietjet cũng tăng tải với gần 2.300 chuyến bay, tương đương 509.000 chỗ toàn mạng bay nội địa và quốc tế. Các đường bay tập trung lượng khách lớn như TP.HCM - Hà Nội, các đường bay đến các điểm du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cần Thơ… sẽ được tăng cường.
Ước tính, tổng số chỗ trên các chuyến bay nội địa của hãng trong tuần từ ngày 27.4 - 3.5 sẽ tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2019.
Bên cạnh đó, hãng này cũng mở lại và tăng chuyến bay tới Singapore, Bangkok (Thái Lan), Bali (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), New Delhi (Ấn Độ), Nhật Bản, Hàn Quốc... ngay trong dịp nghỉ lễ 30.4 sau khi các nước mở cửa du lịch trở lại.
Bamboo Airways dự kiến tăng 15% số chuyến bay nội địa, tập trung vào đường bay trục Hà Nội - TP.HCM/Đà Nẵng, đến Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn...
Đáng chú ý, dù số lượng vé tăng thêm khá lớn, song theo khảo sát mức giá vé đi các điểm nghỉ lễ hot đều đã chạm trần, hoặc ở mức rất cao. Đơn cử chặng bay Hà Nội - Phú Quốc ngày 29 và 30.4, dù còn chỗ song giá vé hạng phổ thông cũng ở mức gần chạm trần với 4,12 triệu đồng/vé. Với Vietjet, chặng bay Hà Nội - Phú Quốc sau khi hãng tăng thêm chỗ vẫn còn vé, song giá vé cũng mức cao, từ 2,3 đến gần 3 triệu đồng với hạng phổ thông.
Với số lượng chuyến bay ít, chặng bay hot nhất có thể kể đến Hà Nội - Côn Đảo của Bamboo Airways đã hết vé cách đây 2 tuần. Theo khảo sát, ngày 30.4 đã kín hết chỗ tất cả chặng bay, ngày 29.4 cũng chỉ còn duy nhất vài chỗ hạng thương gia với mức giá gần 7,7 triệu đồng/vé. Chiều ngược lại Côn Đảo - Hà Nội vào ngày 3.5 cũng đã hết vé cả 5 chuyến bay.
Sân bay căng mình đón lễ
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết ước tính dịp nghỉ lễ 30.4, lượng hành khách đi đường hàng không sẽ tăng khoảng 25 - 30% so với ngày thường, đạt khoảng 90 - 95% cùng kỳ năm ngoái.
Việc tăng tải dịp 30.4 được hỗ trợ khá nhiều nhờ việc các đường băng đang nâng cấp, sửa chữa của Nội Bài và Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động. Riêng sân bay Côn Đảo do bị hạn chế về hạ tầng khu bay nên không thể tăng thêm nhiều chuyến.
Đưa vào khai thác đường băng 11R-29L từ sáng 23.4, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết việc đã tăng lượt điều phối tại sân bay. Theo đó, từ 7 giờ ngày 23 - 30.4 sẽ áp dụng 40 slot/giờ cho các khung giờ từ 6 - 23 giờ 55 và 30 slot/giờ cho các khung giờ còn lại, thay vì 23 slot/giờ như trước đó.
Dự kiến sản lượng ngày cao nhất qua Nội Bài dịp lễ hơn 500 lượt chuyến bay và xấp xỉ 78.000 - 80.000 lượt khách, chủ yếu là bay nội địa. Đại diện sân bay khuyến cáo hành khách đến trước giờ bay 2 giờ đối với chuyến nội địa, 3 giờ với chuyến quốc tế.
Tại TP.HCM chiều qua (25.4), dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã hoàn thành. Hai đường băng 25R/07L và 25L/07L đã được đưa vào khai thác trở lại bình thường từ 14 giờ hôm qua.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho biết việc hoàn tất hệ thống đường lăn cùng các công trình kết nối, đường dẫn sẽ giúp sân bay Tân Sơn Nhất tăng năng suất phục vụ hành khách, điều hành bay, điều phối với các hoạt động bay trong thời gian cao điểm. Hiện nay, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đang duy trì tần suất bay ban ngày là 33 chuyến/giờ và ban đêm 32 chuyến/giờ. Sau khi dự án hoàn thành, Hội đồng cấp slot có thể nâng tần suất các chuyến bay khai thác lên 40 chuyến bay/giờ vào những khung giờ cao điểm.
Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất là thiếu phương tiện đón khách, gây ùn tắc trước cửa nhà ga. Theo kế hoạch và phương án khai thác giai đoạn 30.4 - 1.5 của Cảng Tân Sơn Nhất, giai đoạn cao điểm lễ, sản lượng khách đến dự kiến tại nhà ga quốc nội và quốc tế mỗi ngày khoảng 42.000 lượt. Thống kê ước tính, thiếu khoảng hơn 1.100 lượt xe taxi phục vụ tại sân bay.
Hiện nay, các doanh nghiệp taxi (bao gồm cả taxi truyền thống và taxi công nghệ) đều cam kết sẽ cung cấp đầy đủ số lượng xe và có phương án điều xe linh hoạt, ưu tiên địa bàn khu vực sân bay. Một số doanh nghiệp đã điều xe từ các tỉnh về tăng cường, thậm chí còn khuyến khích xe quay đầu đón khách tại sân bay bằng cách cộng thêm tỷ lệ doanh thu trên chuyến.
Cảng cũng tạo điều kiện cho taxi đưa khách tới sân bay được di chuyển vào đường nội bộ để quay đầu đón khách ngay, không cần chạy qua đường Trường Sơn. Các làn đưa/đón khách được tổ chức linh hoạt, bộ phận điều hành của doanh nghiệp sẽ phối hợp trực tiếp cùng an ninh cảng để điều tiết.
Bên cạnh đó, sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã xây dựng phương án xả trạm thu phí và sẽ áp dụng trong trường hợp cao điểm gây ùn tắc kéo dài.
Tàu hỏa chặng ngắn kín chỗ, xe khách tăng chuyến
Với mật độ tần suất cao cùng việc mở lại các đường bay trong nước và quốc tế, việc cải thiện, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường băng, đường lăn sẽ tháo gỡ toàn bộ tình trạng ách tắc hiện nay. Từ việc điều phối phục vụ đúng giờ, không quá tải sân đậu, giảm tải lượng hành khách nhà ga, kéo giảm hủy chuyến, không gây ách tắc giao thông trước khu vực nhà ga. Ông Nguyễn Minh Tuấn |
Dịp lễ này, đường sắt và đường bộ cũng không hề kém nhiệt. Trên trang web bán vé của Tổng công ty đường sắt VN, các chuyến tàu chặng Hà Nội đi Hải Phòng, Đồng Hới, Vinh trong ngày 29 và 30.4 đa phần đã gần kín chỗ vào khung giờ đẹp. Ở chiều ngược lại, ngày 3.5 chỉ còn ít ghế ngồi phụ hoặc giường tầng 3.
Đơn cử như chặng Hà Nội - Vinh có 10 chuyến tàu, song ngày 29.4 tất cả các hạng vé như ghế ngồi, giường nằm đều đã kín chỗ. Hành khách sẽ phải mua ghế ngồi phụ với mức giá không rẻ, 265.000 đồng/ghế.
Công ty CP vận tải đường sắt Hà Nội cũng tiếp tục lập thêm tàu ngoài các mác tàu chạy thường xuyên và đã tăng cường, như bổ sung thêm tàu HP4 xuất phát ga Hải Phòng đi Hà Nội ngày 3.5. So với ngày thường, dịp lễ 30.4, ngành đường sắt đã chạy thêm 30 đoàn tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và ngược lại. Trong đó, tuyến Hà Nội - Lào Cai có thêm tàu SP3/SP4, tuyến Hà Nội - Thanh Hóa thêm đôi tàu TH1/TH2. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng chạy 4 đôi tàu trong các ngày từ 22.4 - 4.5...
Trong khi đó, Công ty CP bến xe Hà Nội dự kiến bố trí thêm gần 800 xe tăng cường mỗi ngày khi lưu lượng hành khách tại các bến xe Hà Nội tăng từ chiều tối 29 đến hết ngày 30.4, dự kiến tăng 200 - 300% so với ngày thường.
Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội, dự kiến bến Mỹ Đình và Giáp Bát có lượng khách trong các ngày cao điểm tăng mạnh nhất, khoảng 12.000 lượt mỗi bến trong ngày. Lượng khách và lượng xe tăng, song chỉ tương đương thời điểm trước dịch nên vẫn trong khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp tại bến.