Để góp thêm ý kiến cho vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. NGUYỄN MINH PHONG (ảnh), chuyên gia kinh tế.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông nhận định như thế nào về những lo ngại với vốn vay ưu đãi từ Trung Quốc trong báo cáo trình Thủ tướng của Bộ KH&ĐT?
TS. NGUYỄN MINH PHONG: - Trong báo cáo này, Bộ KH&ĐT nêu các vấn đề liên quan đến nguồn vốn ưu đãi từ Trung Quốc, như lãi suất cao gấp rưỡi gấp đôi thị trường khác trong khi điều kiện vay kém ưu đãi; dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc cũng thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư. Thực tế một loạt các dự án sử dụng vốn tổng thầu của Trung Quốc với công nghệ, con người cũng như các hoạt động khác đều cho thấy giá rất đắt.
Cụ thể, vốn vay với lãi suất cao, thời hạn ân hạn ngắn, trong khi đó dự án lại bị chỉ định thầu, cộng với một loạt sức ép khác về giá và công nghệ, còn tiến độ thì lùi thường xuyên. Như vậy, Bộ KH&ĐT là người chính thức lên tiếng để cảnh báo Chính phủ và điều này cũng phù hợp với xu hướng chung với các nước xung quanh.
Đồng thời, với tất cả những dự án, có chất lượng thấp như thế, cần phải bắt lỗi trách nhiệm của những người lập dự án cũng như những người có trách nhiệm tư vấn, thiết kế, kiểm tra giám sát dự án… để tránh tình trạng này cứ lặp đi lặp lại. Đây là lúc phải kiểm điểm lại nghiêm túc cũng như bắt lỗi trách nhiệm cá nhân thật nặng theo đúng tinh thần của Luật Quản lý nợ công.
- Ông có thể chỉ ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng dự án ODA luôn đội vốn?
- Mỗi một dự án có một lý do riêng nhưng về cơ bản đối với dự án của Trung Quốc thực hiện luôn gắn với “mẹo” của họ là bỏ giá thấp để trúng thầu, sau đó sử dụng những kỹ thuật trục trặc về mặt trượt giá, về mặt công nghệ khác.
Điều này nhằm bù lại cho việc bỏ giá thấp để trúng thầu, cuối cùng Việt Nam vẫn phải chịu giá cao, thời hạn dài, cộng thêm một loạt vấn đề về chất lượng, bảo hành kém. Chính điều này dẫn đến sự bức xúc của dư luận về trách nhiệm trong vấn đề để cho nhà thầu Trung Quốc thực hiện các dự án đấu thầu, nhất là trong nhiệt điện và trong một số lĩnh vực hạ tầng khác.
- Theo ông có cách nào quản lý từ Trung ương đến địa phương để dự án sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn?
- Giải pháp để quản lý vấn đề này đã có sẵn. Cụ thể, Luật Quản lý nợ công và Luật Đầu tư công hiện nay đang điều chỉnh đều có các quy định liên quan. Do đó, bên cạnh Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư công sắp tới cần phải hoàn thiện thật nhanh để siết lại những kẽ hở cùng với những dễ dãi của những dự án ODA chỉ định thầu.
Đồng thời, khi các dự án chậm tiến độ, đội vốn cần phải bắt lỗi trách nhiệm của người đứng đầu, bao gồm tất cả người đứng đầu của các cơ quan chứ không phải chỉ một mình người đứng đầu nào đó. Người chủ trương đầu tư là người đứng đầu chịu trách nhiệm nhưng đồng thời những người đứng đầu trong các khâu tư vấn lập dự án, thiết kế dự án, thẩm định thông duyệt, giám sát, kiểm toán cũng phải có trách nhiệm ở đây.
Khi rà soát lại, lỗi đến đâu xử lý đến đó, còn nếu vẫn xử lý như hiện nay sẽ làm cho nợ công càng ngày càng nhiều, chất lượng dự án ngày càng kém và không ai chịu trách nhiệm. Ngoài ra, cần phải tăng thêm giám sát xã hội và giám sát cộng đồng, cộng với công khai tất cả các số liệu liên quan đến các dự án đấy để chính người tham gia có thể giám sát và phản biện thích đáng.
- Theo ông nguồn vốn ODA hiện nay đóng vai trò như thế nào đối với Việt Nam?
- Vốn ODA đúng nghĩa là chỉ vay với lãi suất khoảng 0,3%/năm, thời hạn 40-50 năm mới trả nợ và luôn có một phần viện trợ không hoàn lại khoảng 25% của tổng số vốn ODA. Nhưng bây giờ không còn chuyện đó nữa. Cho nên khái niệm ODA vẫn được dùng quen chứ cũng không còn đúng nghĩa của ODA.
Theo tôi, tốt nhất là không nên xem từ đó là vay ODA, mà nhìn nhận là vay thương mại. Khi đã vay thương mại, chúng ta phải tổ chức vay vốn rõ ràng, cụ thể là vay vốn và tổ chức đấu thầu, thay vì vay của họ xong để họ chỉ định thầu. Như vậy chúng ta sẽ chịu đến 2 lần bị thiệt.
- Với tình hình nguồn vốn rẻ ngày càng hiếm, vậy theo ông đâu là nguồn vốn tốt nhất để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế tối ưu nhất đối với Việt Nam hiện nay?
- BOT hay BT là những hình thức đầu tư phù hợp theo cơ chế thị trường và ngày càng mở rộng, góp phần nhất định trong huy động vốn xã hội và tạo động lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế chung.
Tuy nhiên, thực tế cũng đòi hỏi cần có sự nhận diện đầy đủ tác động hai mặt của chúng và sự triển khai đồng bộ, cũng như tính tới hai mặt của các chính sách quản lý đúng đắn, sự phối hợp chặt chẽ cần thiết từ các bên liên quan, nhằm tăng hiệu quả hoạt động và quản lý nhà nước đối với các dự án này.
Cụ thể Việt Nam vẫn thực hiện BT, BOT nhưng phải làm lại cho đúng kiểu, đúng quy trình và đặc biệt là phải minh bạch đấu thầu. Vừa qua nhiều dự án không làm đúng kiểu đó, tất cả đều chỉ định thầu, đội vốn, đội giá, lợi ích nhóm kèm vào. Những điều này đã làm hỏng những phương thức đáng lẽ rất tốt.
Do đó, muốn đẩy mạnh các hình thức hợp tác công tư cần phải siết lại quy trình, siết lại giám sát để đảm bảo đúng tiêu chí, chọn đúng đối tượng, đặc biệt là đối tượng phải có vốn thực. Đồng thời, khi nhà đầu tư thực hiện dự án là phải có kiểm toán ngay từ đầu, các cơ quan chức năng giám sát ngay từ đầu để không xảy ra tình trạng tất cả tính toán con số chỉ do chủ đầu tư hoặc chủ thầu đưa ra.
Hiện nay, Malaysia, Indonesia cũng đang cảnh báo với những gói vay của Trung Quốc. Theo tôi, đã đến lúc phải rà soát lại toàn bộ dự án ODA của Trung Quốc. Dự án nào đã trót thực hiện thì làm, còn dự án nào đang trong kế hoạch, chưa triển khai phải rà soát thật kỹ, phản biện thật kỹ, chứ không nên dễ dãi như trước đây nữa. Nếu không Việt Nam sẽ rơi vào bẫy nợ hoặc tạo ra gánh nặng sau này. |