Chưa công bằng với người nộp thuế
Bà Nguyễn Thị Trang (ngụ đường Âu Dương Lân, quận 8, TPHCM), giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên về may mặc, phản ánh, suốt thời gian dịch Covid-19, DN phải tạm ngừng sản xuất, không có doanh thu nhưng vẫn đảm bảo chính sách hỗ trợ cho người lao động. Nghĩa vụ thuế, chăm lo về vật chất, tinh thần cho công nhân đều được DN thực hiện đầy đủ. Tuy vậy, các sản phẩm thời trang (quần áo, váy) của DN bán ra thị trường liên tục bị nhái mẫu mã, cạnh tranh về giá với nhiều kênh online. Chính việc không phải nộp thuế, bán hàng giá rẻ, chính sách hậu mãi kém… của một số trang fanpage đã bóp nghẹt các DN sản xuất nghiêm túc.
Thực tế, với tốc độ phủ sóng rộng khắp của các trang mạng xã hội, khách hàng dễ dàng tiếp cận đủ loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả cạnh tranh. Điều này góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, nhưng cũng là mảnh đất màu mỡ cho hoạt động kinh doanh “chui”. Nhiều chị em nội trợ cho hay, thường xuyên ghé chợ tự phát để mua thực phẩm về chế biến cho gia đình. Mấy tuần nay, khi TPHCM từng bước mở cửa, các chợ tự phát mọc lên khá nhiều. Người dân dễ dàng mua được rau củ quả, hải sản, thịt heo gần nhà mà không phải đi xa, nhưng nguồn gốc hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn rất đáng lo ngại.
Chị Lê Thị Liên (kinh doanh tại đường Dương Thị Mười, quận 12, TPHCM) chia sẻ, chị và nhiều người buôn bán được quận hướng dẫn kê khai nộp thuế, mức đóng từ vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi năm, tùy người. Tuy vậy, những người buôn bán tự phát, xuất hiện vào những tháng cao điểm như dịch bệnh, giãn cách xã hội vừa qua, hay các dịp lễ tết hầu như không phải đóng thuế đồng nào. Điều này khiến chị Liên bức xúc. “Về lâu dài, nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, làm suy yếu nguồn lực những DN kinh doanh chân chính”, bà Nguyễn Thị Trang kiến nghị.
Tăng cường hậu kiểm
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, đánh giá, kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội khá nhộn nhịp, phản ánh nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực tế của người dân, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có việc giám sát chất lượng hàng hóa, thu thuế. Vì theo quy định của pháp luật thuế hiện hành, cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay thương mại điện tử, livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, đều thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có phát sinh doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên/năm.
Hiện nay, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa bởi chiêu trò quảng cáo sản phẩm nói quá sự thật. Thế nhưng, công tác hậu kiểm còn khá lỏng lẻo. Các trang mạng lớn nhỏ bán tràn lan hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng việc truy vết để xử lý rất ít, chẳng khác nào “ném đá ao bèo”. Thậm chí, cơ quan chức năng kiểm tra hôm trước, hôm sau nơi bán đã tái phạm. Cũng có những DN buôn lậu với trị giá hàng hóa lớn, nhưng khi tra soát ngày thành lập thì phát hiện tuổi đời DN chỉ… vài tháng. Chính một cán bộ Hải quan TPHCM thừa nhận, có hiện tượng DN được thành lập vội vàng chỉ để kinh doanh phi pháp. Khi bị xử lý sẽ thay tên đổi chủ, đăng ký ở địa điểm mới.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, thừa nhận, không phải người tiêu dùng nào cũng mạnh dạn tố cáo kẻ lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của bản thân. Chưa kể, cũng có thương hiệu lớn bị giả mạo nhưng sợ mất uy tín nên chỉ âm thầm xử lý vụ việc mà không công bố để người tiêu dùng biết cách phòng vệ. Hiện có nhiều hội nhưng một số hội chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi cho hội viên, người tiêu dùng. Trước thực tế này, ông Nguyễn Viết Hồng khuyến cáo, người mua nên thận trọng, chỉ đặt hàng của người quen biết hoặc thực sự tin tưởng; chọn sản phẩm của những kênh bán hàng uy tín; nói không với hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
TS Trần Quang Thắng cũng đề xuất, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng liên ngành chức năng làm nhiệm vụ “gác cổng” thị trường. Tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng quản lý của các cơ quan chuyên trách nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hạn chế thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.