Qua rồi xăng dầu giá rẻ

(ĐTTCO)-Dù cơ quan điều hành xả mạnh quỹ bình ổn vẫn không kiềm chế được đà tăng khá mạnh của giá xăng dầu do thuế phí chưa giảm, có loại xăng đã tiến sát mốc 23.000 đồng/lít.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 11-10, giá xăng dầu trong nước đồng loạt được liên bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh tăng thêm gần 1.000 đồng/lít.

Lập đỉnh 7 năm

Như vậy, giá đã vượt đỉnh lịch sử trong vòng 7 năm trở lại đây. Theo đó, lần đầu tiên xăng E5RON92 lên mức 21.683 đồng/lít, xăng RON95-III có giá 22.879 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S cũng lên mức 17.545 đồng/lít, dầu hỏa lên mức 16.622 đồng/lít, dầu mazut 180CST 3.5S lên mức 17.097 đồng/kg.

Lý do giá xăng dầu tăng cao, theo cơ quan điều hành, là do giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tăng mạnh. Đơn cử, giá dầu thô có thời điểm vượt ngưỡng 82 USD/thùng, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Giá bình quân các sản phẩm xăng dầu thế giới cũng tăng từ 5 - 8 USD/thùng, tương đương tăng từ 5 - 10%.

Liên bộ đã quyết định ngừng trích lập quỹ đối với các mặt hàng xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa; tăng chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 để giá xăng dầu trong nước có mức tăng thấp hơn mức tăng của thế giới.

"Lần này nếu không chi quỹ bình ổn giá, giá xăng E5RON92 và dầu diesel, dầu hỏa sẽ tăng từ 1.079 - 1.917 đồng/lít so với giá hiện hành. Tức là giá bán xăng E5RON92 có thể vượt mốc 22.500 đồng/lít" - một đại diện trong tổ điều hành liên bộ cho hay.

Việc tiếp tục chi sử dụng quỹ bình ổn trong bối cảnh có tới 14 doanh nghiệp âm và số dư quỹ chỉ còn 670 tỉ đồng (tính đến thời điểm trước kỳ điều hành giá ngày 11-10) đặt ra gánh nặng lớn để kiểm soát giá xăng dầu trong thời gian tới.

Theo một đại diện của Bộ Công thương, để kiểm soát đà tăng giá xăng dầu, bên cạnh công cụ quỹ bình ổn, cần phải có thêm cơ chế. Trong đó, đáng chú ý là mức thuế, phí hiện đang chiếm tỉ lệ rất cao trong cơ cấu giá xăng dầu, khi mặt hàng xăng thuế phí chiếm tỉ trọng 42 - 43%, còn mặt hàng dầu chiếm 24 - 30%, nên nếu không tính toán để giảm thuế, phí thì khó giảm được giá.

Sớm giảm thuế

Ông Trịnh Quang Khanh, tổng thư ký Hiệp hội Xăng dầu VN, cho rằng để kìm giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp, nhất là khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, giải pháp giảm thuế đối với xăng dầu cần sớm được áp dụng.

Theo ông Khanh, thực tế mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đang rất cao, như với xăng RON95 lên tới 4.000 đồng/ lít. Đặc biệt, sắc thuế này với xăng E5RON92 đang có sự bất cập bởi xăng E5RON92 là xăng sinh học, thân thiện với môi trường nhưng vẫn chịu mức thuế bảo vệ môi trường tới 3.800 đồng/lít. Nên giá xăng sinh học chỉ thấp hơn 1.200 đồng/lít so với mức giá của xăng RON95.

"Từ lâu, cả Bộ Công thương và nhiều doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính nên giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5RON92 để mức giá bán ra thấp hơn 2.000 - 2.500 đồng/lít so với xăng RON95. Nếu khoảng cách chênh lệch giá giữa 2 mặt hàng này tăng lên thì sẽ khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường" - ông Khanh nói.

Ông Khanh cũng đề xuất cơ quan quản lý xem xét đến việc giảm thuế giá trị gia tăng nhóm mặt hàng này. Để tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách, việc khoan thư sức dân, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn là vô cùng cần thiết. Ngân sách khó khăn thì có thể giảm một phần để chia sẻ. Sang năm khi nền kinh tế được khôi phục, hoạt động sản xuất - kinh doanh sôi động trở lại thì mức thuế có thể sẽ được áp dụng như bình thường.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số thu từ thuế bảo vệ môi trường luôn tăng. Xăng dầu đóng góp rất lớn trong số thu của sắc thuế này. Số thu từ thuế bảo vệ môi trường 6 tháng đầu năm nay đạt gần 32.000 tỉ đồng, chiếm 44% trong dự toán của cả năm (66.221 tỉ đồng). Còn năm 2018, 2019 và 2020, số thu được từ sắc thuế này đạt lần lượt khoảng 49.324 tỉ đồng, 68.800 tỉ đồng và 68.880 tỉ đồng.

Các tin khác